Bánh chưng và mùa Tết thơm hồn Việt

Người Việt Nam dù đi khắp thế gian nhưng có chung một cội nguồn văn hóa, nên cứ Tết đến xuân về, không ai quên được hương vị của bánh chưng xanh và thanh âm giòn giã của pháo đỏ đã khắc sâu vào tâm khảm cả một đời gió sương.

Bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống uống nước nhớ nguồn, là món ăn đặc trưng của dân tộc, là cảm giác háo hức bên bếp lửa ngày cuối năm, là mâm cúng tổ tiên sung túc đêm Giao thừa, là bữa ăn gia đình sum họp đoàn tụ, là ước mơ no ấm của những người lao động qua bao tháng ngày kham khổ…

Nói đến bánh chưng, có lẽ ai cũng nhớ đến câu chuyện đầy ý vị văn hóa về nguồn gốc của món ăn đậm chất tinh thần này. Truyền thuyết kể rằng, sau khi phá xong giặc Ân, vua Hùng thứ Sáu muốn tìm một vị hoàng tử xứng đáng để truyền ngôi. Nhân dịp đầu xuân, vua cho mở hội và bảo các con rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”. Các Lang đua nhau dùng sơn hào hải vị quý hiếm khắp thế gian để làm ra những món lạ. Duy chỉ có Lang Liêu, hoàng tử thứ 18 từ lâu mồ côi mẹ, không biết nên chọn món nào để dâng cha. Một đêm, Lang Liêu nằm mơ có vị Thần đến bảo:

Q1 1 image

Tỉnh dậy, Lang Liêu nghe theo lời Thần dạy, làm bánh và dâng lên vua Hùng. Vua nếm bánh thấy ngon, lại thấy bánh có ý nghĩa sâu sắc, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu. Kể từ đó, bánh chưng, bánh giầy(*) đã trở thành món ăn không thể thiếu của người Việt.

Nếu nhìn xa hơn sẽ thấy Lang Liêu là người hiền lành, đức độ, được Thần chọn làm người kế vị nên mới đến báo mộng cho ông làm ra món bánh chưng, bánh giầy. Bánh chưng vuông tượng trưng cho Đất, bánh giầy tròn tượng trưng cho Trời, bánh chưng và bánh giầy khi đặt cùng nhau thể hiện được cái lý hòa hợp của vũ trụ, trời đất giao hòa, vạn vật kết tụ…Trời tròn Đất vuông còn là một loại Đạo, một loại quy luật. Trời tròn biểu tượng cho Đạo Trời viên dung, chính là sự hài hòa và quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Đất vuông cũng giống như Đạo làm người, giảng rõ ra chính là đức tính ngay thẳng, trung dung, hành động có quy phạm, đây cũng chính là biểu hiện cho “Thiên nhân hợp nhất”. Nghe theo lời Thần, Lang Liêu dụng tâm làm ra món bánh chưng, bánh giầy, cũng phần nào thể hiện sự tín Thần, kính Thần kính Thiên, thuận theo Thiên ý mà đắc được thiên hạ. Vì thế, người Việt xưa đã dùng chính bánh chưng, bánh giầy làm lễ vật tế Trời, tế Thần, và ông bà tổ tiên.

Artboard 2 2 image

Truyền đời mấy nghìn năm, qua bao thế hệ, tập tục gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến xuân về cũng trở thành một điều vô cùng bình dị nhưng ấm áp trong nếp sống của người dân Việt. Với riêng tôi, ký ức bánh chưng ngày Tết là những gì gần gũi thân thiết nhất. Đến tận bây giờ, bao nhiêu năm đã trôi qua mà tôi chưa khi nào quên đi niềm háo hức vui sướng những ngày năm cũ. Khi còn nhỏ, cứ từ khoảng ngày 26, 27 tháng Chạp, lũ trẻ con chúng tôi đã được nghỉ học, theo người lớn đi chợ Tết sớm. Ngày ấy, có những nhà đun bếp rơm bếp rạ, dịp Tết đến còn phải đi mua củi về đun bánh. Chợ tấp nập với những gánh hàng lá dong hay các ống giang dùng để chẻ lạt, chỗ này là hàng bán hoa Tết với đủ sắc màu violet, thược dược và hoa bướm, góc kia lại thoang thoảng mùi thơm từ các sạp bán hương, bán trầm… Ai cũng hồ hởi vui cười, có lẽ những lo âu mệt nhoài của một năm cũ đã được bỏ lại hết phía sau khi người ta tham gia phiên chợ Tết.

Nhưng vui nhất phải kể đến không khí chuẩn bị gói và nấu bánh chưng ngày Tết. Lũ trẻ chúng tôi luôn chạy lăng xăng, khi thì xem ông chẻ lạt, khi thì xem bà rửa rồi lau khô từng tấm lá dong. Tôi còn nhớ nét mặt nghiêm túc nhưng đầy hạnh phúc của mẹ tôi mỗi khi tỉ mỉ lựa gạo, nhất định phải là loại gạo nếp ngon, hạt đều và không được lẫn gạo tẻ. Khác với nhiều nơi đến tận ngày 30 mới gói bánh chưng, nhà tôi thường gói vào ngày 29, để mâm cơm tất niên sum họp chiều 30 đã có đĩa bánh chưng xanh làm mâm cỗ thêm trọn vẹn. Chính vì vậy, lá dong và lạt phải chuẩn bị sớm từ ngày 25, 26. Gạo, đỗ cũng phải ngâm trước từ ngày 28. Tất cả được chuẩn bị sẵn sàng để ngày 29 gói bánh.

Đúng chiều 29 Tết, tôi trải cái chiếu ra góc sân, rồi khệ nệ “bê vác” các nồi đựng gạo đựng đỗ, trải lá dong ra các nong để bắt đầu công đoạn gói bánh. Lá dong chia thành lá già và lá non. Lá non nhỏ xanh mướt hơn được xếp vào bên trong, còn lá già bọc phía bên ngoài bánh. Làm như vậy bánh khi vớt ra sẽ có màu xanh mịn của lá dong. Bố tôi luôn là người gói bánh chưng khéo nhất, gói vừa vuông, vừa đều tay. Bố thường nói rằng cần phải ép đều ra các góc bánh thì bánh mới vuông vức. Lạt thì cũng cần buộc vừa phải, chặt quá thì bánh dễ bị méo, còn lỏng quá thì khi luộc có thể sẽ tuột lạt. Khi bánh gói xong, mẹ xếp cuống dong vào dưới đáy nồi, sau đó xếp bánh, đổ nước vào, và lũ trẻ chúng tôi sẽ ngồi canh cả đêm để đun bánh, thêm nước. Khi ấy các nhà ở khá gần nhau, từ bếp nhà này đôi khi còn nghe thấy tiếng cười rúc rích của tụi trẻ nhà hàng xóm cũng đang làm nhiệm vụ nấu bánh. Khói bốc lên từ các nóc nhà quyện vào nhau, mùi khói xen lẫn vào mùi nước luộc bánh thơm nức. Chính những điều ấy cũng làm nên một mùa Tết đậm hương vị. Vì thế mà dù thời ấy nghèo lắm, quanh năm có thể ăn nhiều bữa không no nhưng Tết năm nào tôi cũng được sống trong bầu không khí một vụ mùa bội thu, đầy ắp niềm vui và hy vọng cho những điều tốt đẹp sẽ tới. Đáng lưu giữ biết mấy ý nghĩa ngày Tết năm cũ! Đáng trân trọng biết bao tinh thần chờ đón Tết của người Việt năm nào!

Ngày nay, cùng với nhịp sống hối hả hiện đại thì không khí Tết cũng dần giảm đi sự náo nức và mong chờ của người Việt. Không còn câu đối đỏ, không còn tiếng pháo râm ran, thịt mỡ dưa hành cũng dần vắng bóng… chỉ có bánh chưng là vẫn không thể thiếu vắng. Tiếc cho lũ trẻ bây giờ lớn lên không còn được tự tay làm bánh chưng, có chăng chỉ là qua sách vở và lời kể của những thế hệ trước. Cuộc sống nhộn nhịp làm cho người ta sống vội vàng, cuốn vào vòng xoáy công việc, thời gian đi mua lá, chẻ lạt, rửa gạo, rửa đỗ và đun bánh chưng dần dần đã trở thành điều xa xỉ. Nhưng với nhiều thế hệ người Việt Nam như chúng tôi năm đó, thì bánh chưng là một miền ký ức đầy ắp những nhớ nhung và trân trọng. Chỉ thấy đâu đó phảng phất hương vị bánh chưng trong tiết mưa phùn đầu xuân, liền cảm được vị Tết đã ùa về.

Bài: Nhật Minh
Thiết kế: Kim Tuyến

(*) Theo từ điển tiếng Việt tường giải và liên tưởng, NXB Văn Hóa – Thông Tin

Bình Luận