Sự phát triển phồn thịnh cùng với việc di dân về phương Nam của các đời chúa Nguyễn đã giúp định hình nên nước Việt như ngày nay. Trong sự phát triển đó của Đàng Trong có sự đóng góp to lớn của 3 cảng biển là cảng Hội An, cảng Nước Mặn và cảng Thanh Hà.

buc tranh khac go hoi an
Tranh khắc gỗ “Hội An xưa” của Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh.

Cảng Hội An

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho mở hải cảng để thông thương với nước ngoài, trong đó cảng Hội An là lớn nhất. Chúa Nguyễn đã lập ở Hội An một hệ thống hành chính hoạt động rất hiệu quả. Chúa cũng viết thư mời các thương nhân nước ngoài đến buôn bán. Rất nhiều thương gia Nhật Bản và phương Tây đã đến giao thương, biến Hội An thành đô thị, hải cảng quốc tế tiêu biểu ở châu Á.

Thời gian này Hội An là đô thị rất trù phú, được nhiều nơi trên thế giới biết đến, có rất nhiều khu phố dành cho thương gia nước ngoài. Người Nhật, người Hoa được định cư lâu dài, được lập phố riêng, gọi là phố Khách, phố Nhật.

Theo các tài liệu lịch sử, số lượng thuyền vào thương cảng đông đến nỗi buồm của chúng được ví “như rừng tên xúm xít” (trích trong Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán), còn hàng hóa thì “không thứ gì không có” và số lượng thì “cả trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được” (trích từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn).

Một người Ý là Christoforo Borri cư trú ở Hội An vào năm 1618 đã mô tả về Hội An như sau:

“Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam”.

“Người Hoa và Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên, năm nào cũng mở và kéo dài trong bốn tháng. Người Nhật thường đem lại 4, 5 vạn nén bạc, người Trung Hoa thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ”.

“Do chợ này mà Quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc nhờ vậy cũng được nhiều lợi ích”.

Cảng Nước Mặn

Cảng Nước Mặn ở tỉnh Bình Định thuộc phủ Quy Nhơn, đây là một Phủ giàu có của Đàng Trong.

Thời Chiêm Thành còn cai trị, nơi đây được gọi là Vijaya, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của người Chăm Pa trước kia. Từ thế kỷ 11 người Chăm đã xây dựng tại đây một thương cảng, trở thành cửa ngõ giao lưu với thế giới gọi là “Thi lị bì nại”, người Việt hay gọi tắt là “Thi Nại”, rồi về sau đọc chệch đi thành “Thị Nại”.

Đây là đầm nước mặn khổng lồ có diện tích hoảng 5.000 ha, với chiều rộng 4 km và kéo dài hơn 10 km. Cảng trở thành điểm đến của các nước trong khu vực; Trung Quốc xem đây là điểm kết nối chiến lược với Đông Nam và Tây Nam á.

Năm 1470 xảy ra một sự kiện lịch sử, vua Chiêm là Trà Toàn đưa 10 vạn quân tiến đánh Đại Việt. Nhận được tin vua Lê Thánh Tông liền đưa quân tiến đánh, vượt biên giới tiến đến tận Vijaya.

Quân Đại Việ đánh bại quân Chiêm, bao vây chặt Kinh thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn. Vua Lê Thánh Tông cho sáp nhập vùng đất phía bắc của Chiêm Thành vào lãnh thổ Đại Việt, trong đó có cả Vijaya. (Xem trong bài: Lịch sử từ Panduranga đến Bình Thuận)

Thị Nại trở thành vùng đất thuộc Đại Việt, nhưng cảng Thị Nại dần dần bị bỏ hoang suốt 2 thế kỷ.

Đến thế kỷ 16, khi chúa Nguyễn Hoàng cho dân khai phá vùng đất phương Nam, nhiều nơi ở Vijaya được khai phá, người Việt lập ra làng mới. Chúa Nguyễn đặt tên nơi đây là Bình Định. Cảng Thị Nại cũng được phục hồi phát triển trở lại và được gọi là cảng Nước Mặn.

Chúa Nguyễn mở rộng giao thương với nước ngoài, thương nhân nước ngoài đến đây buôn bán nhiều nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Đến thế kỷ 17 thì cảng Nước Mặn đã phát triển sầm uất, nhộn nhịp.

Cảng Nước Mặn tập trung các sản vật trong nước để giao thương như trầm hương, tốc hương, sừng tê, vàng bạc, đồi mồi, châu báu, sáp ong, đường, mật, dầu, sơn, cau tươi, hồ tiêu, gỗ, lúa gạo. Cảng này cũng là cửa ngõ nhập về rất nhiều mặt hàng có giá trị trên thế giới.

Cảng Nước Mặn được xem là trạm thương mại quan trọng trên “Con đường gốm sứ” ở vùng biển Tây Nam Thái Bình Dương, nắm vị thế là một trong những trung tâm kết nối giao thương trên biển. Đồng thời đây cũng là điểm quan trọng giúp di dân xuống phía Nam trong cuộc Nam tiến của các đời chúa Nguyễn. Cảng Nước Mặn cũng giúp phủ Quy Nhơn thành nơi trao đổi các sản vật hàng hóa trong nước.

Ngoài các thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản, các tàu phương Tây cũng đến đây ngày càng nhiều.

Cảng Thanh Hà

Cảng Thanh Hà vốn là làng cổ Minh Hương thuộc xã Hương Vinh của thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Đông Bắc, trên bờ sông Hương. Làng Minh Hương được hình thành từ thế kỷ 16 khi người Việt đến đây khái phá, lập làng.

Đến thế lỷ 17, chúa Nguyễn cho những thương nhân người Hoa đến đây định cư, lập phố buôn bán, dần dần hình thành phố chợ và cảng bên bờ sông Hương, được gọi là cảng Thanh Hà.

Đến giữa thế kỷ 17 thì Thanh Hà trở thành một thương cảng sầm uất. Theo ghi chép của một người phương tây là Morineau: “Là nơi thuyền mảnh lớn của Trung Quốc, những con tàu của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay của Pháp đã bỏ neo”.

Cảng Thanh Hà cũng là nơi Đàng Trong đón nhận vũ khí phương Tây. Súng đạn của các thương khách Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật Bản, được chúa Nguyễn săn đón.

Sau này cảng Thanh Hà bị bồi lắng không còn thuận lợi thông thương nữa nên lụi tàn dần, hình thành nên phố cảng Bao Vinh, nằm ở ngã ba, nơi sông Hương gặp sông đào Đông Ba với sông đào Cửa Hậu.

Ba cảng Hội An, Nước Mặn và Thanh Hà đã giúp Đàng Trong giao thương với thế giới nên ngày càng phồn thịnh, giúp tiếp cận với vũ khí của Tây phương như đại bác. Nhờ việc chiếm và phát triển các cảng này mà Đàng Trong có tiềm lực phòng thủ vững chắc trước sự tấn công của chúa Trịnh, khiến Chiêm Thành quy phục, rồi đánh bại Xiêm La (Thái Lan ngày nay), bảo hộ được Cao Miên, giúp việc lấn chiếm và khai phá về phương Nam của người Việt được thuận lợi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: Đạo trị quốc của cổ nhân: Thuận theo tự nhiên