Trong lịch sử kiến trúc và y khoa Việt Nam, một trong những bệnh viện mà tôi ấn tượng nhất là bệnh viện Vì Dân (bệnh viện Thống Nhất).

Năm 1971, bà Nguyễn Thị Mai Anh, với cương vị là đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng Hòa, cảm nhận được sự thiếu thốn các cơ sở điều trị y tế, cảm nhận được khốn khó của người nghèo Sài Gòn; bà đã thành lập một bệnh viện tư miễn phí phục vụ cho người nghèo. Bà đặt tên bệnh viện là “Vì Dân” để nhấn mạnh mục tiêu khám chữa bệnh của bệnh viện. Tuy là bệnh viện tư, có trên 400 giường với trang thiết bị hiện đại nhất vào lúc đó, nhưng bệnh viện Vì Dân hoạt động như một bệnh viện công khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho người nghèo. Sau năm 1975, bệnh viện Vì Dân đổi tên thành bệnh viện Thống Nhất là nơi chữa bệnh chủ yếu cho quan chức chính quyền Việt Nam.

Bệnh viện Vì Dân do kiến trúc sư Trần Đình Quyền thiết kế. Điểm thú vị là kiến trúc sư Trần Đình Quyền trước khi học kiến trúc lại là sinh viên y khoa Sài Gòn. Học Y khoa đến đầu năm 2, ông bỏ học vì không thích mổ xẻ. Sau đó ông thi lại ngành vào ngành kiến trúc, tốt nghiệp từ trường kiến trúc Sài Gòn. Năm 1960, ông được học bổng UNICEF và bộ y tế Việt Nam Cộng Hòa cho đi tham quan các bệnh viện tại Mỹ. Trong lúc tham quan bệnh viện Mỹ, ông bị gãy chân, được đưa vào phòng cấp cứu bệnh viện tại Mỹ để chữa trị. Do là bệnh nhân, được phẫu thuật, và trải qua bao nhiêu phòng ban tại Mỹ, ông nhanh chóng nhận ra thiết kế bệnh viện Mỹ phức tạp nhưng hiệu quả. Sau khi lành chân, ông được cấp học bổng học thiết kế bệnh viện tại trường đại học kiến trúc danh tiếng Columbia New York.

Về nước, ông được bà Mai Anh đặt thiết kế bệnh viện Vì Dân với phong cách hiện đại của bệnh viện Mỹ. Lúc bấy giờ, các bệnh viện tại Việt Nam phần lớn thiết kế theo kiểu Pháp với kiến trúc phân tán các khối như bệnh viện Nhi Đồng 2. Trái với phong cách thiết kế này, kiến trúc sư Trần Đình Quyền áp dụng các nguyên lý thiết kế bệnh viện tại Mỹ, thiết kế các khối chữa bệnh tập trung gần nhau, kết nối bác sĩ, y tá, và bệnh nhân bằng các hành lang, thang máy, với mục tiêu bác sĩ di chuyển càng ít thì bệnh nhân được chăm sóc hiệu quả hơn.

Vấn đề là các bệnh viện Mỹ dùng máy lạnh và hệ thống thổi gió để thông gió kiểm soát nhiễm khuẩn trong khối nhà tập trung. Nếu áp dụng cách này vào bệnh viện Vì Dân thì sẽ tốn quá nhiều tiền điện và kỹ thuật. Thay vào đó, kiến trúc sư Trần Đình Quyền dùng các khối không gian lớn hứng gió, thiết kế các bông gió, tạo thông thoáng và nắng tự nhiên để xử lý vấn đề thông gió cho bệnh viện Vì Dân.

Cách đây vài hôm, bà Mai Anh vừa từ trần tại California.

Tôi viết vài dòng, vẽ vài nét kí họa để cảm mến tấm lòng của vị đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng Hòa cũng như tôn chỉ “Vì Dân” khám chữa bệnh của bà khi lập bệnh viện.

Bệnh viện Vì Dân
(Tranh: Dr. Wynn Tran)

Trần Huỳnh

(Bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và nội tổng quát tại phòng khám Wynn Medical Center và Bệnh viện ĐH Y khoa Keck, ĐH Nam California (Mỹ)

Đăng theo Facebook Dr. Wynn Tran. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video: