Sách “Lã Thị Xuân Thu” viết rằng: Quân vương có tấm lòng quảng đại, hoài bão lớn lao khi thống nhất và trị vì đất nước thông thường đều không dựa vào chế độ hà khắc và binh lính mạnh mẽ, càng không có việc phá tường thành, giết hại dân chúng của nước khác. Họ dựa theo hình thế của thiên hạ, gánh vác nguy nan, san sẻ nỗi khổ của dân, giải trừ tai họa và đại nạn cho dân. Như thế, thiên hạ tự nhiên sẽ quy thuận khuất phục, dân chúng trong thiên hạ vui với việc làm ăn, quốc gia nhờ đó mà hưng thịnh. Xuyên suốt lịch sử, những bậc quân vương sáng suốt đều mang tâm “vì người khác”, hết lòng vì dân, mà cuối cùng thành tựu chính mình.

Bậc quân vương sáng suốt bởi hết lòng vì dân mà thành tựu công đức
Quân vương thời xưa làm lễ tịch điền, đích thân cày ruộng. (Tranh minh họa: Public Domain)

Huyền sử kể rằng khi Thần Nông trị vì đất nước thì tự mình cày bừa trồng trọt, vợ của ông thì tự mình dệt vải. Ông lấy bản thân làm gương, nói rằng nam tử khi thành niên mà không đi trồng trọt thì thiên hạ sẽ có người chịu đói, nữ tử khi thành niên mà không biết dệt vải thì thiên hạ sẽ có người bị lạnh.

Thần Nông cũng tự lấy thân mình nếm thử các loài thực vật khác nhau, nhằm tìm ra loại quả, hạt hoặc rễ, cành lá của cây nào có thể ăn được, loại nào không nên ăn. Để mọi người được ăn no, không bị đói, để cho mọi người được sinh tồn, Thần Nông đã tự phân loại, phát hiện ra những loại lá, loại quả có thể ăn, có thể trị bệnh, có chứa chất độc. Đây đều là tấm lòng nhân đức, hết lòng vì dân chúng mà quên đi bản thân.

Đến thời thượng cổ, khi thế gian vừa gặp phải trận đại hồng thủy, Đại Vũ đã đảm nhận trách nhiệm lớn lao là thuần hóa thủy tai. Ông đã xẻ núi khơi sông, thuận theo thủy tính đào kênh dẫn đường, khiến cho nước lụt tìm được lối thoát ra biển. Ông chăm chú cẩn thận, thậm chí đi qua nhà của bản thân còn e sợ phí hoài thời gian mà không vào. Trong lịch sử Trung Hoa, chỉ có một số người có những cống hiến vô cùng quan trọng mới được mang chữ “Đại” trong danh xưng của mình, và Đại Vũ chính là một trong số đó. Ông luôn được hậu thế ngưỡng mộ và tôn kính.

“Hành đức ái nhân” không chỉ khiến quốc gia được thái bình thịnh trị, mà bậc quân vương có đức nhân cũng sẽ được lợi ích vô cùng.

Sử sách chép rằng vào thời Xuân Thu, có một lần Tần Mục Công ngồi xe ngựa xuất hành nhưng xe bị hỏng. Con ngựa phía bên phải xe bị đứt dây cương đi lạc và bị một nhóm người nông phu ở phía nam núi Kỳ Sơn bắt được. Lúc Mục Công đi tìm con ngựa ấy thì thấy nhóm nông dân đang chia thịt ngựa của mình.

Tần Mục Công không những không tức giận mà còn cảm thương, nói với những người nông dân: “Các ngươi ăn thịt ngựa mà không uống rượu thì thịt ngựa sẽ làm tổn thương thân thể”. Thế là Tần Mục Công ban rượu cho từng người rồi rời đi.

Một năm sau, Tần và Tấn xảy ra chiến tranh ở Hàn Nguyên. Quân lính nước Tấn bao vây xe ngựa của Tần Mục Công. Đúng lúc tình thế nguy cấp, hơn ba trăm nông phu ngày trước đột nhiên xuất hiện, cứu nguy cho Tần Mục Công. Sự tham gia đột ngột của họ đã khiến quân Tần đánh bại được quân Tấn.

Một câu chuyện khác kể về Triệu Giản Tử, tông chủ họ Triệu, tổ tiên của quân chủ nước Triệu thời Chiến Quốc. Triệu Giản Tử có hai con la trắng và rất yêu quý chúng. Một đêm nọ, có một tiểu quan là Tư Cừ đến trước cổng nhà Triệu Giản Tử nói: “Tôi bị bệnh, thầy thuốc nói rằng phải ăn gan của con la trắng thì bệnh mới khỏi, nếu không thì sẽ chết”.

Người gác cổng đem chuyện này nói lại với Triệu Giản Tử. Một thuộc hạ ở bên cạnh Triệu Giản Tử nghe thấy vậy liền tức giận nói: “Tư Cừ dám mưu toán đến bạch la của Ngài, thỉnh lập tức cho xử trảm!”

Triệu Giản Tử nói: “Vì mạng sống của súc sinh mà giết người là bất nhân, vì cứu mạng sống của người mà giết súc sinh thì đó chẳng phải là nhân ái sao?” Triệu Giản Tử đã cho đầu bếp giết con la trắng mà ông yêu quý, lấy gan đưa cho Tư Cừ.

Không lâu sau, Triệu Giản Tử dẫn quân đi đánh nước Địch, Tư Cừ dẫn quân tinh nhuệ thiện chiến xông lên, giúp Triệu Giản Tử toàn thắng.

Bậc quân vương sáng suốt dù đối với ai cũng cần giữ cái Thiện, cần có lòng Nhân, biết “vì người khác”. Họ đối đãi với những người tài đức thì công bằng chính trực, đối đãi với những người bình thường thì khoan dung và nhân hậu. Bậc quân vương yêu dân, chăm lo cho dân, nhất tâm khiến dân hạnh phúc thì người bên dưới đều kính yêu, tự nhiên cũng sẽ có được nhiều báo đáp. Họ không vì bản thân, chỉ hết lòng vì dân, nhưng cuối cùng lại thành tựu chính mình.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: