Cùng theo một thầy học Đạo, cùng đi một chặng đường tu, nhưng mà, thành quả mỗi người một khác. Đại Pháp vô biên, Phật Pháp vô cùng, nhưng người tu là có ngộ tính khác nhau, nhẫn lực cũng không như nhau, cho nên, chứng đắc sẽ khác nhau. Điều đầu tiên làm nên khác biệt ấy chính là: NGỘ TÍNH.

NGO TINH

Theo cùng một Thầy, học cùng một Pháp, mà không nhận cùng một thứ

Tại sao?

(Tiếp theo bài 1bài 2bài 3)

Thử xem lại hồi 2 trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không, sau 7 năm nhập học và nghe giảng Đạo, và lúc này được Bồ Đề Tổ Sư “vấn tâm” [1]. Chúng ta thấy Tôn Ngộ Không lần lượt chê —là “chê” nhé— các phương án được hỏi, lược dịch như sau:

– “Đạo” ta đủ 360 môn, muốn học môn nào?
– Xin thầy cho biết.
– Chữ “Thuật”, như thỉnh thần, vẽ bùa, bốc quẻ, bói ra phúc họa, v.v.?
– Có trường sinh được không?
– Không trường sinh được.
– Không học, không học!
– Chữ “Lưu”, như Nho gia, Thích gia, Đạo gia, Mặc gia, Âm Dương gia, Y gia, v.v.?
– Có trường sinh được không?
– Xây cột trong vách, tường đổ cột cũng chẳng còn. Không trường sinh được.
– Không học, không học!
– Chữ “Tĩnh”, như tịch cốc đả tọa, vô vi thanh tịnh, trai giới tham thiền, v.v.?
– Có trường sinh được không?
– Hòn đất trong lò nung chưa chín, gặp nước liền bở. Không trường sinh được.
– Không học, không học!
– Chữ “Động”, như điều hòa âm dương, cường thân kiện thể, luyện đan chế thuốc, v.v.?
– Có trường sinh được không?
– Bóng trăng trong nước, ảo ảnh mà thôi. Không trường sinh được.
– Không học, không học!

TAY DU KY 5Con khỉ này chỉ cầu trường sinh! Cái khác liền chê! Thầy tức giận và bỏ đi. Làm ra vẻ tức giận mà thôi, chứ kỳ thực là mừng như mở cờ trong bụng rồi đó.

Bồ Đề Tổ Sư Ngài giảng Đạo ngần ấy năm bao nhiêu điều huyền diệu, mà đám học trò không khác gì phàm phu của Ngài toàn chỉ biết nhìn đến những thứ tầm thường. Các phương án chữ “Thuật” “Lưu” “Tĩnh” “Động” mà Ngài đưa ra đó, chính là cái mà đám học trò này thích lắm. Chẳng trách Bồ Đề Tổ Sư than thở:

Đạo huyền diệu thực khó thay!
Chớ nên quan niệm tu đây là nhàn.
Chẳng gặp người giỏi trao truyền.
Cũng đành uổng phí miếng phiền lưỡi khô. [2]

Giống như ví dụ một vị Đại Giác Giả giảng ra Pháp cao siêu, Pháp vũ trụ, mà đám học trò học đi học lại, học tái học hồi, mà rồi suốt ngày chỉ chia sẻ nào là tập thế nào để bảo dưỡng sức khỏe này cho thật tốt, luyện ra sao để cuộc đời ăn ngủ này thật thư sướng, v.v. Thế vậy thử hỏi, làm thầy, thì vị Đại Giác Giả đó sẽ có cảm giác gì?

Quả nhiên, chứng kiến Tôn Ngộ Không làm thầy tức giận, đám bạn học đều phát bực, người ta khóc hô hô đòi vào đây chỉ cầu học dù một chút là quý lắm rồi, còn con khỉ ngươi cái gì cũng chê! Thật không biết điều! Họ không hiểu rằng, kỳ thực thầy mừng lắm. Họ cũng không hiểu rằng, chính vì họ chỉ biết thấy những thứ tầm thường, cho nên họ không thể thành tựu cao hơn được. Ông thầy dù có Đạo Pháp cao siêu, trường sinh bất lão, nhưng học trò chẳng có cái tâm ý ấy, ngộ tính thấp kém, chỉ biết theo đuổi những thứ tầm thường, thì ông thầy hơi đâu mà dạy. [3]

Tu trong mê! Khó chỉ nói đến chữ “ngộ”, mà không đề cập tới chữ “mê”. Chỉ thấy được những thứ ở tầng thấp nơi đây, tưởng đó đã là tất cả rồi, mà không ý thức được Đại Đạo, không thấy được chân tướng vận hành của vũ trụ bao la, cho nên, gọi đó là “mê”.

Khi một bậc tổ sư —dù là Đạo gia hay Phật gia cũng vậy— đưa cái Đạo, cái Pháp của mình truyền ra nơi đây, thì ấy là Ngài dùng cách nào đó mà giảng ra đạo lý của tầng thứ không gian cao hơn. Đem đạo lý tầng cao dạy cho chúng sinh tầng thấp, thì ấy là giúp chúng sinh tầng thấp có thể thăng hoa lên trên, và đồng thời cũng là giúp phá đi cái “mê” này. Ai tiếp thu được bao nhiêu, thì phá mê được bấy nhiêu.

Do đó, biểu hiện đầu tiên của ngộ tính, ấy chính là có thể tiếp thu, có thể lĩnh hội, có thể tin theo được ngần nào những điều mà bậc Giác Giả giảng. Lão Tử có câu rằng:

“Kẻ sỹ bậc thượng nghe Đạo, thì chuyên cần làm theo. Kẻ sỹ bậc trung nghe Đạo, thì cái nhớ cái quên. Kẻ tầm thường nghe Đạo, thì phá ra cười. Kẻ bậc hạ kia mà không chê cười, thì đó vẫn chưa đủ là Đạo.” [4]

Tôn Ngộ Không mặc kệ bạn học cười chê, canh ba đêm đó tới gặp thầy. Ngộ tính tốt! “Thằng oắt con này quả là do trời đất sinh thành,” Bồ Đề Tổ Sư tự cảm thán.

Không chỉ ở môn phái đơn truyền như môn của Bồ Đề Tổ Sư là như thế, mà các môn phổ truyền cũng là như thế. Đành rằng khi phổ truyền ra đại chúng, thì Pháp là được giảng ra giống nhau chung cho các học trò, nhưng không phải ai cũng có thể lĩnh hội được giống nhau.

Nếu một vị Phật giảng rằng, Pháp của Ngài có thể tu Phật, thế mà người trò chỉ có tâm nhìn tới quả vị La Hán, cho đó là cao nhất rồi, không có tâm ý học Đạo của Như Lai, thế thì e rằng thành tựu cao nhất cũng chỉ có thể là quả vị La Hán mà thôi.

Nếu một bậc Đại Giác Giả giảng rằng, Pháp của Ngài là Pháp vũ trụ, mà người học chỉ có tâm cầu sức khỏe, thì e rằng, thành tựu cao nhất cũng chỉ có thể là sức khỏe mà thôi.

Đó là NGỘ TÍNH.

Đi cùng chặng đường tu, nhưng không tới cùng một đích

TAY DU KY 1

Trong tác phẩm Tây Du Ký, năm vị cùng nhau đi thỉnh kinh, nhưng mỗi vị chứng đắc một khác. Tại sao? Chúng ta cùng thử xem truyện kể thế nào.

Bạch Long mã, kỳ thực, không được tính là đã tu luyện. Vì mang thân con ngựa, không có bất kỳ cơ hội nào để có chủ kiến làm gì [5]. Do đó chỉ có thể tính là có công đức, không thể tăng tầng thứ. Trước khi đi thỉnh kinh vốn là rồng, và sau khi đi thỉnh kinh thì vẫn là rồng, không thay đổi tầng thứ, chỉ uy vũ hơn mà thôi.

Quá trình tu luyện là người tu căn cứ vào Pháp mà làm ra các lựa chọn khi đối mặt các vấn đề khác nhau. Tu luyện là lựa chọn, qua những lựa chọn ấy mà thể hiện ra cái Đạo mà người tu chứng ngộ. Nếu chỉ làm theo người khác, thì sao biết đã ngộ được những gì?

Ngộ Không đại chiến Bạch Long
Ngộ Không đại chiến Bạch Long

Trư Ngộ Năng, được tính là đã tu luyện, nhưng không đắc chính quả. Tuy buông bỏ một số chấp trước, nhưng không bỏ hết, vẫn còn ham ăn ham ngủ. Kết quả được làm Tịnh Đàn Sứ Giả của nhà Phật. Vị trí đó thường được đồ ăn, hợp với lão Trư!

Bát Giới 01

Sa Ngộ Tĩnh, tu đắc Kim Thân La Hán. Trong quá trình đi thỉnh kinh, thể hiện rằng đã sạch hết chấp trước vào trần gian, cũng gọi là đã đạt “vô lậu”.

Sa Tăng 01

Đường Tăng và Tôn Ngộ Không thể hiện đã chứng ngộ Pháp ở cao tầng. La Hán là quả vị thấp nhất trong Pháp giới, vừa mới sạch hết chấp trước vào trần gian, nhưng chưa chứng ngộ được Pháp cao tầng. Như Lai là quả vị cao nhất trong truyện, thể hiện rằng đã chứng ngộ đầy đủ Pháp một đại tầng thứ ấy. Bậc Như Lai là có thể tổ chức thiên quốc. Ví như đức Phật A-Di-Đà có thế giới Cực Lạc, đức Phật Dược Sư có thế giới Lưu Ly. Lời của đức Như Lai cũng vì thế mà được coi là Pháp.

Đường Tăng và Bạch Long

Vũ trụ này, tầng khác nhau có tiêu chuẩn và Pháp Lý khác nhau, tầng càng cao thì tiêu chuẩn càng cao và đạo lý cũng cao đẳng hơn. Cho nên, cùng một Pháp đồng nhất có triển hiện khác nhau ở các tầng khác nhau. Do đó, khi làm các việc mà đồng thời thỏa mãn theo đạo lý của các tầng khác nhau, thì đó là biểu hiện của việc hiểu Pháp, chứng ngộ Pháp.

Tây Du Ký, hồi 45 và 46, khi đụng độ với ba tên yêu quái hổ, lộc, và dương (dê), thì Tôn Ngộ Không không hề giải quyết theo phong cách trước đây, gặp yêu quái bất nhập lưu dạng này thì một gậy đập phát là xong, không thế, mà khéo léo để mấy tên này lộ rõ bộ mặt thật, để người đời thấy được chân tướng của mấy kẻ giả mạo “Đại Tiên” trà trộn vào bộ máy cao cấp ở Xa Trì quốc, rồi sau đó mới xử lý.

Cách làm như vậy, là vừa phù hợp với đạo lý ở tầng cao hơn —diệt tà ác— và cũng đồng thời phù hợp đạo lý ở tầng thấp hơn. Nếu chỉ dùng công năng để diệt hết tà linh lạn quỷ, mà không để con người nơi đây hiểu rõ chân tướng về chúng, từ đó bài trừ chúng, thế thì chưa tính là “đồng thời phù hợp đạo lý các tầng khác nhau”.

Hồi 84, tới Diệt Pháp quốc, nơi mà người tu Phật bị đàn áp, thì Tôn Ngộ Không cạo trọc đầu vua, hoàng hậu, công chúa, cung tần mỹ nữ ba cung sáu viện, và cả các thái giám. Rốt cuộc, nhà vua nhận ra điểm hóa, hiểu ra sai lầm của mình, và đã bãi bỏ chính sách đàn áp người tu Phật ở quốc gia này.

Rất nhiều tình tiết tương tự cho thấy rằng, từ một con khỉ ban đầu chỉ biết dùng bạo lực, Tôn Ngộ Không dần dần biết cách làm sao cho đồng thời phù hợp đạo lý các tầng khác nhau. Đó chính là biểu hiện rõ nhất của việc ngộ ra Pháp ở các tầng khác nhau. Bằng lựa chọn và hành động như thế mà chứng ngộ cái Đạo của mình.

Tây Du Ký, làm một tác phẩm văn học, tuy không thể trực tiếp nói ra Pháp ở cao tầng có cụ thể những gì, nhưng qua việc miêu tả quá trình thỉnh kinh, phải chăng cũng là để nói lên cái đạo lý về Ngộ tính này.

Bài viết này chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả. Có gì chưa thấu tình đạt lý, mong độc giả lượng thứ.

Thiên Đức
Tác giả gửi TTVN

Xem tiếp Bài 5: Chính và tà – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký

—-

[1] Nếu Bồ Đề Tổ Sư “vấn tâm” Tôn Ngộ Không ngay khi Tôn Ngộ Không tới nhập học, thì có lẽ đúng là thật sự đang dò hỏi tâm ý của Tôn Ngộ Không. Nhưng mà việc này là tận 7 năm đó. Chúng ta đều biết, trong cặp mắt tinh tường của Bồ Đề Tổ Sư thì bấy giờ tâm ý Tôn Ngộ Không chỉ đơn thuần như trẻ nhỏ, cho nên, trải qua tận 7 năm lận thì có lẽ Bồ Đề Tổ Sư đã quá rõ Tôn Ngộ Không là thế nào rồi. Vậy xem ra phần “vấn tâm” này, chẳng qua là Bồ Đề Tổ Sư làm cho đủ thủ tục, hẳn là để khẳng định lần cuối cùng cho cái nhìn của mình mà thôi.

[2] Trích đoạn là theo bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh.

[3] Trong thế giới thần thoại của Tây Du Ký, thì công pháp chủ tu nhiều lắm, và phép trường sinh nhập môn mà Tôn Ngộ Không được học ấy, chỉ được xem là loại tầm thường. Về sau còn phải tu tâm và luyện thân rất nhiều nữa. Do đó độc giả thường có cảm giác rằng công pháp chủ tu của Tôn Ngộ Không là 72 phép địa sát chứ không phải phép trường sinh nhập môn. Đương nhiên, trong bối cảnh nơi các học trò ở chỗ Bồ Đề Tổ Sư thời đầu cuốn truyện hồi 2 này, thì phép trường sinh ấy đã là cao lắm rồi, ngoài tầm tưởng tượng của đám học trò phàm tục này.

[4] Câu của Lão Tử: “Thượng sỹ văn Đạo, cần nhi hành chi. Trung sỹ văn Đạo, nhược tồn nhược vong. Hạ sỹ văn Đạo, đại tiếu chi, bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo.”

[5] Hồi 30, Bảo Tượng quốc, khi đó Ngộ Không bị đuổi đi, Sa Tăng và Bát Giới không đấu nổi Hoàng Bào yêu quái, Đường Tăng gặp nạn, thì Bạch Long mã có chủ động ra cố gắng giải cứu, nhưng không thành. Có lẽ đây là lần duy nhất, theo truyện kể, mà Bạch Long chủ động làm gì đó.

Vo so cau khi tu luyenBài 1: Vô sở cầu khi phát tâm tu luyện – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký

Làm gì đó mà không xuất phát từ tâm truy cầu. Không vì danh lợi mà làm. Không vì ái hận mà làm. Không vì lợi ích dẫn dụ hay khó khăn thúc ép mà làm. Ấy là vô sở cầu.

Tinh menh song tuBài 2: Tính mệnh song tu – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký

Trong giới tu luyện có cụm từ “tính mệnh song tu”, đó là gì?

PHAN BON QUY CHANBài 3: Phản bổn quy chân – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký
Có lẽ chỗ hay nhất ở Tây Du Ký là miêu tả quá trình hoàn thiện của một sinh mệnh nguyên thủy.
chinh va ta tay du kyBài 4: Ngộ tính – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký
Cùng theo một thầy học Đạo, cùng đi một chặng đường tu, nhưng mà, thành quả mỗi người một khác. Điều đầu tiên làm nên khác biệt ấy chính là: NGỘ TÍNH.
chinh va ta tay du kyBài 5: Chính và tà – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký
Trong Tây Du Ký, cũng như trong văn hóa Thần truyền, đều có nhận thức “chính và tà”. Từ góc độ tu luyện, thì thế nào là chính phái hay tà phái, căn cứ vào đâu mà xác định? Hãy thử xét qua các diễn biến khái quát trong truyện.
Tu luyen la tu nguyenBài 6: Tu luyện là tự nguyện – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký
Tại sao Bát giới thích xả giới? Hòa thượng thích hoàn tục? Vì họ là tu luyện mà không tự nguyện! Tu luyện vốn dĩ phải là tự nguyện thì mới có ý nghĩa!