Ngạn ngữ cổ cũng có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, đá quý nếu không được mài giũa, đẽo gọt thì không thể hiện ra được vẻ đẹp và giá trị của nó, con người nếu không học tập thì không thể hiểu biết đạo lý làm người, không biết cách đối nhân xử thế. Ngày nay, người ta coi đối nhân xử thế như một nghệ thuật trong giao tiếp, để đạt được lợi ích, để đắc được nhân tâm, nhưng đối nhân xử thế không chỉ giới hạn ở điều đó. Đối nhân xử thế còn là để tu dưỡng bản thân, để đề cao đạo đức, để thể hiện cái nhân, cái nghĩa, cái tình… Dưới đây là 9 kinh nghiệm đối nhân xử thế rất có ích trong cuộc sống.

9 bài học đối nhân xử thế cần ghi nhớ trong cuộc sống
(Ảnh minh họa: Liudmila Yagovatina, Shutterstock)

1. Tôn trọng người khác

Tôn trọng lẫn nhau không chỉ là một đức tính quan trọng mà còn là nền tảng cần thiết để xây dựng mối quan hệ bền vững. Một mối quan hệ thiếu sự tôn trọng thì sẽ không thể tồn tại được, một xã hội thiếu sự tôn trọng sẽ rất khó để phát triển lâu dài. Tôn trọng người khác không chỉ là một loại mỹ đức mà còn là một loại học vấn mà mỗi người đều cần đặt tâm tu dưỡng.

Không ai là người hoàn hảo, cho nên chúng ta không có lý do gì để dùng ánh mắt “ở trên cao” để đi xét nét người khác, cũng không có tư cách để dùng vẻ mặt “xem thường” để làm tổn thương người khác. Nếu chính bản thân mình, ở một phương diện nào đó kém hơn người khác thì cũng không cần dùng “tự ti”“ghen ghét đố kỵ” đi thế chỗ cho “tự tôn”. Chỉ có học được trân quý người khác mới có thể giành được sự tôn trọng từ người khác đối với mình. Cho nên, tôn trọng người khác kỳ thực chính là giữ tôn nghiêm cho bản thân mình.

Người luôn khăng khăng bảo vệ quan điểm cá nhân mà không thể lắng nghe thì thường thường đến cuối cùng sẽ trở thành người cô độc. Người như vậy sao có thể không thất bại? Người thực sự cao thượng từ xưa đến nay đều là người hiểu được cách tôn trọng người khác.

2. Tuân thủ nguyên tắc

Trong cuộc sống hiện thực, một người nếu không có chuẩn tắc làm người thì sẽ vô cùng dễ bị những cám dỗ của hoàn cảnh bên ngoài và dục vọng của bản thân dẫn dụ, sống “nước chảy bèo trôi”, khó có thể giữ mình, đánh mất nhân tính, càng không thể mang trong mình ý chí lớn lao, không sợ vinh nhục. Cho dù người ấy nhìn bề ngoài như là kiên cường, vững vàng nhưng trên thực tế, thế giới nội tâm của người ấy lại vô cùng yếu ớt.

Chuẩn tắc đến từ cảm ngộ của bản thân một người đối với ý nghĩa của sinh mệnh. Nó cũng thể hiện ra đạo đức, sự thấu hiểu đạo lý làm người, đối nhân xử thế của người ấy. Người mà trong tâm có chuẩn tắc sẽ biết suy nghĩ làm thế nào để chịu trách nhiệm với chính sinh mệnh của mình, làm thế nào ra quyết định cho cuộc đời của mình, bản thân mình từ đâu mà đến, tương lai rồi sẽ đi về đâu? Họ hiểu được rằng bản thân mình muốn điều gì, không muốn điều gì, điều gì nên làm điều gì không. Người như vậy, đứng trước mỗi việc họ đều có cái nhìn chuẩn xác. Cuộc đời của người ấy cho dù không được thăng quan tiến chức hay danh vọng hơn người nhưng họ nhất định sống ung dung tự tại, quang minh lỗi lạc, được hậu nhân kính trọng và có tương lai tươi đẹp.

Trong cuộc sống, có một số người nắm được một chút quyền lực thường không giữ được sự trong sạch, không chống lại được sự hấp dẫn của danh, lợi, tình, ra sức nghĩ cách để lấy được những thứ vốn không phải của mình. Dần dần, cuộc đời của họ bị mê lạc chính bởi dục vọng của bản thân mình. Một triết nhân từng nói: “Đời người không có bản nháp, ngày ngày đều là chính văn”. Vì vậy, tương lai của một người như thế nào thời thời khắc khắc đều được quyết định bởi cách sống của người ấy.

3. Thỏa thuận thích hợp

Con người sống trong xã hội không thể không có người thân, bạn bè, làng xóm… Một khi phát sinh mối quan hệ với người khác, con đường hiệu quả nhất chính là có thể thỏa thuận thích hợp. Mỗi người không thể lúc nào cũng một mực chỉ dựa vào ý nguyện của bản thân để làm việc, chỉ có đảm bảo được mục đích của các bên một cách phù hợp nhất mới khiến mối quan hệ hòa thuận.

Thỏa thuận chính là sự nhượng bộ, chấp nhận yêu cầu hoặc rút bớt yêu cầu để thống nhất được giữa các bên nhằm giải quyết vấn đề liên quan. Có đôi khi, con người nên biết cách thỏa thuận, thỏa thuận nhưng không đánh mất nguyên tắc, cũng chẳng có gì đáng xấu hổ, ngược lại nếu quá quan tâm đến những thứ không cần thiết thì sẽ làm hại chính mình.

Kỳ thực, lùi một bước, nhường nhịn một bước không chỉ là một loại trí tuệ mà còn là một loại ý chí ngoan cường. Rất nhiều lúc trong cuộc đời chúng ta có thể phát hiện ra rằng, chỉ nhẫn nhịn hay nhường người khác trong một cái chớp mắt thôi là đã có thể khiến con đường đời chật hẹp trở nên rộng lớn vô cùng.

4. Điều chỉnh đúng lúc

Trong cuộc sống có rất nhiều kế hoạch không theo kịp sự biến hóa. Kế hoạch ban đầu có thể là tốt, nhưng thuận theo sự biến hóa của thời gian, địa điểm, hoàn cảnh sẽ làm phát sinh nhiều tình huống mới, nhiều vấn đề mới mà kế hoạch cũ đã trở thành không còn phù hợp nữa, khiến cho công việc không thuận lợi, nảy sinh lỗi lầm.

Cổ nhân cho rằng, dù là bậc thánh hiền đi nữa thì cũng khó có thể không mắc lỗi lầm. Kỳ thực trong cuộc đời, một người không có khả năng không phạm phải sai lầm, điều quan trọng nhất chính là có thể kịp thời cải sửa. Người biết sai mà dũng cảm sửa chữa là người đáng trân quý.

Đối với khuyết điểm của sự việc, đối với sai trái của bản thân mà có thể sửa chữa được thì mọi người vẫn sẽ bao dung. Một người nếu biết sai trái mà không sửa, còn cố tình che giấu thì không chỉ không bảo vệ được sự tôn nghiêm của bản thân, mà còn khiến người khác xem thường.

5. Kiên trì bền bỉ

Có câu: “Đi trăm dặm, thì 90 dặm cũng chỉ là nửa đường”. Bởi vì càng gần đến cuối con đường càng nhiều khó khăn, cho nên càng gần tới đích thì nhất định càng phải kiên trì.

Từ xưa đến nay, người làm được việc lớn không hẳn phải là người tài hoa kiệt xuất nhưng nhất định phải là người có nghị lực, kiên trì bền bỉ với chí hướng, hoài bão của mình. Một người nếu không có ý chí kiên cường và tinh thần bền vững thì cho dù là làm việc gì cũng khó giữ được hằng tâm để đi đến thành công.

Mấu chốt của việc thành hay bại chính là ở chỗ có thể kiên trì bền bỉ đến cuối cùng được hay không. Sự nhiệt tình nhất thời có thể khiến người ta dễ dàng bỏ dở giữa chừng, chỉ có người kiên trì mới có thể đi đến thành công cuối cùng, đạt được thành tựu trong đời.

6. Coi trọng lễ nghĩa

Lễ nghi là quy phạm điều chỉnh đạo đức và hành vi của con người, cũng là biểu tượng của văn minh xã hội, là một trong những truyền thống tốt đẹp của người xưa. Nội hàm thâm sâu của Lễ chính là lòng tôn kính của con người đối với Trời đất và vũ trụ, là sự theo đuổi hoàn thiện đạo đức bản thân, sự hài hòa giữa người với người, sự phối hợp với trật tự xã hội. Bởi vậy, trong “Tả truyện” đã viết: “Lễ, kinh quốc gia, định xã tắc, tự dân nhân, lợi hậu tự giả dã”, lễ là kinh mạch của đất nước, lễ bình định xã tắc, lễ sắp xếp trật tự dân chúng, lễ làm lợi cho đời con cháu.

Dù là thời xưa hay thời nay, lễ vẫn luôn là chuẩn tắc trong cuộc sống hàng ngày. Lễ không chỉ là để phân biệt giữa con người và động vật mà còn có thể nâng cao mối quan hệ chung sống giữa người với người. Tác dụng của lễ không chỉ thể hiện ở việc đề cao việc tu dưỡng đạo đức cá nhân mà còn bồi dưỡng tinh thần của nhân quần.

Người giàu sang phú quý coi trọng việc học lễ thủ lễ thì tất sẽ không sinh tâm kiêu căng, phóng túng. Người nghèo khó coi trọng học lễ thủ lễ thì dù ở vào hoàn cảnh nào cũng có thể khiến tâm chí của mình sáng suốt, không nhát gan sợ hãi. Bởi vậy, dù là người giàu sang hay nghèo khó thì lễ luôn phải được đặt lên hàng đầu.

7. Giữ vững thành tín

Thành tín là gốc lập thân, người không thành thực chẳng thể kết giao. “Dục đương đại nhiệm, tu thị đốc thực”, muốn đảm nhiệm trọng trách, cần phải thành thực. Làm người, chỉ khi thành tín mới được người khác tôn trọng, mới có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Đối với công việc cũng vậy, dù là vấn đề gì, đều cần thực sự cầu thị, tuyệt đối không thể làm giả, thất tín với mọi người.

Trong giao tiếp giữa người với người, điều quan trọng là phải giữ sự thành tín. Cổ nhân coi việc thủ tín là một trong những phẩm hạnh làm người vô cùng quan trọng, coi trọng việc nói có uy tín, làm ra kết quả. Con người trong xã hội nếu không thủ tín, chắc chắn không ai muốn kết giao, lại càng chẳng thể nhận được sự tín nhiệm từ người khác.

Trong cuộc sống này, nếu không còn thành tín, thì thông minh sẽ chỉ làm hại chính mình, khoái hoạt sẽ không được lâu dài, địa vị chỉ là thứ giả tạo và cạnh tranh cũng sẽ thất bại mà thôi. Chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người, thậm chí đôi khi là sinh mệnh thứ hai của một quốc gia.

8. Gặp khó không nản

Khi gặp chuyện không vừa ý, khi vấp ngã trong cuộc đời, khi đứng trước nạn lớn mà bản thân dường như không thể vượt qua, điều quan trọng nhất chính là không thể thoái chí nản lòng, đánh mất niềm tin.

Cuộc đời của bất kỳ ai cũng sẽ phải gặp những khổ đau và thất bại, không có khả năng cả đời luôn gió lặng sóng êm. Người thông suốt thay vì nản chí ngã lòng, sẽ coi những khổ nạn mà mình gặp phải trong đời là cơ hội để tôi luyện bản thân, dùng tâm thái tích cực để đối mặt với khốn cảnh, luôn tin rằng sau cơn mưa trời nhất định sẽ sáng.

Trong khó khăn, khổ nạn gặp phải, thay vì oán trời trách đất, phóng túng sa ngã, xảo trá, mưu kế, thì một người cần lập chí học tập, tu dưỡng đạo đức, chờ đợi và nắm chắc cơ hội mới. Người như vậy ắt sẽ thành công.

9. Không oán không hận

Con người sống trên thế gian đều không tránh khỏi gặp một số chuyện ân ân oán oán. Có người khi gặp chuyện oán thù thì canh cánh trong lòng, tính toán chi li, nhớ mãi suốt đời. Kỳ thực oán thù chỉ khiến cuộc đời người ta ngày càng nhỏ hẹp, cánh cửa cuộc đời đóng lại nhanh hơn mà thôi.

Mọi người thường xuyên nói rằng phải học được cách quên đi. Đó là bởi vì hoàn toàn “quên đi” mới là cách để buông bỏ tâm oán hận. Sinh mệnh quá ngắn ngủi, để oán hận mất đi, tựa như chưa từng xảy ra thì trong lòng mới thoải mái, rộng rãi.

Cuộc sống quá ngắn ngủi, không nên để oán thù chiếm trọn tâm can. Oán hận người khác chính là tự cầm tù chính bản thân mình. Những thương tổn đến từ bên ngoài giống như những tảng đá ngầm bên bờ biển, bất quá chỉ làm cho những bọt sóng thêm trắng xóa xinh đẹp mà thôi. Hãy nhớ rằng biển rộng không than thở mà dung nạp hết thảy. Học cách quên đi và buông bỏ thù hận, bao dung, độ lượng và dùng thiện tâm để đối xử với người khác, có như vậy mới hóa giải được oán thù và hưởng phúc báo của đời người.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: