Thư pháp sợ nhất là “tục”. Thế nào là tục? Thông thường “tục” xuất hiện dưới 3 hình thức: một là quá quen thuộc, hai là cứng nhắc, ba là tuỳ tiện. Quá quen thuộc là cách thức và kỹ thuật lặp lại liên tục. Cứng nhắc là không có chút biến đổi nào. Tuỳ tiện là dụng bút không tiết chế, chỉ là tuỳ ý viết ra chữ mà thôi, đây là cái “tục” thường được nhắc đến nhất.

Vì sao có người viết chữ lại không tiết chế? Rất nhiều người coi kiểu thư pháp này là “phong cách phóng khoáng”, là “khác người”, là một “sự sáng tạo”. Người ta dùng đủ các chiêu thuật để viết chữ như ngậm bút, kẹp chân, hai tay viết đồng thời, viết chữ bằng mũi, viết ngược, khi viết chữ thì cơ thể lăn lộn, hay giấy treo lơ lửng… Đây đều là những chiêu thức giang hồ, thô tục. Người viết chữ tục phần lớn không cảm thấy rằng mình “tục”, chỉ người ngoài mới mơ hồ cảm giác thấy là vậy.

Làm thế nào mới có thể không tục? Đọc sách nhiều, tìm hiểu kinh điển, không làm điều khác người, không thuận theo thế tục, không khoa trương. Bởi lẽ chữ viết không thể tục, hễ tục thì chẳng có thuốc chữa.

Cũng có người coi thư pháp là tài nghệ, là một thú vui tiêu khiển. Điều này đương nhiên không sai. Xét từ tiêu chuẩn căn bản nhất, hứng thú và trò tiêu khiển thông thường chỉ dùng giải khuây những khi nhàn rỗi mà thôi, nên khi bận rộn con người sẽ gác lại, mà không tiếp tục nỗ lực rèn luyện. Lâu dần kỹ năng sẽ rơi rớt hoặc rất khó có thể phát triển lên một nấc cao hơn.

Nếu thư pháp quả thực rất quan trọng, vậy thì người học cần sắp xếp thật tốt thời gian trong cuộc sống của mình, để có thể học tập và rèn luyện hàng ngày một cách bền bỉ.

Người học thư pháp thời xưa thường coi thư pháp như một mục tiêu để tu tâm dưỡng tính. Do đó có những người chủ trương học thư pháp phải coi nhẹ lợi danh, như vậy mới có thể viết được những bức thư pháp tuyệt đẹp.

Học thư pháp có lợi cho sự trưởng thành của trẻ
(Ảnh minh họa: Shutterpix, Shutterstock)

Cũng có loại người muốn học thư pháp theo kiểu môn phái, đi khắp nơi tìm hiểu, với hy vọng có thể tập hợp được bí quyết, tích luỹ cho bản thân. Đáng buồn là đôi khi những người này ngay cả phương pháp viết nét chữ cơ bản cũng không biết.

Bí quyết luyện thư pháp cũng giống với võ công, không có đường tắt, cần luỵện theo từng trình độ. Nền tảng chưa đạt, thì dẫu có luyện kỹ thuật cao cấp, chiêu thuật cao siêu, cũng chỉ là múa may cho đẹp mắt mà thôi.

Kỳ thực bí quyết viết thư pháp không nằm ở bản thân bí kíp đó như thế nào, mà nằm ở việc con người có thực sự hiểu được năng lực và tâm thái của mình hay không. Nếu chỉ có phương pháp, mà không chứa đựng nội hàm tinh thần gì trong đó, thì cũng chỉ là mơ tưởng hão huyền mà thôi. Dẫu thoạt nhìn bạn viết rất phóng khoáng nhưng trong mắt các chuyên gia lại chỉ là vài nét nguệch ngoạc.

Cao thủ tuyệt đỉnh hễ đứng đó, không cần xuất thủ, phẩm đức cao thượng, khí thế ngất trời, tự chúng ta thấy họ như non cao biển rộng, dạt dào, chan chứa.

Cùng là một nét ngang, vì sao các nhà thư pháp chỉ tuỳ ý phẩy tay một cái là xong, chữ mạnh mẽ mà vẫn thanh tao, thoát tục, nhưng học sinh thì dẫu cố gắng hết sức nét bút vẫn yếu nhược vô hồn? Đây không phải chuyện đùa. Giới thư pháp biết rằng hàng trăm năm qua, có biết bao nhà thư pháp kiệt xuất dốc hết tâm sức khám phá bí quyết của Vương Hy Chi, nhưng một nét ngang đơn giản, mà chẳng đơn giản chút nào. Một nét ngang đơn giản được Vệ phu nhân của sư phụ Vương Hy Chi hình dung là khởi đầu của “Thiên lý trận vân”, như đám mây dàn trận ngàn dặm. Chính là như vậy.

Viết thư pháp đẹp có bí quyết gì không? Đương nhiên là có. Học một cách thiết thực, nắm vững từng bước chính là bí quyết.

Con trai của “Thư Thánh” Vương Hy Chi là Vương Hiến Chi. Từ nhỏ ông đã trưởng thành trong vầng hào quang của cha, nên rất nóng vội muốn mau chóng lập được danh tiếng. Đến năm 45 tuổi, thư pháp của ông có thể tạm coi là xuất chúng, nhưng vẫn còn kém xa so với phụ thân.

Vương Hiến Chi bèn chủ động tìm tới cha hỏi: “Làm thế nào mới có thể viết chữ đẹp được ạ?” Phụ thân dẫn ông tới hậu viện, chỉ vào 18 chum nước lớn xếp thẳng hàng, nói: “Hãy dùng nước này mài mực viết chữ, đợi đến khi nào con dùng cạn chỗ nước trong chum, thì tự nhiên chữ sẽ luyện thành.” Vương Hiến Chi nghe lời dạy bảo của cha, từ đó không còn nóng vội nữa, tĩnh tâm nghiên cứu thư pháp. Cuối cùng ông được tôn xưng là “Á Thánh”, trở thành người đầu tiên đứng sau “Thư Thánh” Vương Hy Chi.

Người xưa có câu: “Nhất môn thâm nhập, y giáo nhi hành”. Việc học phải nắm vững một môn, dạy sao làm vậy, đến khi thật sự nắm vững một môn, trở thành tầm cỡ người thầy, thậm chí vượt qua trình độ đó, mới cần tiếp tục mở rộng tri thức.

Muốn viết thư pháp đẹp, không nằm ở chỗ học được bao nhiêu kỹ thuật cao minh, bao nhiêu bí quyết thất truyền, mà là có nắm vững nét bút và bút pháp cơ bản cần có hay không, để mỗi lần hạ bút đều có thể viết chính xác, đều mang sự tinh thâm của một nhà thư pháp.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: