Chuyện một: Fukuzawa và thế võ hiểm

Fukuzawa Yukichi (1835-1901) là nhà giáo dục, nhà khai sáng nổi tiếng của Nhật Bản thời Minh Trị. Xuất thân là con của một võ sĩ bậc thấp ở một lãnh địa (phiên) nhỏ, nghèo, ông sớm bất bình với chế độ phong kiến lạc hậu của Nhật để rồi từ bỏ con đường võ sĩ, dấn thân vào con đường học thuật, tự học tiếng Hà Lan, tiếng Anh, trở thành nhân viên phiên dịch của Mạc Phủ rồi trở thành nhà giáo dục, nhà khai sáng.

Tu thân yếu lĩnh của Fukuzawa Yukichi
(Ảnh: Philippe-Jacques Potteau, Wikipedia, Public Domain)

Người Việt thường biết đến ông trong vai trò là “văn sĩ” nhưng ít người biết ông là “kiếm sĩ”. Như trong chính tự truyện “Phúc ông tự truyện” ông thú nhận, ông là người có luyện một thế võ dùng kiếm rất hiểm mà nếu dùng chắc chắn địch thủ sẽ mất mạng. Ông là người to khỏe, can đảm, nên rất ý thức về hệ quả xấu nếu dùng võ. Vì thế có một lần do hiểu lầm ông nghĩ một người lạ đang đi chiều ngược lại tấn công mình nên nắm chuôi kiếm thủ thế. Phía bên kia cũng thế và khi sát nhau thì cả hai ù té chạy vì không ai muốn rút kiếm ra khỏi vỏ. Trong cuộc đời mình, dù sống trong thời biến loạn, bạo lực đầy rẫy, chém giết lan tràn ông không một lần phải dùng bạo lực. Lần duy nhất ông thị uy sức mạnh là dọa một học sinh trong trường Tekijuku khi học sinh này bắt nạt học sinh mới vào và ép họ phải khao rượu.

Đối với ông, sức mạnh của con người trước hết là nằm ở học vấn và nhân cách. Đấy là lý do tại sao trong trường Keio của ông cả học sinh ủng hộ thiên hoàng và cả cấm binh của Mạc phủ đều có thể vào học, thậm chí nhiều binh lính khi mang súng vào lớp học dần dần đã bỏ vũ khí và tỏ ra thân thiện với các học sinh khác. Dân gian đồn rằng khi quân triều đình vào thành Edo trong cảnh nhốn nháo, ông vẫn bình thản giảng bài tại trường Khánh ứng nghĩa thục.

Chuyện hai: Katsu Kaishu

Katsu Kaishu (1823-1889) là một chính trị gia, một kiếm sĩ nổi tiếng thời Mạc mạt, một trong ba “tam hùng” nổi tiếng thời đại này (hai người kia là Takahashi Deshu và Yamaoka Tesshu). Người ta kể rằng Katsu Kaishu tuy là một võ sĩ rất giỏi kiếm thuật có thể giết người trong nháy mắt nhưng cả đời ông, cho dù sống trong giai đoạn lịch sử dữ dội nhất và bản thân luôn là mục tiêu bị ám sát, chưa từng tận tay tuốt kiếm chém một người nào. Bí quyết của ông có vẻ hơi kì quái. Đó là ông tìm cách buộc cây kiếm vào vỏ để khó rút ra! Có lẽ là một người có trí tuệ và tầm nhìn của một chí sĩ, ông hiểu giới hạn của bạo lực.

Bạo lực và ba câu chuyện về người Nhật
(Ảnh: The Eastern Culture Association, Wikipedia, Public Domain)

Chuyện ba: Saigo Takamori

Saigo Takamori (1828-1877) là anh hùng đảo Mạc, tổng tư lệnh quân đội Thiên hoàng trong cuộc chính biến duy tân giành lại quyền lực cho thiên hoàng Minh Trị. Xuất thân là võ sĩ ở Satsuma (nay là Kagoshima) từ nhỏ ông học võ thuật đặc biệt giỏi vật, nhu thuật. Ông có thân hình to lớn, sức khỏe hơn người và đặc biệt là vô cùng gan dạ. Trong thời gian bôn tẩu hoạt động như một người muốn lật đổ chính quyền Mạc phủ, ông liên tục bị các mật thám của Mạc phủ truy sát và có lần ông đã phải cùng một nhà sư nhảy xuống biển tự vẫn vì bị đuổi quá gấp. Nhưng nhà sư chết còn ông thì sống.

Bạo lực và ba câu chuyện về người Nhật
(Tranh: Edoardo Chiossone, Wikipedia, Public Domain)

Khi trở thành tổng tư lệnh quân đội thiên hoàng nhận lệnh tấn công vào Edo (Tokyo ngày nay), ông nhận được tin phía Mạc Phủ tuyên bố sẽ đốt toàn bộ thành Edo nếu như quân của Saigo tiến vào. Nhà cửa ở Edo chủ yếu bằng gỗ, nếu đốt chắc chắn thương vong sẽ rất lớn. Điều đó khiến Saigo Takamori suy nghĩ. Trong thời điểm đó một kiếm sĩ của phái thiền trong quân đội Mạc Phủ tình nguyện xin đến gặp Saigo Takamori thương lượng. Hai người đã gặp nhau ở ngoại thành Edo. Trong buổi gặp mặt người kiếm sĩ này đã nói với Saigo: “Người Mạc phủ hay người của thiên hoàng đều là người Nhật cả. Việc giết hại lẫn nhau không giải quyết điều gì”. Cuối cùng Saigo đồng ý đảm bảo cho quân vào thành với kiếm để trong vỏ và không nổ súng đổi lại bên Mạc phủ sẽ mở cửa thành. Nhật Bản tránh được một cuộc đổ máu huynh đệ tương tàn ở giờ chót khi chế độ Mạc phủ hấp hối.

Cũng chính Saigo khi dẫn quân vào thu phục phiên Sonan – phiên chống đối quân triều đình dữ dội nhất đã lệnh cho toàn bộ quân sĩ bỏ lại vũ khí ở ngoài thành trong khi quân Mạc phủ ở trong thành còn vũ khí. Việc lấy thành và thu phục phiên diễn ra êm thấm không có đổ máu. Là võ sĩ lại là tổng tư lệnh có trí tuệ, Saigo hiểu để đến được Sonan và bức hàng quân Mạc phủ, quân đội thiên hoàng đã phải khổ sở và hi sinh nhiều, nếu để tướng lĩnh và binh lính dưới quyền cầm vũ khí vào thành rất dễ xảy ra giết người trả thù vô cớ vượt ngoài tầm kiểm soát vì nạn kiêu binh.

Trong lịch sử Nhật Bản có rất nhiều cao thủ về võ thuật và binh pháp, nhưng ba người trên được nhiều người kính trọng nhất dù họ thuộc phe phái nào. Những ông chủ Nhật thời hiện đại như Yamashita Konosuke (sáng lập Panasonic), Inamori Kazuo (sáng lập Kyocera, KDDI)… đặc biệt ngưỡng một ba nhân vật này.

Thú vị nữa là cả ba đều là người thích văn chương, nghệ thuật và khá… lãng mạn, sống coi khinh giàu sang vật chất.

Saigo Takamori thậm chí còn là một người nghiên cứu rất sâu Vương Dương Minh và làm thơ. Ngoài những bài thơ biểu thị chí lớn như:

Ta có ngàn sợi tóc
Đen hơn mực
Ta có một trái tim
Trắng hơn mây
Cho dẫu tóc có thể cắt
Trái tim không thể nào cắt được.

Hay:

Đường chỉ có một “đúng hay sai”
Trái tim thường như sắt thép
Nghèo khó tạo ra vĩ nhân
Công lao sinh ra trong khổ nạn

Ông còn viết cả những bài nghe rất trữ tình. Chẳng hạn:

Đất cao
Núi sâu
Đêm yên tĩnh
Không nghe thấy tiếng người
Chỉ nhìn chằm chằm vào chốn thinh không.

Có lẽ, trong thâm tâm, là người có học vấn họ hiểu muốn khắc chế căn tính bạo lực trong người mình không gì hơn văn chương và nghệ thuật.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: