Trong thời kỳ thai nghén, rất nhiều bà mẹ muốn bé sớm chào đời, để thân tâm được thảnh thơi. Nhưng tới ngày con cất tiếng khóc chào đời họ mới hiểu rằng mang bầu vẫn chưa là gì cả, nuôi dạy con mới là điều vắt kiệt tâm sức nhất. Hơn nữa đặc tính giữa nam và nữ khác biệt, nên cách giáo dục cũng khác nhau.

dạy con sống thật, ứng xử, Dạy con tự lập, tổ chức cuộc sống, nền tảng gia đình, dạy con học đi đứng, Đầu tư cho con, đặt niềm tin vào con, trường mẫu giáo Nhật Bản, tự trọng
(Ảnh: Milatas, Shutterstock)

Ba điều kỵ khi nuôi dạy con trai

1. Kỵ một mực nhấn mạnh sự mạnh mẽ, dũng cảm

Ngay khi còn nhỏ một số bé trai đã được dạy rằng: “Con trai không được khóc, phải kiên cường lên.” Muốn bé trai dũng cảm, kiên cường một chút cũng không sai, nhưng nếu một mực áp chế thiên tính của trẻ, thì vậy là không công bằng, thậm chí là tàn nhẫn.

Dẫu sao bé trai vẫn còn là trẻ con, cũng có những nét tính cách mềm yếu, cũng cần được thể hiện cảm xúc ra bên ngoài, cũng cần được cha mẹ vỗ về, an ủi. Nếu cha mẹ không cho phép bé trai bày tỏ phần yếu nhược của mình, sẽ gây nên một sự tổn thương khá lớn về tâm lý của trẻ. Dẫu trên bề mặt trẻ tỏ ra rất kiên cường, nhưng nội tâm lại vô cùng yếu đuối.

2. Kỵ thiếu sự giáo dục của cha

Trong việc nuôi dạy con cái ngày nay, rất nhiều ông bố thường vắng bóng. Sự có mặt của người cha đã đủ là hình tượng mẫu mực về sự cường mạnh, nam tính, cũng như dũng khí khám phá, thử thách của nam giới. Nếu người cha vắng bóng trong việc giáo dục con trai, trẻ có thể trở nên mềm yếu, thậm chí còn không biết cách hành xử như một người đàn ông.

Người mẹ vĩnh viễn không thể thay thế được vai trò của người cha. Nếu một đứa trẻ từ nhỏ không nhận được sự quan tâm và bầu bạn đầy đủ từ cha mình, sẽ rất dễ mất đi cảm giác an toàn, dưỡng thành những thói quen không tốt, và nhiều vấn đề về tình cảm, xã giao và tâm lý. Chúng ta thường ỷ lại cho các bà mẹ chăm sóc con cái, nhưng đây không phải là trách nhiệm của riêng người mẹ. Một mối quan hệ gia đình lành mạnh là cách giáo dục con cái tốt nhất.

3. Kỵ dựa dẫm quá mức vào mẹ

Ngày nay rất nhiều bà mẹ chăm sóc con cái quá tỷ mỷ, có thể nói là mọi phương diện đều chu toàn. Nhưng sự chu đáo này sẽ khiến trẻ, nhất là con trai dựa dẫm quá mức vào người mẹ, mà không có chủ kiến của bản thân. Sau này lớn lên, chúng cũng chỉ biết làm theo kế hoạch cha mẹ sắp đặt, dẫu không đồng ý với quan điểm của mẹ, cũng không dám bày tỏ.

Nếu trong nhà có con trai, người làm mẹ cần chừa lại cho trẻ một không gian nhất định, đừng quản con quá chặt, cũng đừng khiến trẻ ỷ lại vào mình, cần học cách buông tay một cách phù hợp. Những đứa trẻ dựa dẫm vào mẹ thường thiếu tinh thần trách nhiệm, khi phải đối diện với sự việc sẽ co cụm lại, không dám đảm đương. Sau này lớn lên, chúng cũng chẳng thể có tương lai.

Năm điều kỵ khi giáo dục con gái

1. Kỵ nghèo tình cảm

Những cô gái được nuôi nấng trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm, sau này lớn lên trong sâu thẳm tâm hồn thường vô cùng thiếu cảm giác an toàn, dễ mủi lòng trước một chút lòng tốt của người khác. Hơn nữa những bé gái như vậy thường khá tự ti, cảm thấy mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn. Cần chú trọng nuôi dưỡng tình cảm, tinh thần cho con gái, bồi đắp khí chất, mở rộng tầm nhìn cho bé gái. Như vậy trẻ mới không dễ bị cám dỗ bởi thế sự phồn hoà và hư vinh.

2. Kỵ trọng nam khinh nữ

Trong những gia đình trọng nam khinh nữ, con gái thường không được yêu thương, từ nhỏ đã thiếu thốn cảm giác an toàn. Rất nhiều ông bố bà mẹ còn coi “con gái là con người ta”, cho rằng sau khi gả con đi là mất rồi, chỉ có con trai mới chăm bẵm lúc cha mẹ tuổi già. Điều này gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn tới bé gái. Bởi vì thiếu hụt tình yêu từ những người thân trong gia đình, sau này các em sẽ không có nhận thức tốt và cân bằng về tình cảm, cũng không có ý thức quan tâm tới cha mẹ. Kỳ thực về già rồi các ông bố bà mẹ mới thấy được rằng trong việc phụng dưỡng cha mẹ, một cô con gái cũng quan trọng như một cậu con trai.

3. Kỵ nổi giận và tuỳ tiện

Ngày nay rất nhiều cô gái ngang ngược, vô lễ, thường nổi giận vô cớ, tính khí thất thường. Điều này chủ yếu là vì cha mẹ thường ngày quá nuông chiều trẻ, thậm chí làm gương xấu cho trẻ. Không ai thích gần gũi với người nóng nảy, nếu trong công việc và cuộc sống sau này có thói quen ấy thì sẽ chỉ thiệt thân, bởi lẽ người ngoài sẽ không bao dung cô ấy như cha mẹ. Bé gái thi thoảng có thể làm nũng, giận dỗi, nhưng tính tình thất thường, không hiểu đạo lý thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Cha mẹ cần biết rằng yêu không phải là dung túng, mà là biết nuôi dạy con, biết thứ gì là tốt nhất cho con gái mình.

4. Kỵ không tự lập

Với bất kỳ ai, điều tối kỵ là ỷ lại vào người khác, chúng ta chỉ có thể trông cậy vào chính mình. Dẫu là người nhà, cũng chỉ có thể làm chỗ dựa nhất thời, chứ không thể dựa dẫm cả đời. Mỗi người đều phải học cách đối diện với cuộc sống của chính mình. Cha mẹ thường lo lắng con gái sau này chịu khổ, nhưng không nên giải quyết, sắp đặt, định đoạt mọi chuyện thay con. Nếu thiếu sự tôi rèn, chỉ có thể sống nhờ sự bao bọc của cha mẹ, trẻ sẽ mất đi khả năng tự lập, tự chủ.

Sống tự lập là điều vô cùng quan trọng với một cô gái bởi lẽ con người ai cũng sẽ phải lớn lên. Con gái sau này làm chủ việc đối nội trong gia đình, là “nội tướng”. Vậy nên cha mẹ nhất định phải bồi dưỡng ý thức tự lập cho bé gái, như vậy mới giúp trẻ sau này tránh khỏi phải đi những quãng đường vòng.

5. Kỵ “lẩn tránh chủ đề giới tính”

Cha mẹ thường kiêng kỵ không giáo dục trẻ về phương diện giới tính, không chủ động trò chuyện và cung cấp tri thức về phương diện này. Thậm chí khi trẻ dò hỏi, cha mẹ cũng thường trả lời qua loa cho xong chuyện.

Kỳ thực cần giáo dục giới tính cho trẻ. Nếu luôn lẩn tránh chủ đề này, sẽ khiến trẻ hiếu kỳ, thậm chí có những quan niệm lệch lạc về giới tính. Cho nên cha mẹ nhất định không được “lẩn tránh chủ đề giới tính”.

Giáo dục giới tính là một phần quan trọng trong sự trưởng thành của bé gái, nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và tâm lý của trẻ. Nếu nhận được sự giáo dục tốt, trẻ sẽ biết tôn trọng các bạn khác giới, và trân trọng bản thân mình.

Theo Aboluowang
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: