Cổ nhân rất coi trọng giáo dục gia đình, bởi vậy mà hầu hết các gia đình thời xưa đều có gia huấn để giáo dục con cháu đời sau. Trong gia huấn truyền thống hàm chứa rất nhiều trí tuệ làm người và đạo đối nhân xử thế. Hơn nữa, những gia huấn này đều vô cùng mộc mạc, chất phác và có tính ứng dụng thực tế rất cao. Có thể nói, những gia huấn truyền thống mà cổ nhân để lại là tài phú vô cùng giá trị cho người đời sau.

7 gia huấn của cổ nhân giúp tạo lập gia đình hưng vượng
(Tranh minh họa: Vương Thì Mẫn, Minneapolis Institute of Art, Public Domain)

Dưới đây là một số gia huấn nổi tiếng trong lịch sử giúp tạo lập một gia đình hòa thuận và thịnh vượng lâu dài:

1. Mạnh Tử: “Không dùng quy củ thì không thành vuông tròn”

Triết gia thời Chiến Quốc, Mạnh Tử viết: “Bất dĩ quy củ, bất thành phương viên”, ý nói làm bất kỳ việc gì mà không có quy tắc ắt không thể thành công.

Sở dĩ Mạnh Tử có thể trở thành bậc thánh hiền, lưu danh thiên cổ, phần lớn đều là nhờ công đức dạy dỗ của mẹ ông. Khi Mạnh Tử còn nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa nên Mạnh Tử học theo và chơi các trò chơi đám tang.

Mạnh Mẫu thấy vậy liền cho rằng nơi đây không thích hợp để con mình ở lại, vì thế bà chuyển nhà đến nơi gần chợ. Hằng ngày, Mạnh Tử ra chợ, thấy thiên hạ mổ lợn, mua bán nên về nhà cũng bắt chước buôn bán với trẻ con hàng xóm. Vì thế, bà lại chuyển nhà đến gần trường học.

Thấy đám trẻ con đến trường siêng năng học hành, ăn nói có lễ phép, Mạnh Tử cũng bắt chước theo chúng. Mạnh Mẫu rất đỗi vui mừng: “Đây mới là nơi thích hợp để lưu lại”. Vì thế, hai mẹ con Mạnh Tử đã định cư lại nơi này.

Bởi vì mẹ Mạnh Tử duy trì quy tắc, chuẩn mực trong việc dạy dỗ ông, không bao giờ hạ thấp, nên Mạnh Tử mới trở thành một con người lưu danh hậu thế. Cũng vậy, Mạnh Tử học theo mẹ, tôn sùng chữ Lễ, trở thành một vị Á Thánh của Nho gia.

2. Gia Cát Lượng: “Lấy tĩnh tu thân, lấy kiệm dưỡng đức”

Thừa tướng kiệt xuất nhà Thục Hán thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng đến tận năm 46 tuổi mới sinh được con trai là Gia Cát Chiêm, vậy nên ông vô cùng yêu quý người con này của mình, hy vọng mai này có thể thành trụ cột của quốc gia. Gia Cát Lượng cả đời vất vả nơi xa trường chinh chiến nhiều năm, tuy nhiên vẫn không quên trách nhiệm dạy bảo đối với con cái. Tuy thân ngoài ngàn dặm nhưng ông vẫn viết thư cho Gia Cát Chiêm, gọi là “Giới Tử Thư”.

Trong “Giới Tử Thư”, ông viết: “Lấy tĩnh tu thân, lấy kiệm dưỡng đức. Không đạm bạc thì cái chí không sáng, không tĩnh lặng thì không thể suy nghĩ được xa”. Một người khi không theo đuổi danh lợi, cuộc sống đơn giản mộc mạc thì mới có thể hiển lộ ra chí hướng của bản thân. Một người khi không theo đuổi sự náo nhiệt, giữ tâm an bình thanh tĩnh mới có thể nhìn được xa, được rộng.

3. Bao Chửng: “Không được tham lam tài vật của người khác”

Bao Chửng là vị quan nổi tiếng nhà Bắc Tống, cả đời công chính liêm minh, cương trực hơn người, chấp pháp như sơn. Vậy nên đối với con cháu hậu thế ông cũng có yêu cầu vô cùng nghiêm khắc. Ông để lại gia huấn cho con cháu, nói rõ rằng sau khi ông chết đi: “Bất kỳ ai phạm tội, tham lam tài vật của người khác thì không được phép về nhà, dù có chết cũng không được chôn trong phần mộ của tổ tiên, nếu ai không làm đúng với ý nguyện của ta, người đó không phải con cháu nhà họ Bao ta”.

Tuy chỉ với mấy lời ngắn ngủi nhưng chúng ta có thể thấy một đời của ông chính là chí công vô tư, thanh liêm ngay thẳng, là tấm gương cho hậu thế muôn đời.

4. Âu Dương Tu: “Ngọc bất trác, bất thành khí”

Âu Dương Tu danh sỹ thời Bắc Tống từng nói rằng: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri đạo”. Ngọc nếu không qua mài giũa sẽ không trở thành vật dụng quý, người không học tập thì không biết được đạo lý làm người. Ngọc vốn dĩ là vật của tự nhiên, dù không qua tạo hình thì đặc tính của nó cũng không thay đổi, còn tâm tính con người là chịu tác động của thế giới bên ngoài, dễ bị ảnh hưởng, biến hóa. Vậy nên nếu như con người không chịu học tập ắt sẽ mất đi phẩm chất cao thượng, mất đi phẩm đức, từ đó biến thành hành vi tiểu nhân gian trá.

Âu Dương Tu khi mới 4 tuổi thì cha qua đời, mẹ ông đã giáo dục ông vô cùng nghiêm khắc. Vì nhà nghèo, bà đã lấy than củi làm mực, lấy lau sậy làm bút, lấy đất làm giấy mà dạy con học chữ.

Trong gia huấn của mình, Âu Dương Tu hy vọng con cháu sau này có thể kế tục, phát huy truyền thống học hành của gia đình, có thể bắt đầu từ việc học hành chăm chỉ mà lĩnh ngộ được đạo lý làm người.

5. Trung Hoa đệ nhất vọng tộc: 5 điều căn bản để lập thân

Gia Vương Thị được xưng là đệ nhất vọng tộc của Trung Hoa. Từ thời danh thần Vương Cát triều Tây Hán đã bắt đầu tạo dựng nên sự hưng vượng của gia tộc này. Theo ghi chép trong “Nhị thập tứ sử”, trải qua khoảng 1700 năm từ thời Tây Hán đến cuối triều nhà Đường, gia tộc họ Vương xuất sinh hơn 600 người được lưu danh sử sách, bồi dưỡng được 36 Hoàng hậu, 36 Phò mã và 35 Tể tướng.

Trong “Gia Vương Thị gia huấn” viết rằng: Lời nói và việc làm mà nhất trí với nhau thì chính là tín cao nhất. Đem cái tốt đẹp nhường cho người khác còn chính mình gánh vác khuyết điểm thì chính là đức cao nhất. Truyền bá thanh danh tốt khiến thân nhân vinh hiển là hiếu cao nhất. Anh em hòa thuận vui vẻ, họ hàng hân hoan là đễ cao nhất. Đứng trước tài vật mà không bị phụ thuộc là khiêm nhượng cao nhất. Năm điều này được xem là căn bản để lập thân.

6. Tả Tông Đường: “Ngày không tiến, ắt sẽ lùi”

Danh tướng kiệt xuất cuối đời nhà Thanh, Tả Tông Đường từng viết: “Nghiệp học, tri thức nếu như một ngày không tiến ắt sẽ bị lùi. Học phải thời thời khắc khắc đặt tâm đối chiếu với mọi sự việc. Việc thì dù lớn dù nhỏ đều có lý của nó, không gì không thể học”.

Tả Tông Đường từ năm 20 tuổi đã bắt đầu tham gia khoa thi tiến sĩ, trong vòng 6 năm đã 3 lần vào kinh ứng thí, nhưng tất cả đều trượt mà về. Một người tưởng như sinh ra thất thế lệch thời, là một nho sinh rớt bảng, cuối cùng lại trở thành danh thần nhà Thanh. Chỉ mấy câu ngắn ngủi này chúng ta cũng có thể thấy bí quyết thành công của ông chính là ở chữ Nhẫn.

Bất luận là sự việc gì, bất luận sự việc bé nhỏ ra sao, bên trong mỗi từng sự việc đều ẩn chứa đạo lý nhân sinh và quy luật của nó. Vậy nên người học phải thời thời khắc khắc dụng tâm, có như vậy mới có thể mỗi ngày đều là một ngày tiến lên.

7. Tăng Quốc Phiên: 16 chữ gia huấn

Nho gia lỗi lạc, danh thần dưới triều Mãn Thanh, Tăng Quốc Phiên từng nói: “Gia kiệm tắc hưng, nhân cần tắc kiện; năng cần năng kiệm, vĩnh bất bần tiện”, ý nói gia đình tiết kiệm thì ắt sẽ hưng vượng, người sống cần kiệm thì ắt sẽ khỏe mạnh, có thể cần có thể kiệm thì vĩnh viễn không ở phía dưới.

Tăng quốc Phiên cả đời đều khuyên bảo con cháu sống cần kiệm chất phác, tránh xa hoa lãng phí. Khi ở kinh thành ông chứng kiến cảnh con cháu các bậc bá quan, phú hộ đều sống cuộc sống xa xỉ ăn chơi vô độ nên nhất quyết không để cho con cháu đến kinh thành sinh sống. Vợ của ông cũng ở lại quê nhà chăm sóc con cái gia đình.

Ngay cả trước cửa nhà ông cũng không đề bảng tướng phủ, hầu phủ như những quan viên thường thấy khác. Tăng Quốc Phiên yêu cầu: “Lấy liêm chính làm luật, lấy cần kiệm làm gia phong, thề không động tới một đồng trong quân dùng vào việc riêng trong nhà”. Nhờ vậy mà gia tộc họ Tăng hưng vượng, đời này tiếp nối đời sau mà sinh ra các bậc anh tài. Tăng Kỷ Trạch, Tăng Quảng Quân, Tăng Quảng Thuyên, Tăng Chiêu Luân, Tăng Hiến Thực… đều là những nhân vật kiệt xuất của lịch sử Trung Hoa.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: