“Đây thôn Vỹ Dạ” là bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử, trích đoạn mở đầu:

“Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền…”

Chữ “anh” trong đoạn thơ trên ám chỉ ai?

“Anh” là Hàn Mặc Tử tự xưng, hay Hàn Mặc Tử mượn lời người tình (thơ) để nói về mình. Dù tự xưng hay tự mượn thì chữ “anh” ở đây đều chỉ nhân vật nam là Hàn Mặc Tử.

Như vậy, “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” tôi đoán là ám chỉ khuôn mặt của Hàn Mặc Tử. Thật ra, khuôn mặt Hàn Mặc Tử theo như hình chụp không phải mặt chữ điền.

Tuy nhiên hầu hết các tác giả bình thơ lại cho rằng “mặt chữ điền” để chỉ khuôn mặt cô gái Huế.

Mặt chữ Điền là mặt vuông. Tướng số cho rằng, đàn ông mặt chữ Điền là quý tướng, khuôn mặt của người cương nghị và quyết đoán. Còn đàn bà mặt chữ Điền thì ương bướng và ngang phè. Nói con gái Huế ngang phè thì coi như hết… thở. Chẳng lẽ Hàn Mặc Tử điếc không sợ súng?

Tôi lý sự chơi cho vui về “mặt chữ điền” trong bài thơ Về chơi thôn Vỹ, chỉ nêu thắc mắc chứ không dám khẳng định. Có điều cách nay hai năm đi ngang Vỹ Dạ, chợt nhớ bài thơ của Hàn Mặc Tử định ghé vào chơi, nhưng lại ngần ngại, rảo bước đi tiếp. Không rõ tôi ngần ngại vì cảnh Vỹ Dạ đổi thay không còn êm đềm như trong thơ, hay ngần ngại vì “mặt chữ điền” của cô gái Huế.

Thơ phú đúng là đầy ẩn ý cao siêu, phức tạp, mà chủ từ, túc từ lại nhảy lung tung… Tôi dốt thơ cũng không có gì đáng trách phải không?

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Bài đã đăng trên Sài Gòn thập cẩm

Xem thêm:

Mời xem video: