Ai có sở trường của người ấy, ai cũng có sở đoản của người ấy, con người hay sự vật đều như vậy. 2000 năm trước, Trang Tử đã dùng câu chuyện cây gỗ lớn để nói cho chúng ta biết về đạo lý sâu sắc giữa hữu dụng và vô dụng: Cây không thể lấy gỗ tự sẽ có đạo lý sinh tồn, người ta dù là ai thì ắt cũng có chỗ dùng được, ắt cũng có phúc phận của riêng mình.

Ai cũng có chỗ hữu dụng, kẻ tầm thường ắt có phúc phận riêng
(Ảnh minh họa: Gyn9037, Shutterstock)

Cây không thể lấy gỗ tự sẽ có đạo lý sinh tồn

Trong “Tiêu Dao Du – Trang Tử” đã chép lại câu chuyện về một cây đại thụ như sau:

Một lần nọ, Huệ Tử nói với Trang Tử rằng: “Có một cây đại thụ mà người ta đều gọi nó là cây Sư. Gốc nó lớn xù xì, cành cây cong queo, không đúng khuôn mẫu. Nó mọc bên đường, thợ mộc không thèm ngó. Cây này to lớn, nhưng lại chẳng thể lấy gỗ, mọi người chỉ khinh bỉ nó.”

Trang Tử nói:

“Ông có nhìn thấy con mèo và con chồn không? Chúng cuộn mình chờ đợi động vật nhỏ chạy ra ngoài chơi là nhảy ra vồ mồi. Không phân cao thấp, chúng thường vồ trúng, nhưng chính chúng lại chết trong lưới võng. Lại nhìn con bò thân hình đồ sộ như mây ngang trời. Mặc dù chẳng thể bắt chuột nhưng công dụng của nó thì quá lớn.

Hiện giờ tiên sinh có một cây đại thụ như vậy, không cần lo nó không có chỗ dùng, hãy trồng nó chỗ đồng không mông quạnh. Cây đại thụ vì chẳng thể lấy gỗ nên sẽ không bị chặt. Ông có thể tự do thoải mái quanh quẩn bên gốc cây, tiêu diêu tự tại nằm dưới gốc cây, như vậy còn đáng phiền lòng nữa sao?

Hơn nữa thi tiên Lý Bạch cũng từng nói: Trời sinh ta ắt có chỗ dùng. Khi ông than thở mình bình thường không có gì nổi trội, có lẽ chỉ là vì chưa tìm được lĩnh vực phù hợp với ông mà thôi.”

Ban Siêu, nhà quân sự và nhà ngoại giao, thời trẻ chỉ là một tiểu lại sao chép văn thư trong quan phủ. Ông tự than rằng dẫu chép cả một đời, cũng chỉ là một đời vô danh mà thôi. Ông bèn xếp lại bút nghiên đi tòng quân, trước theo danh tướng Đậu Cố xuất quân đánh hung Nô, sau lại phụng mệnh đi sứ Tây vực.

Suốt 31 năm, ông đã bình định được hơn 50 quốc gia tây vực. Ban Siêu vẫn là Ban Siêu ngày nào, nhưng sau khi đổi vị trí ông lại trở thành nhân vật anh hùng lưu danh thiên cổ, đó là phúc phận của ông.

Tầm thường cũng là phúc phận

Trong “Nhân gian thế – Trang Tử” cũng ghi lại câu chuyện ngụ ngôn về một cây đại thụ khác.

Trang Tử và đệ tử bước tới một chân núi, thì nhìn thấy một cây đại thụ, cành lá sum suê, vươn mình bên cạnh con sông lớn, trông rất bắt mắt. Tán lá của nó có thể che phủ vài ngàn con trâu, gốc của nó phải to tới mười trượng, ngọn vươn cao tới tận đỉnh núi, đủ để đóng hơn chục con tàu lớn. Rất nhiều người vây quanh chiêm ngưỡng, nhưng những người thợ mộc lại nhìn mà như không thấy, đi ngang qua nó.

Trang Tử chẳng thể kiềm lòng mà hỏi người đốn củi rằng: “Xin hỏi, cây đại thụ tốt như vậy mà sao mãi không có người đốn? Đến nỗi cứ đứng trơ một mình cả mấy nghìn năm?”

Người đốn củi nói: “Điều này có gì lạ đâu? Cây này là loại cây gỗ không được trọng dụng. Dùng đóng tàu thuyền thì chìm nghỉm, dùng làm quan tài thì nhanh mục nát, dùng làm dụng cụ thì dễ hỏng, dùng làm cửa thì nhựa cây không khô, dùng làm cột thì dễ bị mục ruỗng. Cây chẳng thể lấy gỗ vô dụng không có chỗ dùng, cho nên mới có thể sinh trưởng nhiều năm như vậy.”

Trang Tử lại nói: “Cây đại thụ vì bị coi là vô dụng nhờ đó mà thoát khỏi búa rùi chặt phá. Trâu có đốm trắng trên đầu và lợn có mũi hơi cao, thầy mo cho rằng không phải là vật cát tường, nên khi tế hà bá mới không quăng chúng xuống sông. Người tàn phế sẽ không bị đưa đến nơi chiến trường nguy hiểm, do vậy có thể bảo toàn tính mệnh…”

Có hai câu cổ ngữ rằng: “Tự cổ tài mệnh lưỡng tương phương” (Tự cổ xưa tài và mệnh ngăn trở nhau), “Dung nhân đa hậu phúc” (Người bình thường thì lắm phúc dày). Ý nói rằng, người tài hoa ngời ngời dễ phải đứng đầu sóng ngọn gió, bị người ta đố kỵ, cuối cùng mang vạ vào thân. Người trông có vẻ bình thường vô dụng, không tranh với đời, có thể kiên trì, ngược lại còn đắc được phúc phận lớn nhất.

Tưởng là vô dụng, cuối cùng lại vô cùng hữu dụng

Lại có một câu chuyện lưu truyền trong dân gian như sau: Chu Mãi Thần, một danh tướng thời Hán, trước khi nổi danh, gia cảnh vông cùng bần hàn. Ông cùng vợ dựng một căn nhà tranh dưới chân núi Cối Kê sinh sống ở đó, đốn củi mưu sinh. Chu Mãi Thần là người trung hậu thật thà, lại rất thích đọc sách. Trên đường gánh gồng bán củi, ông cũng không quên ngâm vịnh học thuộc. Nhìn thấy ông thuần phác vô dụng, lũ trẻ trong thôn đều dám cười đùa ông.

Một hôm, vợ Chu Mãi Thần thấy ông lại bị mang ra làm trò đùa, bèn nói với ông: “Ông chỉ là người bán củi, thì đọc mấy thứ sách giải trí ấy có tác dụng gì. Tôi chưa từng gặp một người đốn củi nào làm quan lớn cả. Bây giờ ngay cả tụi trẻ con cũng dám bắt nạt, trèo đầu cưỡi cổ. Ông thực là người vô dụng, chúng ta chia tay nhau thôi.”

Sau khi vợ ông bỏ đi, rất nhanh chóng bà đã cải giá lấy một người thợ mộc mà mình cho là giàu có, hữu dụng. 7 năm sau, vì kiên trì đọc sách, học thức uyên thâm, Chu Mãi Thần vang tiếng gần xa. Ông được tiến cử cho Hán Vũ Đế và làm tới chức Thái Thú của Cối Kê.

Người vợ từng kết tóc xe tơ của Chu Mãi Thần thì vì tầm nhìn nông cạn và bởi ham công danh lợi lộc, đã bị chồng đuổi đi lang thang nơi đầu đường xó chợ.

Những người chỉ sốt sắng muốn truy cầu danh lợi trước mắt, cuối cùng cả đời họ đều bị cán rìu “hữu dụng” không ngừng chặt phá, mệt mỏi rã rời, tinh thần suy sụp, sự nghiệp, gia đình đều bị tổn hại.

Còn những người kiên trì đọc sách vô dụng, làm những việc vô dụng, dành thời gian vô dụng lại biết giữ lại một cơ hội vượt qua bản thân mình, từ đó nuôi dưỡng phúc phận lớn hơn.

Hơn nữa người vô dụng thường ít truy cầu, ít dục vọng, biết đủ nên thường vui. Những việc vô dụng mà kiên trì ngày qua ngày thì cuối cùng công phu cũng chẳng phụ người có tâm.

Kỳ thực phàm mọi sự đều như vậy, nhỏ có cái lợi của nhỏ, lớn có chỗ dụng của lớn. Sở dĩ vạn vật có mặt trên đời đều là vì thứ nào cũng có phúc phận của riêng mình. Hơn nữa đôi khi ngược lại những thứ tưởng như vô dụng cuối cùng lại vô cùng hữu dụng.

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: