Vào thời cổ đại, khi đạo đức của con người còn cao thì việc ăn mặc, thưởng thức nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc của một người đều có những yêu cầu nghiêm khắc. Người ta không thể tùy tiện nghe một khúc nhạc, hay thưởng thức một loại hình nghệ thuật nào đó, bởi vì hết thảy những điều này đều sẽ thể hiện ra mức độ đạo đức của một người. 

Âm nhạc và đạo đức là có mối quan hệ nhân quả
(Tranh: Tống Huy Tông, Wikipedia, Public Domain)

Âm nhạc cổ đại là một phần của văn hóa Thần truyền. Âm nhạc tốt có thể khiến tâm tình của con người trở nên vui sướng, thoải mái, sinh lực tăng lên gấp bội, đồng thời khiến trí óc người nghe thêm thanh tỉnh hơn, minh mẫn hơn. Loại âm nhạc này được xưng là đức âm. Còn âm nhạc không tốt sẽ khiến người nghe thấy uể oải không phấn chấn, đắm chìm trong dâm dục và suy sụp, kích động dục vọng của con người. Nó được gọi là tà âm.

Âm nhạc thời cổ đại đa phần đều là ngay chính, tích cực, giúp nâng cao đạo đức con người, ngợi ca những điều tốt đẹp, kính thiên kính địa. Tuy nhiên, cũng có những ca khúc không tốt. Trong sử sách có ghi chép lại một điển cố về những nhạc khúc của Sư Quyên như vậy.

Sư Quyên là nhạc sư nổi tiếng, sống vào thời Vệ Linh Công. Ông tinh thông nhạc khúc của các triều đại trước và có thể sáng tác các khúc nhạc mới hết sức mê đắm. Sư Quyên từng sáng tác ra các nhạc khúc biểu thị bốn mùa. Trong đó mùa Xuân gồm có “Li hồng”, “Khứ nhạn”, “Ứng bình”, mùa Hạ có “Minh thần”, “Tiêu tuyền”, “Chu hoa”, “Lưu kim”, mùa Thu có “Thương biểu”, “Bạch vân”, “Lạc diệp”, “Xuy bồng”, mùa Đông có “Ngưng hà”, “Lưu âm”, “Trầm vân”. Mỗi khi sáng tác ra một nhạc khúc mới, Sư Quyên lại tự mình diễn tấu cho Vệ Linh Công nghe. Vệ Linh Công sau khi nghe các khúc nhạc này thì tâm thần mê loạn, chìm đắm vào các khúc nhạc trong suốt một thời gian dài, thậm chí còn quên lo việc chính sự của đất nước.

Đại thần Cừ Bá Ngọc thấy vậy đã khuyên can Vệ Linh Công rằng: “Mặc dù tân khúc Sư Quyên sáng tác có sự độc đáo mới mẻ, nhưng các tân khúc này đều là tà âm làm cho người ta nghe xong thì tâm thần mê loạn, không thích hợp để hạ thần diễn tấu dâng lên cho quốc quân nghe”.

Cừ Bá Ngọc còn giải thích thêm rằng, các nhạc khúc này âm điệu tràn ngập dâm loạn, phóng túng, không có giáo hóa, phá hủy cái “nh㔓tụng” của cổ nhạc, không giúp nâng cao tu dưỡng bản thân, làm cho trật tự xã hội không còn. Cừ Bá Ngọc cũng khuyên Vệ Linh Công nên lập tức hủy bỏ. Vệ Linh Công nghe lời khuyên của Cừ Bá Ngọc nên không nghe tân nhạc bốn mùa nữa.

Theo cuốn “Vương Tử niên thập di kí” viết rằng: Sư Quyên cảm thấy rất xấu hổ và hối hận vì đã sáng tác ra tân khúc bốn mùa có âm hưởng phóng túng đi ngược lại với âm hưởng phong nhã, trong lành của cổ nhạc. Ông cho rằng điều này đã làm mất đi phẩm hạnh của một lương thần. Vì thế Sư Quyên đã từ chức và về quê ở ẩn. Cừ Bá Ngọc đã cho đốt tất cả các nhạc cụ và các nhạc khúc mới của Sư Quyên để tránh mọi người sau này sẽ tạo ra và truyền bá những bản nhạc giống như vậy. Các nhạc khúc do Sư Quyên sáng tác cũng thuận theo thời gian mà biến mất. Đến ngày nay chỉ còn một số tiêu đề và nội dung chung được ghi chép lại.

Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật, có tác dụng hết sức quan trọng đối với hành vi và đạo đức của con người. Sư Quyên vì sáng tác ra tân nhạc làm bại hoại phong tục mà tự trách mình, từ chức về quê ở ẩn. Cừ Bá Ngọc vì hậu nhân mà đốt các bản ghi chép các nhạc khúc tà âm này. Những hành vi này giúp ngăn chặn sự truyền bá tà âm và góp phần ngăn cản đạo đức xuống dốc nhanh chóng.

Xã hội hiện đại ngày nay, con người thích chìm đắm trong các nhạc khúc phóng túng, kích thích tình dục. Thậm chí khiến những nhạc khúc ấy trở thành chủ lưu, nhã nhạc thì bị gạt bỏ, thật ứng với câu “lễ băng nhạc hoại”. Chính những điều này đã góp phần làm tăng thêm sự xuống dốc của xã hội. Đạo đức quyết định nghệ thuật, nghệ thuật phụ trợ cho đạo đức. Nghệ thuật và đạo đức chính là có mối quan hệ nhân quả như thế.

Theo Zhengjian.org
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: