Trong sách “Mã Thuyết”, Hàn Dũ từng than thở: “Thiên lý mã dễ gặp, Bá Lạc thì khó tìm”. Vì Bá Lạc không chỉ cần có tài năng, có năng lực nhận biết người tài, mà quan trọng hơn cả là phải có tấm lòng đại lượng, quang minh thản đãng, không lo họ giỏi hơn mình. Đây phải là người giỏi phán đoán sở trường của người khác, thấy người tài hơn mình mà không sinh lòng đố kỵ, ghen ghét.

Bậc quân tử quang minh thản đãng khi tiến cử người tài
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Thời Bắc Tống, Âu Dương Tu là đệ nhất thiên hạ về  tài văn chương. Ông không chỉ là bậc thầy văn chương của thời đại mà ông còn là người có tấm lòng đại lượng.

Ông không đố kỵ với người hiền tài mà luôn biết tán thưởng ủng hộ những hậu sinh có thực tài thực học, tận lực tiến cử, giúp vô số thanh niên tài năng nhưng lặng lẽ vô danh trở nên xuất chúng. Chính bởi vậy mà Âu Dương Tu được hậu thế tôn là “Bá Lạc của văn đàn”.

Trong 8 đại văn hào thời Đường Tống thì đời Tống có 5 người bao gồm Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân, Tô Đông Pha và Tô Triệt, tất cả đều là môn hạ của ông. Hơn nữa, những người này đều xuất thân hàn vi, khốn khó, nhờ ông dìu dắt mà sau này vang danh thiên hạ.

Trong “Tống sử – Âu Dương Tu truyền” đã viết: Âu Dương Tu là người biết nhìn ra tài năng trong những người bình thường, dìu dắt và tiến cử khiến họ trở thành người có danh tiếng lừng lẫy, gọi ông là “Bá Lạc của văn đàn” cũng không phải khen quá lời.

Theo ghi chép của Diệp Mộng Đắc trong “Tị thử lục thoại” viết: Vào năm Gia Hựu đời Hoàng đế Tống Nhân Tông, Tô Tuân (cha của Tô Thức), 48 tuổi đã đến bái kiến Tri Châu Ích Châu là Trương Phương Bình với hy vọng được tiến cử. Nhưng Trương Phương Bình cảm thấy chức vị mình nhỏ, lại là người nhà với nhau nên lời nói sẽ không có sức nặng, bèn viết một lá thư tiến cử rồi nói cha con Tô Tuân đến kinh thành bái kiến học sĩ Âu Dương Tu.

Lúc ấy, Âu Dương Tu và Trương Phương Bình vì khác quan điểm nên không qua lại với nhau, nhưng sau khi Âu Dương Tu xem qua tài văn của Tô Tuân, ông đã không vì chuyện người tiến cử là kẻ đối đầu với mình mà thờ ơ. Trái lại, ông còn khen ngợi Tô Tuân rồi lập tức dâng thư tiến cử Tô Tuân, đồng thời cực lực tán dương Tô Tuân với Hoàng đế Tống Nhân Tông.

Không chỉ như vậy, trước mặt Hoàng đế và các sĩ phu, Âu Dương Tu cũng thường khen ngợi tài năng của Tô Tuân. Nhờ vậy, từ đó trở đi danh tiếng của Tô Tuân đã vang khắp kinh thành.

Chuyện Âu Dương Tu tiến cử Tô Thức (Tô Đông Pha) cũng trở thành một giai thoại trên văn đàn. Vào năm Gia Hựu thứ hai, Âu Dương Tu với địa vị Hàn lâm học sĩ làm chủ trì kỳ thi tiến sĩ. Ông cũng là người ra đề bài cho kỳ thi ấy.

Khi Âu Dương Tu chấm bài, có một bài thi đã khiến mắt ông sáng lên, cảm thấy bất luận về tài văn chương hay về quan điểm tư tưởng thì người này đều xếp vào hạng nhất. Nhưng kỳ thi này còn có một “đệ tử ruột” của Âu Dương Tu là Tăng Củng cũng tham gia. Âu Dương Tu tưởng bài văn ấy là của Tăng Củng, nên vì để tránh nghi ngờ thiên vị ông đã xếp nó vào hạng hai.

Đến kỳ thi vòng hai, Âu Dương Tu lại gặp một bài văn là “Xuân thu đối nghĩa”, quá tâm đắc với bài văn này nên ông không do dự xếp vào hạng nhất. Khi yết bảng, Âu Dương Tu mới biết hai bài văn để lại ấn tượng sâu sắc cho ông ở cả hai vòng thi đều là của Tô Thức. Về sau, ông viết thư cho Mai Nghiêu Thần – nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống bấy giờ để khen ngợi tài năng văn chương của Tô Thức.

Trong năm đó, triều đình tuyển chọn được tổng cộng 338 tiến sĩ, không chỉ có những tài năng xuất sắc về văn chương như Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng, mà còn có những bậc đại nho hàng đầu đương thời như Trương Tài, Trình Hạo, Lữ Đại Quân. Họ đều là những nhân tài sáng chói.

Có thể nói đây là một trong những kỳ thi chọn được nhiều nhân tài xuất chúng và có ảnh hưởng đến hậu thế nhất trong lịch sử Trung Hoa. Sở dĩ có thể lựa chọn được nhiều người tài và có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều đời sau như vậy là nhờ vào học thức, nhãn quang và tấm lòng rộng mở, quang minh chính đại, thản đãng, không ghen tức đố kỵ của Âu Dương Tu.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: