Người xưa kết hôn chủ yếu thông qua mai mối, thậm chí trước hôn nhân còn chưa từng gặp mặt nhau lần nào nhưng hai vợ chồng vẫn có thể sống hòa hợp cùng nhau đến đầu bạc răng long. Từ các điển cố lịch sử, từ văn hóa truyền thống, chúng ta có thể thấy, sở dĩ vợ chồng thời xưa có thể chung sống trọn đời được như vậy là nhờ đối đãi với nhau bằng bốn chữ “ân, nghĩa, kính, nhẫn”.

Ân - Nghĩa - Kính - Nhẫn: 4 chữ để vợ chồng bách niên giai lão
(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Ân

Thời nhà Hán có một câu thơ nổi tiếng: “Kết phát vi phu thê, ân ái lưỡng bất nghi”, kết tóc làm vợ chồng, ân ái không chút nghi ngờ. Từ chữ “ân ái” đã có thể thấy, “ân” đứng trước, “ái” đứng sau. Trong mối quan hệ phu thê, ân chính là tiền đề. “Ái tình” vốn không bền chắc, ngày hôm nay vừa gặp đã yêu nhưng nếu không có “ân” thì sẽ rất khó để vợ chồng được bền lâu.

Người xưa tin rằng duyên vợ chồng là nhờ có sự ban ơn của Trời cao, của cha mẹ. Vì vậy, khi đến với nhau, có tình cảm thì phải có “ân”, biết ơn Trời Đất, cha mẹ, người mai mối.

Trong “Yến Tử Xuân Thu” chép một chuyện như vậy. Một lần, Tề Cảnh Công đến nhà Yến Tử làm khách. Lúc hai người đang uống rượu, Cảnh Công nhìn thấy vợ của Yến Tử đi qua, liền hỏi: “Đó là thê tử của khanh à?”.

Yến Tử trả lời: “Đúng vậy”.

Cảnh Công cười và nói: “Cô ta vừa già lại vừa xấu. Ta có một đứa con gái, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp. Ta nghĩ chi bằng gả cho khanh.”

Yến Tử nghe xong, lập tức đứng dậy, cung kính trả lời: “Hiện giờ, vợ của thần vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp đã cùng thần chung sống lâu dài. Hơn nữa, làm vợ vốn dĩ là trao thân gửi phận cả đời, từ lúc trẻ trung xinh đẹp cho đến lúc già nua xấu xí. Vợ thần khi còn trẻ đã phó thác cuộc đời cho thần, thần đã tiếp nhận lòng tin cậy ấy. Quân vương tuy rằng hiện giờ muốn ban thưởng, nhưng làm sao thần có thể phụ bạc lòng tin của thê tử được?”

Câu chuyện của Yến Tử đã nói lên trách nhiệm của người làm chồng. Chịu trách nhiệm cũng là một cách đền ân đối với cha mẹ, đối với vợ chồng. Đặc biệt, người con gái khi đã hoàn toàn giao phó tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho một người đàn ông, thì người đàn ông phải chịu trách nhiệm và trở thành chỗ dựa cả đời cho người con gái ấy.

Nghĩa

Trong “Nữ luận ngữ. Thủ tiết” viết: “Phu thê kết phát, nghĩa trọng thiên kim”, vợ chồng kết tóc, nghĩa nặng ngàn vàng. Trong sách “Nữ giới” viết: “Đạo vợ chồng vốn dĩ dùng lễ nghĩa mà chung sống hòa thuận, dùng ân tình mà hòa hợp thân ái. Nếu như dùng đến roi gậy mà đối đãi nhau thì còn chi là lễ nghĩa nữa. Lời nhiếc móc đã thốt ra thì còn gì là ân ái nữa đâu. Nếu không còn lễ nghĩa và ân tình thì vợ chồng ắt sẽ phân ly”.

Từ “Nghĩa” có rất nhiều hàm ý. Nếu như ân tình giữa hai vợ chồng là do nhân tố tình cảm được hai người tích lũy mà thành, thì đối với hai người chưa từng gặp nhau chỉ có thể dựa vào đạo nghĩa hoặc tín nghĩa để tuân thủ, giữ gìn thệ ước.

Trong “Hậu sơn đàm tùng” có ghi lại câu chuyện như vậy. Vào thời nhà Tống, ở huyện Hoa Âm có một nho sinh họ Lữ thi đỗ tiến sĩ. Anh ta trước đó có hôn ước với một cô gái, nhưng không may cô gái này bị bệnh nặng và bị mù. Người nhà của cô gái cho rằng họ không xứng đáng với cuộc hôn nhân này, nên đã chủ động đến từ hôn.

Tuy nhiên, chàng trai lại cho rằng hai người đã có hôn ước rồi thì cho dù cô gái ấy có bị bệnh gì đi chăng nữa cũng không thể vi phạm hôn ước. Thế là anh ta vẫn cưới cô gái mù về làm vợ. Về sau hai vợ chồng họ sinh được năm người con trai, cả năm người con đều đỗ tiến sĩ. Trong đó có một người con làm đến chức Tể tướng.

Trong “Liệt nữ truyện” thời Tây Hán cũng có ghi lại câu chuyện về vợ Thái Nhân. Thái Nhân sau khi cưới vợ thì bị bệnh nặng. Vợ của Thái Nhân khi ấy trẻ tuổi, lại bị mất đi chỗ dựa nên cuộc sống vô cùng vất vả. Người mẹ cảm thấy thương xót cho con gái mình và muốn cô tái giá.

Vợ Thái Nhân không đồng ý, nói: “Con người một khi đã làm vợ chồng thì nên chung thân không thay đổi. Chồng con gặp bất hạnh sinh bệnh nặng, con sao có thể vì thế mà tái giá được?”

Người xưa vô cùng coi trọng nghĩa. Khi cần thiết họ thậm chí còn có thể hy sinh mạng sống của mình để giữ nghĩa. Chính vì nghĩ đến chữ “nghĩa”, có nghĩa khí trong tâm mà trong cuộc sống gia đình cho dù có sóng to gió lớn thế nào họ cũng vẫn cùng nhau vượt qua được.

Kính

Vợ chồng chung sống phải tôn kính lẫn nhau. Trong “Lễ Ký. Ai Công vấn” viết rằng Khổng Tử nói với Lỗ Ai Công đại ý như vậy: Thời xưa, vào các đời quân vương thánh minh trị vì, người ta tôn trọng và bảo vệ vợ con mình. Bởi vì vợ là người quan trọng nhất trong gia đình, con cái là người nối dõi, hai người này sao có thể không coi trọng được.

Ban Chiêu viết trong sách “Nữ giới” rằng: Tu thân quan trọng nhất là cung kính, tránh cứng rắn không gì bằng mềm mại. Cho nên mới nói, cung kính và mềm mại là lễ nghĩa lớn nhất của nữ nhân.

Tuy rằng, Khổng Tử nói từ góc độ nam nhân còn Ban Chiêu nói từ góc độ nữ nhân, nhưng hai nhân vật nổi tiếng này đều cho rằng vợ chồng phải tôn kính lẫn nhau. Đây cũng là lễ tiết đối nhân xử thế căn bản của con người.

Trong “Ngụy Thư” có chép một chuyện. Con trai thứ sáu của Tề Minh Đế Tiêu Loan là Tiêu Bảo Dần sau khi chạy nạn đến Bắc Ngụy thì cưới Nam Dương Trưởng công chúa của Bắc Ngụy làm vợ.

Trưởng công chúa không vì thân phận là chị gái của Hoàng thượng mà đối đãi không tốt với chồng. Trái lại, công chúa luôn luôn cung kính, không bao giờ sơ suất thất lễ. Lúc Tiêu Bảo Dần đi vào cửa, công chúa nhất định sẽ đứng dậy đón tiếp chồng. Tiêu Bảo Dần cũng rất ôn hòa nho nhã, dù ở đâu cũng đối xử với công chúa rất có lễ. Hai vợ chồng họ chung sống hòa thuận, tình cảm thắm thiết được người đời ca ngợi.

Ngày nay có không ít người cho rằng nếu vợ chồng “tương kính như tân” (kính trọng nhau như khách) thì thật sự là quá khách sáo, không thương yêu đối phương. Điều này trái với quan niệm của người xưa. Người xưa cho rằng đó chính là thể hiện lòng tôn trọng và trân quý đối phương. Chính vì trân trọng đối phương nên mỗi ngày đều dùng mặt tốt nhất của mình để đối diện với đối phương, dùng thái độ khoan dung để đối đãi họ, dùng ngữ khí hòa nhã để nói chuyện với họ. Vợ chồng có thể đối đãi với nhau như vậy sẽ khiến mâu thuẫn khó nảy sinh.

Nhẫn

Vợ chồng tuy rằng có ân, có nghĩa và tương kính lẫn nhau nhưng vẫn không thể tránh khỏi những lúc xảy ra xung đột. Để có thể vượt qua được những xung đột ấy, vợ chồng cần phải “nhẫn”.

Có câu: “Lùi một bước biển rộng trời cao”, khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, nếu đôi bên có thể bình tĩnh lại một chút, suy nghĩ cho đối phương, bao dung và nhẫn nhịn đối phương thì mâu thuẫn nhất định được hóa giải.

Trong “Nữ tử lễ” viết rằng con gái thường được yêu chiều từ nhỏ, nhưng cho dù nữ nhân khi ở nhà cha mẹ đẻ được sủng ái bao nhiêu, sau khi được gả vào nhà người khác thì thân phận và địa vị cũng sẽ khác, ở nhà chồng sẽ không giống như ở nhà cha mẹ đẻ được. Có người trong tâm có sự hụt hẫng, nội tâm mất cân bằng. Sau một thời gian lâu, người ta sẽ phẫn uất mà chết. Đây chính là do sự nuông chiều đã giết chết họ.

Ngày nay con cái trong các gia đình hiện đại thường được cưng chiều hơn xưa, do đó thường thì trưởng thành về thể chất nhưng chưa trưởng thành về tinh thần. Khi gặp mâu thuẫn, ai cũng cho rằng mình bị oan ức, không nhẫn nhịn nổi, sống cuộc sống vợ chồng lại càng khó khăn hơn.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: