Trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có rất nhiều loại hộp hình trụ có nắp và ngăn giữa, bằng chất liệu vàng, bạc và ngọc. Trên nắp hộp và xung quanh thành ngoài thường thấy chạm trổ rồng, phượng và mây. Những chiếc hộp này thường có hình dáng và hoa văn giống nhau nhưng kích thước khác nhau. Vậy công dụng của chúng là gì?

Nghiên cứu những bộ hộp đựng trầu cau trong lễ cưới hỏi bằng sứ hoa lam đặt làm tại Trung Quốc, vẽ theo tích Mạnh Hạo Nhiên cưỡi lừa đạp tuyết tầm mai, một điển tích từng thấy xuất hiện khá nhiều trên đồ sứ xuất khẩu đời Ung Chính (1723- 1735); chúng ta cũng thấy bộ hộp gốm sứ này gồm hai cỡ, vẽ trang trí giống như nhau. Phải chăng bộ đồ trầu bằng sứ hoa lam này gợi ý về công dụng của những bộ đồ ăn trầu bằng chất liệu vàng, bạc và ngọc của cung đình Huế. Những bộ đồ trầu bằng vàng và bạc, xin trình bày vào dịp khác, bài này chỉ nói về bộ đồ ăn trầu trang trí phượng được chế tác bằng ngọc kết hợp với vàng và đồi mồi.

Bộ đồ ăn trầu bằng ngọc trong hoàng cung triều Nguyễn
(Ảnh: Tạp Chí Cổ Vật)

Bộ đồ ăn trầu trang trí phượng này có thể xem là một nhóm cổ ngọc hết sức đặc sắc. Theo nguồn gốc lưu trữ ghi trong hồ sơ, bộ đồ trầu gồm có một khay, một ống nhổ và hai chiếc hộp. Tất cả đều được chế bằng loại ngọc trắng xanh và ngọc xanh celadon có kết hợp với vàng và đồi mồi.

Khay trầu có hình vuông, cạnh 24,8 x 24,8 cm; cao 6,5 cm. Khay có bốn mặt chạm khắc giống nhau, thành bên trong lót đồi mồi, thành ngoài chạm khắc hai chim phượng chầu mặt nguyệt, xung quanh diềm hoa chanh, ba hình con dơi và hoa lá. Gờ miệng khay bịt vàng. Bốn góc chạm hình phượng đứng bằng vàng, cẩn hạt đá saphie. Đáy khay bằng gỗ mun.

Bộ đồ ăn trầu bằng ngọc trong hoàng cung triều Nguyễn
(Ảnh: Tạp Chí Cổ Vật)

Chiếc ống nhổ tạo tác như chiếc bình miệng loe cổ cao, thân hình cầu, chân đế thấp, viền miệng bịt vàng. Chiều cao 10,7cm; đường kính miệng 11,3 cm. Mặt trong miệng và xung quanh thân chạm nổi 8 hình chim phượng trong ô hình bầu dục, viền quanh còn có băng lông công, vòng tròn nhỏ và hai băng văn như y (còn gọi là văn cẩm vân).

Bộ đồ ăn trầu bằng ngọc trong hoàng cung triều Nguyễn
(Ảnh: Tạp Chí Cổ Vật)

Hai chiếc hộp đựng trầu cau, tạo hình trụ có nắp và một ngăn giữa. Kích thước hai chiếc hộp khác nhau, một to và một nhỏ, nhưng có trang trí tương tự nhau. Chiếc to có chiều cao 9,6 cm, đường kính miệng 8,6 cm; chiếc nhỏ có chiều cao 7,7cm, đường kính miệng 7,1 cm. Mặt nắp hộp dẹt chạm hai hình phượng và mây. Riêng nắp hộp to có núm hình nụ hoa bằng vàng gắn hạt saphie ở giữa. Xung quanh nắp khắc bầu rượu, xênh và khánh ngọc theo đề tài bát bảo của Đạo Lão. Xung quanh thành ngoài hộp chạm ba hình chim phượng bay và mây xen kẽ ba cành hoa lá cúc.

Bộ đồ ăn trầu bằng ngọc trong hoàng cung triều Nguyễn
(Ảnh: Tạp Chí Cổ Vật)

Nếu giả thiết rằng, trang trí hình chim phượng thuộc về Hoàng hậu thì chắc hẳn là bộ đồ ăn trầu hiếm quý này đã được dùng trong cung phủ của các bà Hoàng cung triều Nguyễn.

Nguyễn Đình Chiến
Đăng lại từ bài viết cùng tên trên Tạp Chí Cổ Vật (tapchicovat.vn)

Xem thêm:

Mời xem video: