Bộ bài Tây được phổ biến trên khắp thế giới ngày nay, thường được người Việt gọi là “bài Tây” vì du nhập từ phương Tây, đồng thời cũng là để phân biệt với các loại bài khác như tam cúc, tứ sắc, tổ tôm… Mặc dầu chúng ta gọi nó là “bài Tây” nhưng nguồn gốc của bộ bài này lại tới từ phương Đông. Ngoài ra cũng có nhiều điểm thú vị liên quan tới bộ bài này.

Nguồn gốc phương Đông của bộ bài Tây

Thật ra, nguồn gốc của trò chơi bài xuất phát từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ IX thời nhà Đường. Một cuốn sách thời Đường có mô tả công chúa con gái Hoàng đế Đường Ý Tông chơi “bài lá” cùng gia đình nhà chồng vào năm 868. Thời nhà Tống, học giả Âu Dương Tu cho rằng bài lá đã có từ giữa thời nhà Đường.

Bộ bài Tây mang trong mình văn hóa phương Đông
Lá bài ở Trung Quốc vào thời nhà Minh, khoảng năm 1400, được lưu giữ tại bảo tàng Volkerkunde ở Berlin, Đức. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Theo cuốn “Khoa học và văn minh Trung Quốc” (Science and Civilization in China) quyển 5, trò chơi bài lan sang cả vùng châu Á, rồi đến Ai Cập vào thế kỷ thứ 11. Từ Ai Cập, thú chơi bài lan sang các quốc gia châu Âu trong thế kỷ 13 và 14.

Sự kết hợp thú vị của những con số

Một vài sự kết hợp thú vị của những con số có thể kể tới trong bộ bài Tây phổ biến hiện nay là:

  • Bộ bài có 4 chất là cơ, rô, chuồn, bích tượng trưng cho 4 mùa xuân hạ thu đông.
  • Mỗi chất có 13 lá từ A đến K chính là số tuần trong một mùa.
  • 4 chất có 52 lá bài tượng trưng cho 52 tuần trong một năm.
  • Nếu xem A là 1, J là 11, Q là 12, K là 13 thì tổng 52 lá bài là 364, nếu thêm phăng teo vào là 365 tương ứng với số ngày trong một năm.
  • Thông thường một bộ bài có 2 lá phăng teo, như vậy nếu cộng thêm 2 lá phăng teo vào là 366 tương ứng với số ngày trong năm nhuận.
  • Bộ bài có 2 màu đại diện cho ngày và đêm.

Phát triển mạnh ở châu Âu

Người ta ghi nhận rằng người châu Âu chơi bài phổ biến từ thế kỷ 14. Các mẫu lá bài và cách chơi thay đổi theo từng quốc gia, thậm chí bài còn được dùng vào việc bói toán. Cách chơi cơ bản cũng có thay đổi, nếu trước đây lá bài A là thấp nhất và K là lớn nhất thì khi sang châu Âu lá bài A lại được xem là lớn nhất, cũng có nơi lá bài 2 được xem là lớn nhất.

Bộ bài Tây mang trong mình văn hóa phương Đông
Các lá bài vào thế kỷ 16. (Ảnh: Countakeshi/Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Người châu Âu cũng đưa thêm cả văn hóa lịch sử của mình vào bộ bài thông qua các lá bài K (king – vua), Q (queen – hoàng hậu) và J là hoàng tử.

Ý nghĩa các lá bài J, Q, K mang theo văn hóa lịch sử châu Âu

Lá bài K cơ là hình tượng vua Charlemagne Charles (742-814) của La Mã. Trong 50 năm ở ngôi, ông Vua này làm bá chủ đến một nửa lãnh thổ châu Âu, thời ông tại vị cũng là thời điểm mà La Mã đạt cực thịnh.

Là bài K rô là hình tượng của vị tướng tài ba của La Mã cổ đại Gaius Julius Caesar (100-44 trước công nguyên), là người đóng vai trò then chốt giúp La Mã trở thành đế chế hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Lá bài K chuồn là hình tượng của Alexandros Đại Đế (356-323 trước công nguyên), Hoàng Đế Macedonia. Ông đã giúp Hy Lạp đánh bại Đế Quốc hùng mạnh nhất thời ấy là Ba Tư, chinh phục hơn 5 triệu km2, biến Hy Lạp trở thành trở thành Đế Chế hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Lá bài K bích là hình tượng của vua David của vương quốc Israel thống nhất. Ông nổi tiếng bởi khả năng đàn hát thơ ca của mình.

Lá bài Q cơ là hình tượng của Nữ hoàng Judith, bà là Hoàng Hậu của Đế Quốc La Mã (từ năm 1114 đến 1125), năm 1141 thì lên ngôi Nữ Chúa của Anh.

Lá bài Q rô là hình tượng của hoàng hậu Rachel, nhân vật nổi tiếng của người Do Thái bởi lòng bao dung và đức độ.

Lá bài Q chuồn là hình tượng của hoàng hậu Argine, người có công lớn trong việc lập lại hòa bình giữa gia tộc Lancaster với gia tộc York trong cuộc chiến mang tên hoa hồng nổi tiếng. Gia tộc Lancaster lấy hồng đỏ làm biểu tượng và gia tộc York chọn hồng trắng làm biểu tượng. Nhờ có hoàng hậu Argin mà sau nhiều năm chinh chiến hai phe đã hòa hoãn với nhau. Từ đó mà biểu tượng của cả vương triều là bông hoa hồng màu vàng trên tay của hoàng hậu Argine. Và trên lá bài Q chuồn cũng có hình tượng Hoàng hậu cầm bông hoa hồng màu vàng. Tuy nhiên ngày nay trên các lá bài Q đều có phổ biến hình tượng Hoàng hậu cầm bông hồng vàng.

Bộ bài Tây mang trong mình văn hóa phương Đông
(Ảnh: Шарлемань, Адольф Иосифович, Wikipedia, Public Domain)

Lá bài Q bích là hình tượng của Nữ hoàng Eleanor được hai lần phong làm hoàng hậu tại 2 quốc gia hùng mạnh là Pháp và Anh ở thế kỷ 12. Thế nhưng cả 2 lần bà đều rời bỏ người đàn ông trên đỉnh cao quyền lực của mình để theo đuổi cái bà cho là đúng.

Lá bài J cơ là hình tượng hiệp sĩ La Hire, là trợ thủ của vua Charles VII. Sau này ông là cánh tay phải của thánh nữ Jeanne d’Arc nổi tiếng.

Lá bài J rô là hoàng tử Hector của thành Troia (Tờ-Roa), trong cuộc chiến giữa quân Hy Lạp và thành Tờ-Roa, hoàng tử Hector đã tử trận trong cuộc chiến với Achilles.

Lá bài J chuồn là hình tượng của hiệp sĩ Lancelot, đây là một hiệp sĩ trong “hội bàn tròn” tập hợp 18 người phò tá vua Arthur.

Lá bài J bích là hình tượng của tướng Albrecht von Wallenstein (1583 – 1634), phục vụ cho vua La Mã Ferdinand II.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: