Vào thời Xuân Thu, nhà Chu suy yếu, các chư hầu nổi lên tranh ngôi Bá là Tề, Tấn, Sở, Tần, Tống, Ngô, Việt. Ngôi thiên tử của nhà Chu là “Vương” trên danh nghĩa, chư hầu nào giữ nghĩa thì theo, chư hầu nào không giữ nghĩa thì đoạt lấy quyền lực, nên mới gọi là “Bá”. Nước Tấn có thời kỳ cùng nước Tề ganh đua chinh phạt thiên hạ, vua nước Tấn là Tấn Hiến Công cùng con trai là Thái tử Cơ Thân Sinh cùng đánh chiếm khắp nơi, mở rộng lãnh thổ, chớm đưa nước Tấn lên hàng nước mạnh. Nhưng Tấn Hiến Công lại vướng vào nữ sắc, khiến giang sơn trải qua một thời kỳ loạn lạc.

Vương triều tồn tại 350 năm suy tàn vì nụ cười mỹ nữ
(Tranh minh họa: Wikipedia, Public Domain)

Bị nữ sắc mê hoặc

Thừa hưởng tiềm lực từ vua cha, Tấn Hiến Công lên ngôi, cùng Thái tử Tân Sinh chinh phạt thiên hạ. Năm 672 TCN, Tấn Hiến Công đưa quân tiến đánh nước Ly Nhung. Vua Ly Nhung xin giảng giảng hòa và dâng lên hai nàng Ly Cơ và Thiếu Cơ. Cũng từ đây cuộc đời Tấn Hiến Công đi sang ngã rẽ.

Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên thì Ly Cơ là người phụ nữ có nhan sắc nên Tấn Hiến Công ít khi nào rời, thậm chí còn cho bàn việc nước. Hơn một năm sau, Ly Cơ sinh con trai là Cơ Hề Tề. Ly Cơ thấy Tấn Hiến Công mê mẩn mình nên nói với Vua phế ngôi Thái tử để cho Cơ Hề Tề lên thay.

Tuy nhiên Cơ Thân Sinh là người có công giúp nhà Tấn hùng mạnh, lại không có gì sai trái, nên được các quan trong triều nhất mực ủng hộ. Ly Cơ thấy vậy thường gièm pha Thái tử.

Lập kế khiến cha con nghi kỵ lẫn nhau

Ly Cơ lập kế nhân lúc thấy Cơ Thân Sinh đến vườn hoa, liền bôi mật để khiến ong bướm đậu xung quanh. Khi Thân Sinh bước đến gần thì giả vờ sợ hãi vung tay xua đuổi ong bướm đi để Thân Sinh phải tới đuổi giúp. Việc này được dàn xếp để Tấn Hiến Công thấy, nghĩ rằng Thái tử có ý bất kính sàm sỡ Ly Cơ. Tấn Hiến Công từ đó quả nhiên nuôi ý phế Thái tử.

Biết các con đã lớn của mình sẽ phản đối việc phế lập nên Tấn Hiến Công đã cử các công tử đi trấn thủ ở những vùng đất xa xôi, như Cơ Trùng Nhĩ phải đến thành Bồ gần biên giới phía bắc, còn Cơ Di Ngô phải đến trấn thủ ở ấp Khuất.

Ly Cơ lại lập kế nói với Thân Sinh rằng phải cúng lễ cho vương hậu đã khuất. Thân Sinh nghe theo làm lễ cúng vương hậu, rồi cho người mang thịt cúng dâng lên cho Tấn Hiến Công. Ly Cơ liền bỏ thuốc độc vào thức ăn.

Khi Tấn Hiến Công chuẩn bị ăn thì Ly Cơ nói cần cẩn thận thử đồ ăn trước, liền cho chó và một người hầu dùng thử, tất cả đều trúng độc mà chết. Tấn Hiến Công nổi giận sai người bắt Thân Sinh.

Cơ Thân Sinh nghe tin dữ thì vội bỏ chạy rồi tự vẫn. Tấn Hiến Công nghe tin liền lập con trai của Ly Cơ là Cơ Hề Tề làm Thái tử.

Trùng Nhĩ và Di Ngô trở về thăm cha, tuy nhiên lại bị Ly Cơ gièm pha nói xấu. Lo bị tai họa như Cơ Thân Sinh, hai anh em vội trở về trấn thủ vùng đất của mình.

Giận hai con tự ý bỏ đi, Tấn Hiến Công liền đưa quân đi đánh. Tuy nhiên hai công tử đều có được sự ủng hộ các các nước láng giềng nên không bị mất mạng.

Giang sơn loạn lạc

Năm 651 TCN, Tấn Hiến Công mất, Thái tử Cơ Hề Tề 15 tuổi lên ngôi. Tuy nhiên các quan không muốn Hề Tề lên ngôi nên đã giết chết Hề Tề. Ly Cơ hay tin bỏ chạy, biết không thoát được liền nhảy xuống giếng mà chết.

Nước Tấn từ đây trải qua một thời kỳ loạn lạc. Cơ Hề Tề ở ngôi được 1 tháng. Cơ Trác Tử ở ngôi được 1 tháng. Cơ Di Ngô ở ngôi được 13 năm nhưng mất lòng thiên hạ, bội tín, bội nghĩa nhiều lần với các chư hầu, khiến Tấn càng suy yếu. Con của Cơ Di Ngô ở ngôi được 1 năm thì bị dân chúng phản lại. Cuối cùng chỉ đến khi Cơ Trùng Nhĩ (vốn là con trưởng của Tấn Hiến Công) về nước lên ngôi, thì nước Tấn mới cường thịnh, trở thành bá chủ thiên hạ.

Lịch sử gọi thời kỳ này là thời kỳ “Ly Cơ chi loạn” tức xem sự loạn lạc nay là do Ly Cơ mà ra. “Liệt Nữ truyện” có ghi chép câu truyện về Ly Cơ như một bài học về việc ham mê nữ sắc mà mang họa, cha con nghi kỵ đánh lẫn nhau, giang sơn bất ổn. Ly Cơ cũng được xếp vào kiểu người “Hồng nhan họa thủy” tức những người có nhan sắc mà gây họa.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: