Những người già vẫn thường khuyên con cháu “tích đức” làm việc tốt, tránh những việc “tổn đức” hại người. Cổ nhân cho rằng âm đức là ngọn nguồn của hết thảy phúc báo, vì vậy thủ giữ đức và tích đức là việc vô cùng quan trọng mà ai ai cũng cần ghi nhớ. Dưới đây là 9 sự tình không nên làm để tránh tổn hại âm đức của bản thân.

Chút suy nghĩ về âm đức
(Ảnh minh họa: Bubbers BB, Shutterstock)

Phỉ báng tín ngưỡng

Thời cổ đại, khi những vương triều cường thịnh nhất thì từ hoàng đế, đại thần đến dân thường, ai ai cũng đều kính tín Phật, Đạo, Thần. Ngay cả những bậc tu hành, những người có đạo đức cao thượng, dẫu chưa hoàn toàn đắc Đạo, viên mãn, cũng rất được tôn kính.

Điều này có một nguyên nhân quan trọng là vì dù khác biệt về hình thức, điều các bậc tu hành giác ngộ xa xưa triển hiện cho nhân thế chính là câu trả lời cho những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng của nhân loại như: nguồn gốc con người, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Đồng thời, thông qua các hình thức tu luyện khác nhau như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v, họ đã trải ra trước mắt thế nhân con đường tu tâm dưỡng tính, phản bổn quy chân, vốn là điều mà sinh mệnh luôn tìm kiếm không ngừng trong luân hồi kiếp kiếp.

Từ đó có thể thấy rằng các bậc thánh nhân, thánh hiền, hay chư Phật, Bồ Tát, Đạo xuất sinh trong các thời đại lịch sử đều là đến để giáo hóa con người, cứu độ con người. Do đó việc cố tình phỉ báng tín ngưỡng, bôi nhọ bậc thánh hiền đại đức là cách làm tổn hại phúc báo của bản thân nghiêm trọng nhất.

Bất hiếu với cha mẹ

Cha mẹ sinh ra ta và nuôi dưỡng ta, ân đức sâu đậm. Người bất hiếu với cha mẹ, trời đất đều khó dung thứ. Ngay cả cha mẹ mình còn không hiếu lễ kính trọng, làm sao có thể đối tốt với người khác? Người như vậy cuối cùng sẽ bị chính sự ích kỷ của bản thân giày vò.

Cha mẹ yêu thương con cái vừa là thiên tính vừa là nghĩa vụ, con cái hiếu kính cha mẹ là trách nhiệm, cũng là đạo làm người phải có. Một người nếu không có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ thì sẽ không có khả năng yêu thương người khác thực sự, càng không thể có tâm để ý tới sự hưng suy của xã hội, quốc gia. Bởi vậy không hiếu thuận thì không thể làm người lương thiện.

Cổ ngữ nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm cái thiện thì hiếu kính cha mẹ là đứng đầu. Hành thiện tích đức, trước hết là hiếu kính cha mẹ. Cha mẹ được ví là phúc điền lớn nhất trên thế gian. Hiếu kính với cha mẹ là đạo lý hiển nhiên của người con. Đó không chỉ là bổn phận mà còn là cách bồi đắp phúc báo của chính bản thân mình.

Bất kính với thầy cô

“Người làm thầy là người truyền đạo, truyền nghề và hoá giải những điều còn mê hoặc”. Đạo làm thầy không đơn giản chỉ là làm một người thợ dạy học, mà còn phải truyền thụ cho học sinh đạo lý đối nhân xử thế và phẩm chất quý giá là chủ động học hỏi.

Đối với người xưa mà nói, con người có 3 sinh mệnh, một là sinh mệnh do cha mẹ sinh ra, hai là sinh mệnh do người thầy tạo ra, ba là sinh mệnh do tự mình lập nên. Cha mẹ sinh thân, thầy cô tạo linh hồn, sau đó tự mình lập mệnh. Cho nên người làm thầy chẳng khác nào cha mẹ tái sinh, một ngày làm thầy cả đời làm cha, hay còn gọi là Sư phụ (thầy cha).

Tất nhiên, ngày nay trong quá trình “công nghiệp hóa” giáo dục, hiếm có thầy cô nào làm được ý nghĩa của người thầy trong văn hóa truyền thống. Tuy nhiên là học trò, đối với thầy cô vẫn cần giữ lễ phép, cung kính, nếu không thì đó khẳng định là người vô ơn. Người như vậy sẽ tổn hại nghiêm trọng đến âm đức của bản thân mình.

Lấy oán trả ơn

Người mà khi gặp nguy nan khốn khó được người khác giúp đỡ, nhưng xong rồi liền “cao chạy xa bay”, không một chút lưu luyến, thì bị cổ nhân xếp vào loại vô ơn bạc nghĩa, không có lương tâm. Người lấy oán trả ơn thì chính là người không có nhân tính.

Cổ ngữ nói: “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo”, ý muốn khuyên răn người đời, nhận được ơn huệ của người khác dù chỉ nhỏ bé bằng giọt nước nhưng phải ghi nhớ mà báo đáp ơn ấy lớn bằng một dòng suối mạnh mẽ. Một người không biết cảm ơn thì sẽ chỉ một mực đòi nhận được mà không muốn hồi báo. Người chẳng những không biết ơn mà trái lại còn vong ơn phụ nghĩa, lấy oán trả ơn thì ắt sẽ khiến cả người và Thần cùng phẫn nộ, sao có thể có phúc báo sau này?

Khi một người cảm thấy biết ơn từng bông hoa, từng cọng cỏ, và từng ngụm nước, thì cuộc sống của người đó chắc chắn sẽ rất phong phú và sung túc. Trên thực tế, khi trong tâm một người mang theo thiện niệm, mang theo lòng biết ơn thì không chỉ tạo phúc cho chính mình mà còn làm lợi cho người khác.

Sát hại sinh mệnh

Các tín ngưỡng cổ đại đều nói về sự tồn tại của linh hồn, cho rằng thân thể vật chất chỉ là nơi trú ngụ tạm thời của linh hồn mà thôi, dẫu là con người hay con vật cũng thế. Bởi vậy trong lục đạo luân hồi thì người có thể đầu thai làm vật, vật cũng có thể đầu thai làm người.

Tuy nhiên đạo Trời lại cũng có an bài sự tuần hoàn cho sinh mệnh, nhiều quá thì là thái quá, bởi vậy việc sát sinh để có cái ăn cũng trở thành một phần của Thiên đạo, chính là “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”, nghĩa là Trời đất chẳng thiên vị sinh mệnh nào, coi vạn vật đều giống nhau, coi rơm rác hay sinh mệnh nào cũng là như thế. Trời đất bao dung cả thiện, kỳ thực cũng bao dung cả ác, miễn là thiện ác đó vận hành không sai lạc khỏi đạo Trời. Bởi vì sinh mệnh không biết về ác thì cũng sẽ không biết thế nào là thiện, nếu như vậy thì sự tồn tại của sinh mệnh sẽ là vô vị, không có ngọt bùi khổ đau, cũng không còn ý nghĩa.

Mặc dù là vậy, đạo Trời lại cũng kỵ sát sinh, bởi vì nếu vì dục vọng và lòng tham vô đáy mà sát sinh thì chính là đem điều xấu xa của mình mà gây ra đau khổ cho sinh mệnh khác. Trong tự nhiên thì động vật săn mồi cũng là từng bữa từng bữa, không hề lạm sát. Trên thế gian này, hầu như chỉ có con người làm ra việc lạm sát mà thôi.

Đặc biệt, nhà Phật cấm sát hại người khác, cũng cấm tự tử, cho rằng đó là tội lỗi nghiêm trọng bậc nhất. Thân người là vô cùng trân quý, bởi vì Phật gia cho rằng trong ức vạn sinh linh, chỉ có con người mới là “anh linh của vạn vật”, mới được phép tu luyện thoát khỏi bể khổ, nên chỉ có đắc thân người mới có cơ hội giải thoát. Cho nên, suốt cuộc đời này, mỗi người đều phải trân quý bản thân và người khác, tìm con đường trở về đúng đắn cho sinh mệnh của chính mình.

Ức hiếp kẻ yếu thế

Những người yếu nhược trong xã hội cần được mọi người xung quanh quan tâm và giúp đỡ. Người mà đã không giúp đỡ người yếu trái lại còn ỷ thế ức hiếp họ, gây khó khăn cho họ, làm nhục họ thì đó là một trong những hành vi thiếu đạo đức nhất. Đó cũng là kiểu người có nhân phẩm ti tiện nhất, phúc báo sẽ rời xa họ.

Cổ nhân có câu: “Đạo tặc cũng phải có đạo”, nghĩa là làm kẻ cướp cũng có những nguyên tắc riêng. Một trong những nguyên tắc đó chính là không thừa cơ ức hiếp người yếu, người lương thiện. Người thích ức hiếp kẻ yếu ở một phương diện nào đó còn không bằng kẻ cướp.

Người ở lúc tình thế có lợi cho mình mà thừa cơ ức hiếp người khác, thậm chí ở lúc người khác rơi vào tình thế nguy hiểm mà thừa cơ hãm hại họ, không chừa một đường, thì không biết rằng điều đầu tiên bản thân đánh mất chính là lương tri và thiện tâm. Con người không có điều này thì thậm chí không thể gọi là người, bản thân sẽ trở nên trống rỗng hư không, đó là báo ứng lớn nhất.

Làm việc hại người

Làm hại người để mình được lợi thì nhất thời có thể chiếm được chút lợi nhưng cuối cùng cũng sẽ nhận được kết quả không hay. Người vì lợi mà làm hại người khác, cái thiệt đầu tiên là đánh mất lương tri, cái thiệt thứ hai là đánh mất sự thành tâm trong mắt người khác. Hơn nữa luật nhân quả không chừa một ai. Cho nên giữa người với người, trong đối nhân xử thế hay trong kinh doanh, việc hại người khác là điều rất không nên làm.

Trước khi làm việc gì, người có giáo dưỡng luôn suy xét kỹ rằng việc đó có nên làm không, có chính đáng không, có lợi cho người khác không, có làm hại ai không. Sau khi suy xét kỹ lưỡng mới hành động. Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, ý rằng điều mình không muốn, chớ làm cho người khác. Câu nói này rất đáng suy ngẫm.

Còn nữa, con người thông thường dễ vì chút lợi của bản thân mà nói dối, lừa gạt người khác. Họ tưởng rằng đó là cách khôn khéo, nhưng kỳ thực cuối cùng họ lại bị chính cái khôn khéo ấy hại, chúng bạn xa lánh, không được mọi người tin cậy, ai cũng không nguyện ý hợp tác, kết giao.

Chiếm đoạt của người khác

Con người sống trên đời đều có lòng nghĩ tới lợi ích, người hiện đại lại thường khó kiểm soát dục vọng của bản thân. Đặc biệt là khi nhìn thấy những “món hời” ngay trước mắt thì tâm tình của con người rất khó thoát khỏi một hồi “tranh biện” thiện – ác. Kỳ thực, hầu hết mọi thứ ta nhận được trong cuộc đời đều có giá của nó. Nếu hôm nay tranh giành để đạt được một lợi ích gì đó, tương lai sẽ phải trả một cái giá tương tự, thậm chí là đắt hơn.

Người ham chiếm lợi của người khác thường thường cuối cùng sẽ bị thiệt thòi lớn. Bởi vì trên đời không có mất thì không có được. Đời người phải hiểu được rằng muốn có hồi báo thì phải có trả giá. Những người già thường hay khuyên nhủ con cháu “chịu thiệt là phúc”, bởi vì họ biết rõ hết thảy phúc đức ở thế gian đều là từ đức mà ra, mà “chịu thiệt” lại có thể tích âm đức.

Người luôn chiếm lợi của người khác thì người khác không muốn giao tài vật cho họ, không muốn kết giao với họ. Người luôn chiếm lợi về mình sẽ khiến người khác đề phòng, từ đó mất đi nhiều cơ hội và nhân duyên. Cuối cùng cái được chẳng bù nổi cho cái mất.

Tham dâm háo sắc

Các bậc thánh hiền thời cổ đại giảng rằng: “Thứ khiến cho người ta ngu tối và khuất lấp là ái dục”. Người cầu danh sẽ bởi vì háo sắc dục mà danh bại. Người cầu lợi sẽ bởi vì háo sắc dục mà lợi mất. Người cầu học sẽ bởi vì háo sắc dục mà bỏ dở giữa chừng. Một người bình thường bởi vì háo sắc dục mà gia sản tiêu tán. Người làm quan bởi vì háo sắc dục mà chức quan mất. Dâm dục là căn nguyên của vô số tội ác, ô nhục, tai họa, bệnh tật, thống khổ, phiền não, thất bại và suy nhược…

Xã hội hiện đại với quan niệm phóng khoáng về sắc dục khiến cho nội tâm người ta trở thành nô lệ của thể xác bên ngoài, lý trí bị sắc dục thao khống. Càng phóng túng, tâm người càng bị nhiễu loạn mạnh mẽ. Khi một người miệt mài theo đuổi sự hưởng thụ về sắc dục thì sẽ không còn nghĩ đến sỉ, hổ thẹn. Thậm chí có một số người còn cho rằng đó là bản sự.

Trong các căn bệnh hiện đại thì rất nhiều bệnh nguy hiểm nan y là lây nhiễm do không tiết chế sắc dục, như HIV, giang mai, v.v.. Thậm chí không chỉ ảnh hưởng bản thân, mà còn ảnh hưởng con cháu thế hệ sau. Đây chính là Trời cảnh tỉnh con người. Con người nếu vi phạm Thiên đạo, vi phạm các quy luật khách quan thì tất sẽ có kết quả không tốt đẹp. Con người nên là thuận với Thiên đạo mà làm, tiết chế ham muốn thì tinh lực của bản thân tự nhiên sẽ dồi dào, sức đề kháng sẽ tăng lên, bách bệnh không xâm, do đó có thể sống lâu sống khỏe.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: