Tu dưỡng là phẩm chất, đạo đức, khí chất và sự lĩnh ngộ đối với sinh mệnh của một người. Nó đòi hỏi người ta phải trải qua một thời gian rèn luyện và bồi dưỡng lâu dài mới đạt được. Một người có tu dưỡng hay không, không phải căn cứ vào địa vị, tiền bạc và dung mạo mà đánh giá được.

Trong xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh chóng, tràn đầy ham muốn hưởng thụ vật chất, người ta phải làm thế nào để giữ vững được bản tâm, tu thân thủ đức, làm một người có tu dưỡng, có phẩm chất? Người ta phải làm sao để tâm linh được an bình, bình tĩnh suy xét và tự kiềm chế được bản thân? Dưới đây là 9 đặc điểm của một người thực sự có tu dưỡng.

9 đặc trưng của một người thực sự có tu dưỡng
(Ảnh minh họa: Supachai Panyaviwat, Shutterstock)

1. Biết cho đi

Người xưa có câu: “Hành thiện tối nhạc”, ý nói làm việc thiện là vui sướng nhất. Lòng người quả thật vô cùng kỳ lạ, khi chúng ta làm bất kể việc gì không tốt thì trong lòng sẽ thấy bất an, không vui vẻ nổi, nội tâm cũng không thoải mái. Còn nếu một người làm việc thiện một cách vô tư thì trong lòng người ấy chắc chắn sẽ vô cùng hạnh phúc.

Một số người cho rằng phải có điều kiện, có tiền bạc mới có thể giúp đỡ người khác, mới có thể cho đi. Nhưng kỳ thực ngay cả khi không có những thứ vật chất ấy, người ta vẫn có thể cho đi một cách rất ý nghĩa và hữu ích.

Đôi khi chỉ một lời nói động viên khích lệ, một cái nhìn hay một nụ cười ấm áp là đã có thể khiến một người buồn bã thành vui vẻ. Thậm chí chỉ bằng những cử chỉ nhỏ ấy, chúng ta đã có thể cảm hóa được một người ác thành người lương thiện hơn.

2. Cảm thông

Ai ai cũng đều không thể là người hoàn hảo, cho nên không có lý do gì để dùng ánh mắt “ở trên cao” đi xét nét người khác, cũng không có tư cách để dùng vẻ mặt “xem thường” đi làm tổn thương người khác.

Trong cuộc sống, khi người thân, bạn bè không giúp đỡ chúng ta thì cũng không nên trách mắng, không nên mang oán hận trong lòng. Bởi vì suy cho cùng, họ không có trách nhiệm phải làm những điều chúng ta mong muốn. Hơn thế nữa, khi họ cần giúp đỡ, thì bất kể quá khứ ra sao, người có tu dưỡng đều sẽ nguyện dang tay đón nhận họ.

3. Kiên cường tiếp nhận

Trong cuộc sống, mọi sự giúp đỡ đều là yếu tố bên ngoài, kiên cường mạnh mẽ mới là yếu tố bên trong. Nó giúp người ta vượt qua sóng gió cuộc đời ngay cả khi chỉ có một mình. Bản thân mỗi người cần phải học được tính độc lập, kiên cường, biết lạc quan và hy vọng.

4. Biết phân biệt tốt xấu thiện ác

Làm người là có tiêu chuẩn, chính là tuân theo những giá trị phổ quát được lưu truyền trong nền văn hóa nhân loại, lưu truyền trong tất cả các chính giáo xa xưa. Ấy là sự chân thật, thiện lương, là bao dung với vạn vật, cũng là bảo trì chính nghĩa, bảo tồn lương tri, không chấp nhận đồng lõa với cái ác. Con người sống nơi thế gian thì cần phải sống thiện lương, làm nhiều việc thiện, phân rõ đúng sai, giữ vững chính nghĩa, chống lại tà ác.

Có rất nhiều chuyện trong cuộc sống, đối diện với việc ác rất lớn, con người thường có cảm giác bó tay, nghĩ rằng tôi nhỏ bé thế này thì giúp được gì đâu? Từ đó mà buông lơi. Kỳ thực một niệm phản đối cái ác, một hành động nhỏ tưởng chừng vô ích, đôi khi là rất quan trọng. Ấy là một niệm lựa chọn thiện ác, phân biệt giữa làm người và không phải làm người. Người có tu dưỡng đối với vấn đề này lại càng cần phải minh tỏ.

5. Giữ tự trọng

Ngày nay, rất nhiều người vì danh, lợi, tình của bản thân mà vứt bỏ lòng tự trọng. Còn có những người không việc gì là không làm, không thứ gì là không lấy, đánh mất hết liêm sỉ của bản thân. Đặc biệt là trong xã hội ngày nay, người tự ái thì nhiều mà người tự trọng thì ít, hơn nữa rất nhiều người lại nhầm lẫn giữa tự ái và tự trọng, đòi người khác phải tôn trọng kể cả khi bản thân không có tự trọng.

Người có tu dưỡng sẽ biết liêm sỉ, biết tự trọng, từ đó mà thủ giữ đức hạnh, như cây tùng cây bách, mùa đông sương tuyết mà vẫn xanh, như con gà trống kia, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Người có “liêm” “sỉ” mới biết khiêm tốn mà thoái nhường, lựa chọn lấy hay bỏ có mức độ phù hợp. Đây không chỉ là tu dưỡng cá nhân mà còn là khí tiết của dân tộc, là “người dẫn đường” của lương tri.

6. Trân quý hết thảy

Người ta sống trên đời này thường hâm mộ những thứ mà người khác có được, hâm mộ thành tích, tài năng, phú quý của người khác. Người xưa giảng rằng: “Trời sinh thân ta, hẳn là có chỗ dùng…” Cho nên, một người có tu dưỡng biết trân quý hết thảy những gì bản thân có, trân quý hết thảy những mối lương duyên trong cuộc đời.

Mọi thứ trên đời diễn ra đều có nguyên do và ý nghĩa cả. Có rất nhiều việc trong cuộc đời không thể như tâm chúng ta mong muốn, cũng không thể nào làm trước được, chỉ có thể học cách đón nhận nó với thái độ vui vẻ mà thôi. Trân quý hiện tại, làm đến nơi đến chốn việc của mình mới là thái độ nhân sinh đúng đắn.

7. Có trách nhiệm

“Có trách nhiệm” là phẩm chất vô cùng quan trọng với một người. Người mà lòng dạ hẹp hòi, khi gặp khó khăn thì bỏ dở giữa chừng, hành sự thì không có nguyên tắc, rốt cuộc chỉ là một kẻ khiếp nhược mà thôi. Một người nhu nhược sao có thể gánh vác trách nhiệm với quốc gia và xã hội? Trọng trách nặng nề mà đường xá xa xôi, ấy là lý tưởng thực thi nhân nghĩa và ý chí kiên cường của người có tu dưỡng.

8. Trưởng thành

Một người không quá khó để đạt được “thành công”, nhưng lại rất khó để có thể trưởng thành. Người trưởng thành sẽ không quá để tâm vào được mất, hơn thua, lý trí mà không mất đi sự nhiệt huyết, bình tĩnh với tâm thái thong dong, có thể thản nhiên đối mặt với thất bại trước mắt. Một người có thể không đạt được thành công trong cuộc đời nhưng nhất định nên đạt được sự thành thục.

9. Có thể buông bỏ

Có một câu nói rất hay rằng: “Khi bạn khép chặt hai bàn tay, trong tay bạn sẽ không có gì. Nhưng khi bạn mở hai bàn tay ra thì cả thế giới đều ở trong tay bạn…” Người nào có thể hiểu được “buông” thì trong cuộc đời hữu hạn này, người ấy mới có thể sống được thản nhiên, sung túc và tự tạị.

Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đều được giáo dục phải cố gắng, phải kiên trì như thế nào, vĩnh viễn không được buông bỏ ra sao… Kỳ thực, có rất nhiều thời điểm trong cuộc đời, điều mà chúng ta cần học nhất lại chính là “buông bỏ”.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mởi xem video: