Động lòng trắc ẩn tưởng như là một phản xạ vô điều kiện trước những cảnh đời éo le bất hạnh, vậy mà có những lúc nó cũng bị đặt giữa ranh giới nên hay không nên. Con người ta đã buộc phải đắn đo trước khi quyết định gửi lòng thương của mình cho người khác…

“Con xin các ông các bà rủ lòng thương! Con trai con mắc bệnh hiểm nghèo đang nằm viện. Chúng con ở quê lên đã hết sạch tiền. Mấy hôm nay con không có tiền mua cơm cho con trai con. Xin các ông các bà rủ lòng thương…”

Dắt chiếc xe đạp dọc theo phố chợ, một người đàn ông chừng ngoài bốn mươi tuổi, dáng hơi thấp nhưng chắc nịch, nước da ngăm đen, vừa đi vừa cố gắng nói thật to, giọng nói đã bắt đầu khan lại.

Phố chợ, tám giờ tối, vẫn đông người qua lại…

Tiếng của người đàn ông vang lên rõ ràng, rành mạch, nhưng dường như không có ai nghe thấy những lời cầu xin ấy! Đã quá quen rồi những cảnh xin tiền theo đủ cách, của đủ các kiểu người giữa cái thành phố ồn ào và tấp nập này. Những cảnh xin tiền không biết đâu là thật, đâu là giả.

“Em ơi, chị ở bên trung tâm nhân đạo, em mua tăm cho chị để ủng hộ trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi…”

“Bạn ơi, mình đi thi bị mất cắp trên xe buýt, bây giờ không có tiền đóng lệ phí thi, bạn làm ơn cho mình mấy chục nghìn…”

“Cháu xin các cô các chú!” – “Bố mẹ cháu đâu?” – “Bố mẹ cháu chết hết rồi ạ!”…

Lần đầu tiên nghe những lời cầu xin ấy, dù ít, dù nhiều, chắc hẳn ai cũng sẽ động lòng trắc ẩn, không ngần ngại giúp đỡ những kẻ không may mắn. Tất nhiên, thương người như thể thương thân.

Nhưng có lẽ cũng chỉ một lần ấy thôi! Bởi sẽ có rất nhiều người nhắc bạn:

“Em bị lừa rồi!”

“Mày bị lừa rồi!”

“Anh bị lừa rồi!”…

Từng có một nhà văn giàu lòng trắc ẩn, bị một đứa trẻ lừa xin tiền hết lần này đến lần khác. Một người bạn đã hỏi tại sao biết là bị lừa mà ông vẫn còn cho tiền nó, mà không phải chỉ cho một vài lần. Nhà văn tâm sự, biết là bị lừa nhưng mỗi khi nghe thấy những lời cầu xin của thằng bé, trong lòng ông cảm thấy rất đau đớn, đau đớn đến mức không thể chịu nổi. Chỉ còn cách cho tiền thằng bé thì ông mới cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm.

Tấm lòng trắc ẩn của nhà văn ấy, dường như không có gì đè nén, ngăn cản được. Còn chúng ta thì sao? Có ai muốn nghe lại lần thứ hai những lời nhắc nhở:

“Em bị lừa rồi!”

“Mày bị lừa rồi!”

“Anh bị lừa rồi!”…

… để phải vỡ lẽ: “Thì ra mình lại bị lừa!”?

Động lòng trắc ẩn tưởng như là một phản xạ vô điều kiện trước những cảnh đời éo le bất hạnh, vậy mà có những lúc nó cũng bị đặt giữa ranh giới nên – không nên. Con người ta đã buộc phải đắn đo trước khi quyết định gửi lòng thương của mình cho người khác. Và không phải lúc nào người ta cũng dám đặt cược tấm lòng của mình.

“Thương người như thể thương thân” đó là câu nói của cổ nhân về lòng trắc ẩn của con người. Đó vốn là điều rất thiêng liêng, nhưng lại bị lợi dụng để người ta kiếm tiền tại những thành phố lớn, ở các điểm xe bus hoặc những nơi công cộng có đông người qua lại.

Khi lòng tin của con người dành cho nhau mất đi, thì cuộc sống này sẽ trở nên thật đáng buồn, ta sẽ không còn cảm thấy được sự ấm ám của tình người nữa, mà chỉ tồn tại sự nghi ngờ, xa lánh. Những người thực sự cần giúp sẽ không được giúp, những người cần được cứu sẽ không được cứu, bởi lòng tin đã mất.

Bạn có bao giờ tự hỏi: “Chúng ta đang sống trong một thế giới xa lạ?”

Sao Băng

Xem thêm:

Mời xem video: