Có câu nói rằng: “Thái độ quyết định cao độ”, một người cao quý hay không không phải do tiền bạc, địa vị hay xuất thân quyết định mà được quyết định bởi tâm thái của người ấy. Vậy phải làm sao để có được tâm thái cao thượng hơn? Một người nếu có thể làm được 7 điều dưới đây thì đã là một người cao quý, đã tu dưỡng đến một cảng giới cao rồi.

7 loại tâm thái của một người có nhân cách cao quý
(Ảnh minh họa: ESB Professional, Shutterstock)

1. Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác

Trong cuộc sống người ta đều có thói quen dùng góc độ quan điểm của mình để xem xét vấn đề. Mỗi người đều đứng từ góc độ lợi ích của bản thân, nguyện vọng của bản thân, sự chấp nhận của bản thân để quan sát sự vật, cho nên thường rất khó lý giải người khác. Sự xung đột, mâu thuẫn xảy ra trong mối quan hệ giữa người và người rất nhiều đều có nguyên nhân từ đây.

Khi có thể đứng ở lập trường khách quan mà nhìn nhận, chúng ta sẽ phát hiện mâu thuẫn xảy ra thường là do chúng ta đã hoàn toàn không hiểu đối phương. Bởi vậy muốn xử lý tốt mối quan hệ giữa bản thân và mọi người xung quanh, điều trước tiên là cần phải thay đổi góc độ xem xét, không đứng trên quan điểm của bản thân mà cần đặt mình vào hoàn cảnh, góc độ của người khác để xem xét. Như thế, chúng ta có thể liễu giải được ý nghĩ, nguyện vọng của người khác. Từ đó chúng ta sẽ có nhiều phương pháp xử lý phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Nếu một người nhất định không chịu thay đổi, không thể liễu giải được người khác thì sẽ không thể có các mối quan hệ mới và các mối quan hệ cũ cũng không được tốt đẹp.

2. Điều mình không muốn thì không gây ra cho người

Nguyên tắc này là “khuôn vàng thước ngọc” trong xử thế, cũng là điều mà cổ nhân dạy. Ví như, tai mình không muốn nghe lời cay nghiệt thì đừng làm điều đó với người khác. Bản thân không muốn bị tổn thương thì cũng đừng để người khác bị tổn thương. Khi ngại khó ngại khổ thì cũng cần nghĩ liệu người khác có vất vả hơn nếu chúng ta đùn đẩy trách nhiệm cho họ. Vô luận là đồng sự, là cấp dưới, bạn bè, người hợp tác, người thân yêu đều cần tuân theo nguyên tắc này.

Còn một phương diện khác, trên đời này, báo ứng là có sớm có muộn, có sự sai biệt về thời gian, nhưng xưa nay chưa từng có chuyện làm việc xấu việc ác mà không bị ác báo. Người xưa thường dạy: “Không được có tâm hại người”, bởi vì thiện ác có báo là Thiên lý, hại người cũng bằng như hại bản thân mình. Bởi thế không làm hại người cũng là đối xử tốt với chính mình.

3. Không có công, không nhận lộc

Không ít người hiện đại ngày nay thường đặt quyền lợi, lợi ích mình nhận được lên trên sự phó xuất và cống hiến của bản thân. Họ không ngần ngại, thậm chí là bất chấp để đạt được mục đích này. Tuy nhiên từ xưa đến nay, người nào mà “không có công vẫn nhận lộc”, “không làm mà vẫn hưởng” thì đều khiến người khác ghét bỏ, xa lánh. Người có nhân cách cao quý luôn biết thứ gì của mình, thứ gì không, không vì vật chất mà đánh mất nhân cách của mình.

Những người trong đầu luôn có ý nghĩ muốn được thụ hưởng mà không muốn bỏ công sức, thì có thể nói là tâm linh thấp kém, không có tiền đồ. Người như vậy khiến người khác xem thường, nói sao đến việc cao quý đây?

4. Lấy đức trả oán, nội tâm chỉ có lòng biết ơn

Khi người khác xúc phạm, làm thương tổn chúng ta thì không nên “lấy oán báo oán”. Như vậy sẽ khiến lương tâm của bản thân bị tổn thương, nhân cách bản thân bị hạ thấp, oan oan tương báo sẽ không thể dứt được. Cần dùng thái độ chính trực để đối đãi với oán hận. Người có thể lấy “đức” để làm tiêu biến “oán”, cảm hóa lòng người, chính là người hiểu đạo lý, rộng lượng và cao quý.

Còn như đối với người có ân với chúng ta, thì dẫu nhận được một ân huệ nhỏ như giọt nước cũng phải báo đáp như một dòng suối. Người biết cảm ơn bề trên, biết ơn đấng sinh thành, biết ơn vạn vật, là người thấu hiểu đạo lý của tự nhiên, đạo lý làm người. Người như vậy biết trân quý sinh mệnh, sống thuận theo tự nhiên, phù hợp với đạo, là người trí tuệ, nên cuộc đời của người ấy tự nhiên cũng thông thuận, may mắn. Thường xuyên mang trong mình tấm lòng biết ơn chính là thể hiện của tâm tính lương thiện, là một loại mỹ đức và là một quy phạm căn bản để làm người.

5. Tặng than cho người trong ngày đông giá rét

Khi người khác cần trợ giúp, chúng ta nên tận lực trợ giúp họ, đây là tâm lương thiện, điều này rất tốt. Nhưng cũng cần nhớ rằng tặng cho người khác một túi tiền, không bằng khơi dậy thiện tâm của họ, bởi vì thành tâm thiện niệm mới là bảo chứng căn bản nhất để một sinh mệnh có thể tiến về vị lai.

Muốn giúp đỡ người khác ắt phải giúp họ hiểu ra. Một bữa ăn cho người khó nhọc chỉ có thể giải quyết cơn đói nhất thời, nhưng đó không phải “lương thực” chân chính cho một sinh mệnh. Kim tiền của người thế gian có thể đáp ứng dục vọng nhất thời của một người, đó cũng không phải ánh sáng chân chính của cuộc đời. Giàu nghèo đều như nhau, tai nạn có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Mỗi người đều có một mặt Phật tính và thiện lương, lấy chân thành và thiện lương để thức tỉnh lương tri của một người mới có thể chân chính giúp đỡ người khác.

6. Thành tín với người khác

Thành tín với người khác không chỉ tạo nên ấn tượng sâu sắc với họ mà còn bối đắp mỹ đức cho chính bản thân mình. Thành tín chất phác còn là nhu cầu của một tâm linh tốt đẹp. Thành tín không chỉ là một thái độ đối nhân xử thế mà còn là một loại tính cách, không chỉ là phương tiện sống mà còn là mục đích sống.

Một người có thể thành tín trong cuộc sống là bởi vì người ấy có trí tuệ, có nhân cách cao đẹp, hiểu thấu đạo lý làm người. Cho dù là đứng từ góc độ nào để xem xét thì thành tín cũng thường là yếu tố tạo nên thành công kiệt xuất nhất.

7. Khoan dung nhân từ

Người xưa có câu: “Biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực”. Lòng bao dung là trí huệ lớn của đời người.

Tục ngữ nói: “Vàng không thuần khiết, người không ai hoàn mỹ”. Khi đối mặt với sai lầm của người khác, nếu như canh cánh để ở trong lòng và đòi đáp trả thì sẽ chỉ khiến cho tâm linh của bản thân thêm nặng, thêm trầm trọng mà thôi. Thay vì để cho thù hận gặm nhấm tâm linh, chịu đựng thống khổ, chi bằng bao dung hết thảy, chẳng phải sẽ được thản nhiên và tự tại sao?

Tất nhiên, bao dung không phải là bao che cho sai lầm của người khác, không phải là dung túng để người khác phạm sai lầm mà là để tạo cơ hội tốt cho người khác sửa sai. Có những lúc, bao dung đem lại kết quả tốt đẹp hơn gấp ngàn lần sự trừng phạt. Đây cũng là lời khuyên răn và cách giáo dục của bậc thánh hiền xưa.

*

Vạn vật nhờ nước tẩy rửa mà trở nên sạch sẽ, không tẩy rửa tất sẽ ô uế. Vạn vật nhờ ánh mặt trời chiếu rọi mà tươi đẹp, nếu không được mặt trời chiếu rọi tất sẽ suy yếu mà chết. Vạn vật nhờ tĩnh lặng mà thanh sạch, không tĩnh tất sẽ hỗn loạn, không thật.

Vạn vật trong xã hội loài người đều phải ở trong bồi dưỡng, hun đúc mà có được phẩm chất tốt đẹp hơn. Người cũng vậy, sống trên đời phải thời thời khắc khắc, nhắc nhở bản thân tu dưỡng thành người cao quý.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: