Có lần về quê, thấy mẹ xách túi thịt đi đâu đó. Tôi hỏi, mẹ nói mẹ đem ra trường học cho thầy…

Gần nhà tôi có một ngôi trường tiểu học, không biết xây từ năm nào. Chỉ biết khi nhà tôi chuyển về đó thì nó đã có và cũ kỹ. Tôi học ở đó từ năm lớp ba. Giờ nó đã xuống cấp trầm trọng, học sinh không còn học ở đó nữa. Nó bị bỏ hoang trong tình trạng có thể sập bất cứ lúc nào. Có mấy đôi vợ chồng thầy, cô giáo trẻ, dạy tiểu học ở trường mới gần đó, được cho ở tạm trong mấy căn phòng học cũ nát trong ngôi trường cũ này.

Tôi không nhớ tên các thầy cô. Nhưng họ nghèo lắm. Giáo viên ở quê không có dạy thêm nhiều. Mà cái chất hịch hạc chất phát, lành như cục đất của người dân quê đó thì có dạy thêm cũng đâu có lấy bao nhiêu tiền. Nó không đủ để cho thầy cô bồi dưỡng sức khỏe sau đó. Tính toán gì đâu. Lương họ không đủ sống nếu phải nuôi một cô vợ đẻ, không có lương để hưởng. Cái ăn cái mặc cần kiệm. Cái xe đi lại tuềnh toàng. Họ cắm mặt cắm mũi quay cuồng trong cái vòng tồn tại.

Mẹ tôi thương yêu họ, bà thỉnh thoảng lại mua cho họ nửa ký thịt hay bịch đường, vài ký gạo. Người dân xung quanh cũng thỉnh thoảng cho tặng họ chút quà, như một lời cảm ơn họ đã dạy con cháu mình, như một chia sẻ của người với người.

Vừa rồi, xảy ra vụ việc thầy giáo Nguyễn Văn Thanh trường THCS Nguyễn Huân bị tố cáo bán khẩu trang y tế không đúng giá quy định và bị nhà trường xử lý, có cả quản lý thị trường vào cuộc điều tra, quyết định hình thức kỷ luật kiểm điểm.

Có bạn tranh luận, đặt vấn đề đạo đức của người thầy khi cho rằng không cần biết thầy lời 400đ một cái khẩu trang hay kể cả là bán lỗ thì thầy mà bán cho trò là không được. Thầy bị phán xét, đánh giá về tư cách người thầy và đạo đức.

Câu chuyện này làm tôi mất ngủ và nghĩ mãi về những thầy cô giáo trẻ, sống ở ngôi trường cũ mục và về cái nghèo của họ. Những người thầy cô nghèo đó có muốn tặng cho học trò cái khẩu trang không? Tôi chắc chắn có. Nhưng mà họ nghèo quá. Cho một đứa hai đứa trong một hai ngày thì có khả năng. Nhiều đứa mà lỡ nhiều ngày thì lấy đâu ra? Tôi nghĩ thầy Thanh cũng là một giáo viên bình thường, với cuộc sống bình thường, cần kiệm, như nhiều giáo viên quê khác, nên cách nghĩ của thầy nó đơn giản là học sinh không có dùng, thầy có thì chia lại cho các trò dùng. Không có tiền 200đ để thối mỗi đứa 400đ thì thầy lấy 3.000đ. Nó đơn giản như thầy, như cục đất quê, nghĩ sao làm vậy.

Cái đạo đức của những thầy cô quê nghèo hiền lành bị soi rọi chỉ vì lỡ nghèo, lỡ sống tử tế, lỡ cố gắng sẻ chia trong khả năng có thể và nghĩ rằng nó chẳng có gì sai. Bản thân việc đó không có gì sai. Phẩm giá con người của họ bị chà đạp, danh dự nhà giáo bị xúc phạm chỉ vì họ lỡ nghèo không thể tặng cho học trò cái khẩu trang mà lại bán. Mua 2.600đ bán với giá 3.000đ. Cô đơn, hết hồn, kinh hãi, khi mình bị đấu tố và kiểm điểm, cả con gái cũng bị lôi ra vì lỡ dám “lời” 400đ/cái khẩu trang.

Những người xử lý thầy và chê trách đạo đức của thầy nhân danh loại đạo đức nguyên tắc, lý tính, cứng nhắc nào? Không có thứ đạo đức nào như thế cả. Hãy nhớ chiêm nghiệm mà xem. Nếu đứng trên góc nhìn lý tính thì cũng không thể nói hành vi đó sai khi nó không sai.

Người quê họ nghĩ sao sống vậy. Người thật thà đâu có bao giờ ngờ vực, đề phòng, tính toán cân nhắc trước sau, thiệt hại. Họ còn giữ được bản tính thuần hậu vậy là điều thiện và may mắn hiếm hoi sót lại cho dân tộc đang đầy dối trá này đó. Đem cái thật thà của một người ra đấu tố và kiểm điểm, phán xét, đánh giá đạo đức thì dựa trên quy chuẩn đạo đức nào?

Khi sự tử tế, hiền lành, thật thà không được bảo vệ thì nó sẽ chết tức tưởi trong đau đớn… Hãy bảo vệ điều ấy.

Nguyễn Thị Bích Ngà
2/3/2020

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.