Trong cuộc sống tám phần không như ý, hãy ghi nhớ rằng làm bất cứ việc gì phải giữ được một tâm thái tích cực. Phải học được cách điều chỉnh tâm thái, bởi có một tâm thái làm việc tốt đẹp thì sẽ có phương hướng. Con người chỉ cần không đánh mất phương hướng thì sẽ không đánh mất chính mình. Dưới đây là bốn câu nói cô đọng tâm thái cần có của đời người.

Bốn câu cô đọng tâm thái cần có của đời người
(Ảnh: My Good Images, Shutterstock)

Gia hòa vạn niềm vui

Bôn tẩu suốt nửa đời người, chỉ có người thân là luôn kề cận. Dần dần chúng ta sẽ phát hiện ra rằng gia đình mới là nơi ấm áp và thực tại nhất. Trong một gia đình, điều gì quan trọng nhất?

“Cao ốc ngàn gian, đêm nằm cũng không quá hai mét; ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”. Người ta thường khi tuổi già tới mới hiểu rằng bản thân chỉ mong mọi người trong gia đình được bình an, hạnh phúc. Những khi ốm đau bệnh tật, nửa đêm trái gió trở trời có người săn sóc, hỏi han, những khi năm hết tết đến con cháu sum vầy bên mâm cơm, chung vui ngày đoàn viên, vậy là đủ.

Kỳ thực một ly nước, một bữa cơm không có gì đáng giá, điều vô giá chính là tình cảm ấm áp trong gia đình. Dẫu thân ở đâu, tâm vẫn hướng về tổ ấm. Có người nói rằng, đi khắp thiên hạ không tìm được điều mong muốn, đến khi về nhà mới phát hiện ra. Quả thực như vậy, đời người quẩn quanh, cuối cùng mới phát hiện ra rằng, sơn hào hải vị chẳng bằng cơm canh đạm bạc trong nhà, ly rượu nồng chén tạc chén thù chốn xa hoa chẳng bằng tách trà thanh dưới mái nhà ấm cúng.

Gia đình như hơi thở ấm áp, mang tới cho chúng ta cảm giác bình yên. Về nhà trao một cái ôm, bước ra khỏi cửa nở một nụ cười, mới là niềm hạnh phúc trong tâm.

Đời người vốn như khách trọ chốn trần gian, gia đình hòa thuận, cuộc sống an yên đã là quá đủ. Trên hành trình nhân sinh, mong bạn có một mái ấm để trở về, có những người yêu thương để ngóng đợi.

Ép buộc chi bằng hòa ái

“Thiện đãi người, người lại thiện đãi ta”, dẫu gặp phải những người khó ứng phó, những việc khó giải quyết, sự hòa ái vẫn thường có sức hút kỳ lạ của nó.

Khi con người còn trẻ, cần ý thức được tính cách kiêu ngạo tự phụ của mình, bởi nó là điều ngăn trở mình kết bạn với người khác. Nếu biết chú ý sửa đổi, đãi người hòa ái và thiện tâm hơn, thì thuận theo năm tháng qua đi, tuổi tác tăng lên, tính khiên cưỡng của mình sẽ dần dần thay đổi, trở nên hòa ái, thân thiện hơn.

Mỗi người đều có lối sống và cách nghĩ của mình, chớ mong thay đổi cuộc sống của người khác. Hãy chấp nhận những quan niệm bất đồng, tôn trọng sự lựa chọn khác biệt. Gượng ép chỉ có thể trị ngọn, hòa ái mới có thể giải quyết vấn đề từ căn bản.

Vui vẻ khi đối đãi với mọi người, lịch thiệp với bạn bè, khoan dung với sai sót của người dưới, cuộc sống không phải cuộc đua, mọi việc đâu nhất thiết phải tranh đúng sai, hơn thua, được mất. Đãi người hòa ái, tâm thái bình hòa mới biết vuông tròn, biết tiến biết thoái.

Người mềm mỏng bao dung thì dễ được yêu mến và trọng vọng.

Biết đủ thường vui

Khi còn trẻ, chúng ta thường vô tình rơi vào bẫy tư duy như sau: Khi lương tháng 10 triệu ta lại ngưỡng mộ người lương tháng 20 triệu, khi lương tháng 20 triệu lại ngưỡng mộ người lương tháng 30 triệu. Đa phần thời gian của chúng ta bận rộn chỉ vì ngưỡng mộ người khác. Đãi ngộ, bạn đời, con cái, gia đình của người khác dường như mới là tốt nhất, ưu việt nhất, dường như chỉ có bản thân mình hồ đồ, chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng.

Trong khi ngưỡng mộ người khác, chúng ta lại thường oán trời trách người, than phiền buồn bực. Tranh đấu ngược xuôi vì so sánh cao thấp, hơn thua khiến cuộc sống của chính mình trở nên ngột ngạt.

Nhưng chúng ta lại không phát hiện ra rằng, trong tâm tràn đầy bất mãn, sao có thể cảm nhận được niềm vui? Trong mắt chỉ nghĩ tới những điều không thuộc về mình, nhưng lại không biết trân quý những gì đang có, đến khi mất đi mới thở dài tiếc nuối. Lòng tham như hố đen nuốt chửng mọi thứ, trong đó có cả niềm vui và hạnh phúc.

Sống quá nửa đời người, nếm đủ những cay đắng ngọt bùi, hỷ nộ ai lạc, mới chợt giật mình nhận ra: Tay có ngón dài, ngón ngắn; cây có cành thấp, cành cao; mỗi người đều có hạnh phúc thuộc về riêng mình. Đừng ngưỡng mộ, chớ so sánh, hãy phát hiện những điều tốt đẹp trước mắt và hưởng thụ niềm hạnh phúc trong thực tại. Tâm linh được thỏa mãn mới là niềm vui lớn nhất, tri túc ắt thường lạc.

Tinh anh chi bằng hậu đạo

Lão Tử nói: “Đại trí nhược ngu, đại xảo nhược chuyết”, ý rằng “Kẻ tài trí như ngu dốt, người khéo léo tựa vụng về.” Trong đạo xử thế, tinh anh chẳng bằng hậu đạo, người thông minh không bằng kẻ nhân hậu. Làm người chẳng thể chỉ biết chăm chăm chiếm lợi, coi trọng lợi ích của bản thân.

Người lương thiện, coi nhẹ danh lợi, không vì lợi riêng mà làm những việc trái với lương tâm. Người hậu đạo có thể kết thiện duyên, luôn được quý nhân phù trợ mà thành việc lớn.

Xưa kia có biết bao vị quan thanh liêm, thường “giả ngốc” mà lấy tiền tài, quyền thế của mình để trợ giúp triều đình, cứu tế dân chúng, khi việc công chậm trễ thì dùng tiền riêng mà bổ khuyết cho tròn.

Cổ ngữ có câu: “Tiểu thắng kháo trí, đại thắng kháo đức”, nghĩa là “Thắng nhỏ thì dựa vào trí, thắng lớn phải dựa vào đức.” Thường mang tâm khoan dung, nhân hậu đãi người, không so đo được mất nhất thời, biết nhường lợi cho người khác, mới có được tương lai tốt đẹp.

Đạo Đức Kinh cũng khuyên: “Đại trượng phu lập thân nơi thuần hậu, không ở nơi bạc bẽo, giữ tâm chất phác, không xảo trá”. Đó chính là tâm thái con người cần để đối diện với cuộc đời vậy.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: