Trong sách Luận Ngữ có viết: “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác, tiểu nhân phản thị”, tức là người quân tử có đạo đức cao thượng luôn muốn đem lại cái tốt cho người, giúp người làm việc tốt, không thúc đẩy người làm việc xấu còn kẻ tiểu nhân thì trái ngược lại. 

Bậc quân tử thành tựu cái đẹp cho người khác
(Ảnh minh họa: Boule, Shutterstock)

Người quân tử ở bên trong thì chú trọng tu thân, ở bên ngoài thì phóng khoáng, rộng lượng, luôn cố gắng hết sức để tạo thuận lợi cho người khác, tận lực giúp đỡ người khác. Những tư tưởng như “điều mình không muốn thì chớ gây cho người khác” trong Nho gia, tư tưởng trừng ác dương thiện của Đạo gia, hay dạy người hướng thiện, từ bi phổ độ chúng sinh trong Phật gia đều tương tự với cảnh giới tư tưởng “thành nhân chi mỹ”, giúp người làm việc tốt, khiến người trở nên tốt này.

Người có thể “thành nhân chi mỹ” phải là người tôn trọng và yêu thương người khác, đối với khuyết điểm của người khác thì chỉ ra một cách có thiện ý, khi người khác gặp nguy nan thì tận sức cứu giúp, khi thành công thì không kể công kiêu ngạo mà nghĩ đến sự trợ giúp của người khác và thành tâm cảm ơn họ đã giúp mình.

Các bậc Thánh vương minh quân trị thế làm cho quốc thái dân an; các bậc lương tướng hiền thần tận trung báo quốc, tiến cử hiền tài, không mưu tư lợi; các chí sĩ đại đức tận lực truyền bá tư tưởng cứu tế thế nhân, cùng người khác quảng kết thiện duyên, giúp cho đạo đức của mọi người được nâng cao; có người thường khuyến thiện, khích lệ, khiến người ta lựa chọn theo thiện; tất cả đều thể hiện ra đức hạnh vì người, “thành nhân chi mỹ”.

Mạnh Tử từng nói, đức hạnh lớn lao nhất của người quân tử chính là đem điều tốt đến cho người. Ông từng khen ngợi Đế Thuấn rằng: “Vua Thuấn từ thủa làm nghề cày cấy, nghề gốm, nghề bắt cá, cho đến lúc làm vua, suốt đời đều là giúp người làm thiện, cho nên điều thiện của người quân tử không gì lớn hơn cái điều giúp người làm thiện”.

Các bậc minh quân muốn đem lại điều tốt đẹp cho dân chúng thì trước hết phải sáng suốt trong đạo trị quốc. Hoàng đế khai sáng “Trinh Quán chi trị”, Đường Thái Tông, tổng kết ra rằng nguyên nhân trị quốc thành công là ở chỗ: Thứ nhất là không đố kỵ với người tài, xem tài năng của người khác giống như tài năng của mình. Thứ hai là dùng sở trường, ngăn ngừa sở đoản của người khác. Thứ ba là kính trọng người có tài có đức, tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Thứ tư là khen thưởng người chính trực, không bãi miễn chức vụ của người dám chỉ trích. Đây đều là thể hiện ra ý chí bao dung và nhân ái của một vị minh quân.

Bậc hiền thần khiêm tốn vô tư khi tiến cử hiền tài mới có thể đem lại những điều tốt đẹp cho dân chúng, cho quốc gia. Khi Tề Hoàn Công định mời Bào Thúc Nha làm tướng quốc nước Tề, Bào Thúc Nha đã từ chối mà tiến cử Quản Trọng. Ông nói: “Quản Trọng là nhân tài, là bậc lương đống của quốc gia, tôi có nhiều phương diện không bằng ông ấy: Dùng tấm lòng khoan hậu nhân từ để trấn an dân chúng, tôi không bằng ông ấy. Trị vì quốc gia nhưng không quên gốc rễ, tôi không bằng ông ấy. Làm người trung thực thành tín, đạt được sự tín nhiệm của dân chúng, tôi không bằng ông ấy. Chế định ra lễ nghi đủ để khiến dân chúng noi theo, tôi không bằng ông ấy”.

Tề Hoàn Công cuối cùng đã phong Quản Trọng làm tướng quốc. Nước Tề nhờ có hiền thần như Quản Trọng, lại có lương thần Bào Thúc Nha dám bỏ qua tư lợi, tiến cử hiền tài, mà được quốc thái dân an. Đây cũng là đức hạnh vì đất nước, vì dân chúng, vì người khác của bậc chính nhân quân tử.

Phú Bật thời Bắc Tống làm quan thanh liêm chính trực, đối đãi với mọi người khoan hậu. Ông làm đến chức Tể tướng. Thời vua Tống Nhân Tông cai trị, nước Tống và nước Liêu xảy ra chiến tranh liên miên. Phú Bật tự đứng ra, đi sứ nước Liêu đàm phán. Lời lẽ của ông chính nghĩa, nhân từ mà lại có uy phong, làm cho nước Liêu dừng binh, khiến cho dân chúng không phải chịu cảnh chiến tranh suốt 12 năm liền.

Khi Phú Bật nhậm chức ở Thanh Châu, vừa đúng lúc gặp cảnh 60, 70 vạn dân lưu vong đến tránh lũ lụt do sông Hoàng Hà. Phú Bật đã cho xây dựng hơn 10 vạn nhà, tận sức kêu gọi quan viên và người dân địa phương cứu tế họ, hơn nữa còn mở kho lương thực cứu sống được gần 70 vạn dân ấy.

Phú Bật cả đời hết lòng tin theo Phật Pháp, không chỉ tự mình tụng kinh lễ Phật mỗi ngày, tu dưỡng tâm tính mà còn khuyên dân chúng phải kính Thiên tín Thần, tin tưởng luật nhân quả mà tránh làm điều ác. Rất nhiều người dân đã nghe theo lời khuyên răn của Phú Bật mà kính Phật hành thiện, giúp đỡ người khác.

Bậc quân tử luôn đề cao tư tưởng vì người, đem lại điều tốt cho người, còn kẻ tiểu nhân luôn vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng hại người, thúc đẩy người làm việc ác để đạt ý mình. Những kẻ tiểu nhân mà nắm quyền cai trị đất nước thì là cái đại họa cho quốc gia. Lý Lâm Phủ, tể tướng triều đại nhà Đường là một ví dụ.

Năm 734, Lý Lâm Phủ bắt đầu làm tể tướng. Trong suốt những năm giữ chức vụ của mình, Lý Lâm Phủ chuyên dùng lời bợ đỡ lấy lòng Hoàng thượng, cấu kết hoạn quan, phi tần, thúc ép họ hãm hại những trung thần đối lập. Trước mặt, ông ta tỏ ra chân thật lấy lòng người khác để họ nói ra những suy nghĩ của mình, sau lưng ông ta sẽ đem những chuyện đó tấu lên Hoàng đế. Những người này nếu không bị cách chức thì cũng không thể thăng tiến lên được. Người đời gọi Lý Lâm Phủ là người “miệng mật lòng gươm”, kéo bè kết phái, bài trừ người đối lập, tham ô hối lộ, sống một cuộc sống xa hoa trụy lạc. Nhưng cuối cùng Lý Lâm Phủ cũng phải nhận kết cục bi thảm, thậm chí còn khiến cả gia tộc bị lưu đày.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: