Cổ nhân có câu: “Làm quá nhiều việc bất nghĩa thì tự sẽ bị thương vong”. Từ xưa đến nay, những người làm việc ác thì cuối cùng cũng đều bị ‘ác báo’. Trong lịch sử có không ít gian thần sống mưu mô hèn hạ cuối cùng đã phải nhận một kết cục bi thảm giống nhau.

Dưới đây là những đại gian thần vô liêm sỉ nhất trong lịch sử và kết cục bi thảm mà họ và toàn bộ gia tộc phải gánh chịu.

quả báo
(Hình minh họa: Qua read01)

1. Triệu Cao triều nhà Tần

Triệu Cao (? – 207 TCN), là người nước Triệu, là tể tướng, thái giám đầu tiên của Trung Quốc. Ban đầu, bởi vì Triệu Cao khỏe mạnh có lực lại thông hiểu về hình ngục nên nhận được sự khen ngợi của Tần Thủy Hoàng. Vì vậy, Tần Thủy Hoàng đã phá cách phong ông làm Trung xa phủ lệnh, đồng thời sai Triệu Cao dạy dỗ người con trai út của mình là Hồ Hợi.

Tháng 7 năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng bị chết trên đường đi tuần du. Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, Triệu Cao đã giả mạo chỉ dụ của Vua, sửa lập Hồ Hợi kế vị, giết chết con trai cả là Doanh Phù Tô, 12 công tử, 10 công chúa và đại tướng quân Mông Điềm, Hữu thừa tướng Phùng Khứ Tật.

Khi Hồ Hợi làm vua, Triệu Cao lại hãm hại giết chết thừa tướng Lý Tư rồi lên làm Thừa tướng. Triệu Cao vượt quyền trong việc triều chính, sát hại hoàng tộc, đại thần, trắng trợn bịa đặt tội danh cho người đối lập với mình rồi hãm hại. Hơn nữa, Triệu Cao còn trước mặt Nhị Thế Hồ Hợi mà “chỉ hươu bảo ngựa”.

Đến thời Tần Mạt, Triệu Cao lại giết Nhị Thế Hồ Hợi. Sau khi Hồ Hợi bị giết, Triệu Cao muốn xưng vương ở Quan Trung, bèn bí mật liên lạc với Lưu Bang để xin cùng diệt nhà Tần và chia đôi Quan Trung. Để thực hiện mưu đồ này, ông ta lập Tần Tử Anh (em trai Tần Thủy Hoàng) lên ngôi vua để định sau sẽ giết chết. Nhưng sau 5 ngày lên làm vua, Tần Tử Anh đã cho người giết chết Triệu Cao và tru di tam tộc.

2. Đổng Trác triều nhà Hán

Đổng Trác
(Hình minh họa: Qua riseof3kingdoms.com)

Đổng Trác (132 – 192), tên chữ là Trọng Dĩnh, là người huyện Lâm Thao, Lũng Tây. Đổng Trác là người có mưu mô, tính tình thô lỗ, có thể lực hơn người. Thuở nhỏ, Đổng Trác thích làm hiệp khách, thường du ngoạn ở Khương Trung và kết giao với hết thảy những kẻ hào kiệt ở đó. Lúc đầu, ông làm chức phó coi việc quân, trông giữ binh khí và ngựa chiến. Về sau, ông được cử làm Vũ Lâm lang, Quân tư mã, Lang trung.

Năm 184, khởi nghĩa Khăn Vàng (Hoàng Cân) nổ ra, Đổng Trác được làm Đông Trung lang tướng tới Ký châu thay Lư Thực (bị vu cáo bãi chức) đánh quân Khăn Vàng. Nhưng ông đã bị thua trận và bị bãi chức.

Đầu năm 189, Hán Linh Đế bị bệnh nặng, không lâu sau thì chết, Hán Thiếu Đế lên ngôi. Đổng Trác sau đó thao túng triều đình và phế Hán Thiếu Đế, lập Hán Hiếu Đế, tự phong mình làm Tướng quốc, sát hại những người bất đồng, lộng hành triều chính, hung bạo dâm loạn khiến dân chúng căm phẫn.

Đổng Trác đốt cháy Lạc Dương, xây một ngôi lầu lớn ở phía tây thành Trường An làm công quán hưởng lạc vì sợ ở trong cung bị ám sát. Tháng 2 năm 191, Đổng Trác tự xưng mình làm Thái sư, quyền hành cao hơn cả Vua, thi hành hàng trăm chính sách bóc lột đến cùng cực, cướp đoạt của cải. Theo tính toán, số vàng lên đến 2-3 vạn cân, bạc trắng 8– 9 vạn cân, gấm lụa chồng chất như núi. Năm 192, Đổng Trác bị người của Tư Đồ Vương Doãn giết chết, đồng thời bị tru di 3 họ.

3. Lý Lâm Phủ triều nhà Đường

quả báo
(Hình minh họa: Kknews.cc)

Lý Lâm Phủ (683—752 ) tên mụ là “Ca Nô” là người Thiểm Tây là tể tướng triều đại nhà Đường. Lý Lâm Phủ là người giỏi về luồn cúi, mưu kế, gian trá và thâm hiểm.

Năm 734, Lý Lâm Phủ bắt đầu làm tể tướng. Trong suốt những năm giữ chức vụ của mình, Lý Lâm Phủ chuyên dùng lời bỡ đỡ lấy lòng Hoàng thượng, cấu kết hoạn quan, phi tần, mưu mô hãm hại người đối lập.

Trước mặt, ông ta tỏ ra chân thật lấy lòng người khác để họ trò chuyện nói ra những suy nghĩ của mình, sau lưng ông ta sẽ đem những chuyện đó của họ tấu lên Hoàng thượng. Những người này nếu không bị cách chức thì cũng không thể thăng tiến lên được.

Người đời gọi Lý Lâm Phủ là người “miệng mật lòng gươm”, kéo bè kết phái, bài trừ người đối lập, tham ô hối lộ, sống một cuộc sống xa hoa trụy lạc.

Tháng 11, năm 752, Lý Lâm Phủ bị bệnh mà chết. Lý Lâm Phủ vừa chết bị Dương Quốc Trung tố giác, ngay lúc chưa chôn cất liền bị lột bỏ tước vị và được mai táng như dân thường, toàn bộ con cháu trong gia tộc bị đày đi Lĩnh Nam sống cuộc đời khổ sai lưu đày.

4. Tần Cối triều nhà Tống

quả báo
(Vợ chồng gian thần Vương thị – Tần Cối. Hình: Qua kaiwind.com)

Tần Cối (1091 —1155), tên chữ là Hội Chi, người Giang Ninh. Ông là tể tướng dưới thời Nam Tống. Năm 25 tuổi ông đỗ tiến sĩ và bước chân vào chốn quan trường. Năm 1127, Tần Cối bị bắt đến nước Kim, ham sống sợ chết mà trở thành kẻ thù của nước Tống.

Sau khi được trở về triều Tống, ông ta tìm mọi cách để leo lên làm tể tướng nhằm thực hiện âm mưu của mình. Tháng tám năm Thiệu Hưng thứ hai, Tần Cối bị bãi chức tể tướng. Đến đầu năm thứ tám Thiệu Hưng, Tần Cối lại được làm tể tướng bởi vì ông ta có mối quan hệ tốt với nước Kim mà triều đình khi ấy muốn làm hòa với nước Kim.

Lúc này, Tần Cối câu kết với bên ngoài, dùng mọi thủ đoạn giết hại đại thần và những người đối lập với nước Kim. Ông ta còn bịa đặt tội danh để giết hại Nhạc Phi, tạo thành án oan thiên cổ.

Năm 1155, Tần Cối bị bệnh mà chết. Con trai của Tần Cối bấy giờ mưu cầu kế thừa tướng vị nhưng bị Tống Cao Tông cự tuyệt. Tần gia từ đó trở đi bị thất thế. Về sau, Tống Hiếu Tông đã sửa lại án oan cho Nhạc Phi và liệt Tần Cối là đối tượng “đầu sỏ” gây ra án oan, cũng tước bỏ Vương tước của ông ta.

Về sau, người dân tại Tây Hồ, Hàng Châu tu tạo Nhạc phần, Nhạc miếu để vĩnh viễn tưởng nhớ về danh tướng Nhạc Phi. Ở trước mộ của Nhạc Phi, người ta để mấy bức tượng sắt thô của Tần Cối và vợ ông ta đang quỳ gối, quây trong hàng rào sắt, vai ngực lột trần, tay trói sau lưng, để đó cho người thế gian thóa mạ và đánh đập.

Tương truyền trong dân gian rằng, dân rất hận Tần Cối nên đã dùng mỳ làm thành hình tượng ông ta rồi ném vào bên trong chảo dầu sôi để tạc gọi là “Du tạc Cối”, sau này biến thành bánh quẩy như ngày nay.

5. Ngụy Trung Hiền triều nhà Minh

quả báo
(Hình minh họa: Qua ilishi.com)

Ngụy Trung Hiền (1568—1627) nguyên tên là Ngụy Tiến Trung, là người Túc Ninh, tỉnh Hà Bắc. Ông là hoạn quan vào cuối triều nhà Minh.

Thời trẻ, ông là một kẻ vô lại, ham mê đánh bạc, ăn chơi trác táng. Vì thua tiền, bị đòi nợ, phải trốn chui trốn lủi không còn đường sống nên phải tự thiến để vào cung, làm một tiểu hoạn quan. Năm 1589, ông ta vào cung cấu kết với Khách Thị là nhũ mẫu của Hoàng đế Hy Tông và bắt đầu “một bước lên mây”, mở màn cho “hoạn quan chuyên quyền”.

Khi Hy Tông lên ngôi, Ngụy Trung Hiền được tín nhiệm. Ông ta câu kết Khách Thị, bài trừ những người đối lập, kéo bè kết phái. Năm Thiên Khải thứ 3 (1623) Ngụy Trung Hiền kiêm luôn việc trông coi Đông xưởng là cơ quan đặc vụ của triều đình, thế lực ngày càng mạnh. Nội các của triều đình đều là tay chân của Ngụy Trung Hiền, bọn họ tranh nhau gọi ông là cha, là ông nội, tự xưng mình là con nuôi, cháu nuôi. Nhân vật quan trọng của đảng hoạn quan Ngụy Trung Hiền là “Ngũ hổ”, “Thập cẩu”, “Thập hài nhi”, “Tứ thập tôn”.

Một nhóm lớn những người bất mãn với Ngụy Trung Hiền đã bị chết thảm trong nhà ngục. Những người “vô liêm sỉ” đã a dua theo đuôi Ngụy Trung Hiền, còn có đám quan đề xướng xây nhà thờ để thờ sống Ngụy Trung Hiền ở khắp nơi, tiêu tốn vô vàn của cải của dân.

Ngụy Trung Hiền lộng quyền triều chính, giết hại người đối lập đến nỗi mà người ta “chỉ biết đến Ngụy Trung Hiền chứ không biết đến Hoàng thượng”. Năm 1627, sau khi Minh Tư Tông kế vị đã khép Ngụy Trung Hiền phạm 10 đại tội và xử theo pháp luật. Ngụy Trung Hiền treo cổ tự vẫn mà chết, đảng phái của ông ta cũng bị quét sạch, tiếng ác lưu truyền ngàn đời.

Cổ nhân tin rằng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Tục ngữ cổ cũng có câu: “Thiện ác không phải không có báo mà là chưa đến lúc”. Đây thực sự là những ví dụ điển hình trong lịch sử minh chứng cho điều này, làm gương cho hậu thế.

An Hòa (biên dịch)

Xem thêm: