Khoa thi năm 1475 thời vua Lê Thánh Tông, người đỗ Trạng nguyên là Vũ Tuấn Chiêu, bài thi Văn sách của ông bày kế giúp dân giàu, binh mạnh, được xem là có kiến giải sâu sắc và vẫn còn giá trị đến ngày nay. Bài Văn sách của Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu là một trong 3 bài hay nhất trong kỳ thi này, 2 bài còn lại là của Cao Quýnh (người đỗ đầu thi hội) và Ông Nghĩa Đạt.

Bài thi trạng nguyên nêu biện pháp giúp dân giàu, binh mạnh
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Vũ Tuấn Chiêu người làng Xuân Lôi, xã Cổ Ra (nay thuộc xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, Nam Định). Bài Văn sách của ông hiện vẫn được lưu lại trong cuốn gia phả của họ Vũ ở phường Nhật Tân (Quận Tây Hồ, Hà Nội).

Đề bài Văn sách do vua Lê Thánh Tông đưa ra như sau:

“…Trẫm kế nối ngôi chính thống đến nay đã được 6 năm. Lo việc trị binh là đầu tiên, coi việc trị binh là chính yếu. Trẫm thường noi theo chính sự thời Đường Ngu. Việc chính sự khi thành công, khi thất bại há lại không đem ra bàn. Phương kế làm cho binh mạnh, biện pháp làm cho dân giàu, cũng như trẫm muốn giúp nền trị binh mà chưa thể, thấy việc rối mà chưa sửa, lòng luôn trăn trở, điều đó nên trình bày hết ra đây, chỉ mong vì việc trị bình mà suy nghĩ cho thấu đáo. Trẫm sẽ tự mình tuyển lựa…”

Đề bài của nhà Vua là muốn làm cho dân giàu, binh mạnh. Bài Văn sách của Vũ Tuấn Chiêu (bản dịch của Phạm Thị Hoa thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm) có các ý chính như sau:

Về ý nghĩa của việc làm cho dân giàu binh mạnh, ông cho rằng:

“Việc lớn của chính sự là phải làm cho binh mạnh dân giàu. Bởi vì dân là gốc của nước, binh có quan hệ tới sự mạnh yếu của nước. Cho nên bậc thánh phải lo nghĩ điều đó… Than ôi! Binh mạnh thì trong nước yên ổn, bên ngoài thần phục, nước sẽ vững như bàn thạch. Dân giàu thì lễ nghĩa được thi hành, giáo hóa cũng theo đó trở nên tốt đẹp. Thần kính nghĩ: Phế bỏ một việc, chấn hưng một việc cần phải hợp lòng dân. Nếu phế bỏ một việc nào đó mà nước nhà không có lợi, khôi phục một việc nào đó dân nghi ngờ không yên, há không lo lắng sao.”

Về kế sách làm cho binh mạnh, ông cho rằng:

“Kế sách làm cho binh mạnh là việc làm. Kinh Dịch nói: Bậc quân tử diệt trừ mọi rợ, việc khí giới không thể không lo.”.

Vũ Tuấn Chiêu viết rằng:

“Thần cúi xin bệ hạ hãy dùng nhà Nho để cai quản việc quân thì quân sẽ mạnh” . Tuy nhiên quan niệm nhà Nho của ông là rất rộng, không chỉ những người thông kinh thư đậu khoa bảng, mà kể cả những người đồng hóa với Đạo lý, ông viết: “Thần cho rằng nhà Nho không phải chỉ học rộng văn hay, thông kinh bác sử mà thôi. Những người đối với thân huân có lòng dũng khí, cố gắng quên mình, dẫu không học rộng cũng vẫn là nhà Nho chân chính. Không chỉ đòi hỏi, yêu dân như con dẫu không giỏi văn cũng là nhà Nho nhân nghĩa. Trong bọn võ thần có kẻ giữ mình trong sạch, chăm chỉ luyện tập, dù không xuất thân từ kinh sử cũng là nhà Nho vậy. Biết mình biết người, gặp sự quyết đoán, tuy không phải kẻ học hành vẫn là bậc trí nho. Việc lựa chọn bảo cử nên công minh. Mọi việc nên ủy thác cho bậc quân tử có học thức. Lại ban lệnh mở mang việc học tập, nghiêm việc truất giáng. Công dẫu nhỏ cũng nên ban khen, kẻ phạm tội dù có công cũng không tha thứ. Như vậy chọn đúng tướng soái, quân lữ có lệnh, sĩ tốt được thư nhàn, lo gì việc binh không mạnh.”

Về kế sách làm cho dân giàu, ông viết:

“Ôi! Binh mạnh là để giữ nước, phương kế làm cho dân giàu cũng là việc cần nêu. Hán sử chép: Việc tích lũy là mạng sống của đất nước. Kinh Thi có câu: Hãy tiết kiệm, hãy làm nhà kho, hãy tích lương thực, nếu làm được như thế, nước không thể không giàu. Sự giàu có là để nuôi dân, kho đụn của nhà nước chứa đầy, việc hiến cống của nơi phên dậu được chất đống. Ngày lại ngày như thế thì nước sẽ giàu có. Thần cúi xin bệ hạ dùng Nho để chăn dân, nhưng phải dùng kẻ Nho có phẩm chất, có tác dụng. Giảm bỏ kẻ ăn không bớt chi tiêu phung phí, thực hành chế độ tiết kiệm để của cải sinh sôi, muôn họ giàu có. Vậy lo gì nước không giàu”.

Vũ Tuấn Chiêu cũng không quên nêu rõ cách dùng người:

“Dùng hiền tài chớ có hai lòng, vứt bỏ bọn sàm nịnh, không đắn đo, như thế thì bệ hạ sẽ có bề tôi giỏi, có tướng hiền tài, chính sự phấn phát, muôn dân được chăm lo, bốn phương yên ổn, vậy còn lo gì nền trị bình không được thực thi, lo gì mầm loạn không được dẹp bỏ”.

Bài Văn sách của Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu không chỉ nêu được biện pháp giúp dân giàu, binh mạnh mà còn nêu được mối liên hệ của hai việc này. Việc binh quan hệ đến mạnh yếu của đất nước, binh mạnh thì nước mạnh, lân bang thần phục thiên hạ mới thái bình; nhưng điều này lại có quan hệ đến “dân”, và “dân giàu” mới là gốc giúp binh mạnh; muốn dân giàu thì cần dùng người hiền tài, thông tỏ và đồng hóa với Đạo lý, yêu thương dân chúng.

Vua Lê Thánh Tông trọng dụng hiền tài, mở khoa thi Nho học định kỳ 3 năm một lần. Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu dù đồng ý cách trọng dụng hiền tài từ những kỳ thi khoa bảng, nhưng ông còn mở rộng hơn, cho rằng nên dùng cả những người nhân từ yêu thương dân chúng “yêu dân như con dẫu không giỏi văn cũng là nhà Nho nhân nghĩa”. Người giỏi lý thuyết chưa chắc đã là người có thể đồng hóa với Đạo, có thể giữ vững lương tri, chính là như vậy.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: