Với rất nhiều người mà nói, gia đình được xem là nhân tố quan trọng nhất của cuộc đời. Nhưng không phải ai cũng biết giữ gìn hạnh phúc của tổ ấm. Dưới đây là bốn thói quen của các thành viên có thể mang lại hậu phúc cho người thân của mình.

Bốn thói quen dưỡng thành gia đình có hậu phúc
(Ảnh minh họa: Interstid, Shutterstock)

Nhẫn có thể dưỡng Phúc

Tục ngữ có câu: “Nhẫn một lúc trời yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.” Có thể nhẫn sẽ bớt chuyện thị phi, bớt chuyện thị phi sẽ có phúc.

Lão Tử có câu: “Đạo trời không tranh mà thành, không nói mà người hưởng ứng”. Khổng Tử cũng nói rằng: “Việc nhỏ không nhẫn được, ắt sẽ làm hỏng đại sự”. Ông cũng giảng: “Bậc quân tử không có điều gì cần phải tranh”, nếu tranh giành thì đã tụt xuống hàng tiện nhân rồi.

Trong phạm vi nhỏ hơn, gia đình là nơi coi trọng tình cảm, không phải nơi tranh lý, bởi lẽ “tu 10 năm mới được chung thuyền, tu trăm năm mới nên duyên vợ chồng”. Hễ lý lẽ rạch ròi thì tình cảm cũng mất. Có thể chung sống với nhau suốt đời không phải là chuyện dễ dàng, phải biết trân quý tình cảm của nhau, thì ngày tháng mới trường cửu. Huống hồ gia đình là bến đỗ của hai người, cần khoan dung cho nhau, nhẫn nhịn nhau, đó mới là bí quyết cho một gia đình hoà hợp, bền lâu.

Thiện có thể dưỡng Đức

Cổ nhân có câu: “Nhân hành hảo sự, mạc vấn tiền trình”, con người làm việc tốt, ắt sẽ có tiền đồ. “Chu Dịch” cũng nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”, nhà tích thiện, ắt dư dả.

Phong thuỷ tốt nhất của một gia đình chính là sự thiện lương. Khổng Tử từng giảng: “Muốn thành tựu bản thân trước tiên hãy thành tựu người khác, muốn bản thông thông đạt trước tiên hãy giúp người khác thông đạt”. Vậy nên muốn người thiện đãi mình, thì trước tiên cần thiện đãi người.

Một người nông dân nọ có một giống ngô rất tốt, thu hoạch hàng năm đều rất khá. Ông thường không tiếc những hạt giống này, mà khẳng khái tặng lại cho hàng xóm xung quanh. Người khác hỏi ông vì sao lại hào phóng như vậy? Ông đáp: “Ruộng của chúng tôi đều nằm kề nhau, nên khi thụ phấn sẽ bay sang thụ phấn cho nhau. Nếu chất lượng ngô của họ không tốt, cũng sẽ ảnh hưởng tới thu hoạch của tôi.” Người lương thiện chỉ phải chịu cái thiệt trước mắt, nhưng tương lai họ lại nhận được phúc báo sâu dày, thậm chí còn để đức lại cho con cháu.

Dưỡng dục con cái cũng giống như trồng cây vậy, rễ bền chặt cây lá mới tươi tốt, đạo đức lại là cái gốc của con người, người có đạo mới có tương lai.

Cần cù sinh phú quý

Người già thường nói: “Người chăm thì chẳng nghèo lâu, kẻ lười giàu chẳng mấy chốc”. “Cần cù bù thông minh”, số người thông minh tuyệt đỉnh bẩm sinh vô cùng ít ỏi, chỉ cần nỗ lực, không sợ bị người khác chê cười là ngốc nghếch, chậm chạp, mới có thể gặt hái thành công.

Ngày nay, trẻ nhỏ thường được cha mẹ cưng chiều quá mức như viên ngọc minh châu, để trong lòng bàn tay thì sợ vỡ, ngậm trong miệng lại sợ tan chảy mất. Dù giàu nghèo, sang hèn cha mẹ cũng không nỡ để con phải chịu khổ. Kết quả là khi lớn lên chúng trở thành những đứa trẻ lười nhác, ỷ lại, không buồn động chân, động tay mà chỉ thích “há miệng chờ sung”.

Tăng Quốc Phiên từng nói, muốn biết một gia đình thịnh suy thế nào chỉ cần nhìn xem con cháu họ có ngủ nướng không. Nếu trẻ không đủ nỗ lực, vậy thì gia tộc đó sớm muộn gì cũng suy bại. Cần cù và nỗ lực mới có thể gây dựng nhân cách độc lập cho trẻ. Dạy cho trẻ đạo làm người và kỹ năng sống mới là món quà vô giá mà cha mẹ gửi gắm cho con.

Thi thư tôi rèn khí chất

Sau một thời gian dài học tập gian khổ, nắm vững được một lượng lớn kiến thức, con người mới có được tầm nhìn độc đáo và kiến thức hơn người. Tô Đông Pha viết trong cuốn “Tam hoè đường minh” rằng: “Trung hậu truyền gia thì được bền lâu, Thi thư kế tục thì gia tộc trường cửu”.

Những đạo lý sâu sắc của các bậc tiên hiền còn lưu lại trong sách sẽ giúp chúng ta nhìn rõ những điều còn nghi hoặc trong cuộc sống. Những trang sách sẽ mở rộng tầm nhìn, khiến con người lĩnh ngộ ý vị sâu xa của cổ nhân, mà biết cách tu tâm dưỡng tính.

Cổ nhân có câu: “Ba ngày không đọc sách, nói chuyện vô vị, mặt mũi khó ưa.” Đối với một gia đình, không thói quen nào tốt hơn việc đọc sách. Đọc sách có thể thay đổi khí chất, mở rộng tầm nhìn, giúp nội tâm con người phong phú và khoáng đạt. Bụng chứa thi thư như hữu xạ tự nhiên hương. Một người chịu khó đọc sách, thì dẫu rơi vào hoàn cảnh nào họ cũng không bó tay.

Diêu Văn Điền thời Thanh có câu rằng: “Những gia tộc có thể hưng vượng, chẳng suy vong suốt mấy trăm năm là dựa vào việc hành thiện tích đức, chuyện hữu ích nhất trong thiên hạ, suy cho cùng vẫn là đọc sách.”

Muốn có mệnh phú quý chúng ta không cần dốc tiền của, đôn đáo ngược xuôi. Kỳ thực tu dưỡng bản thân mới là phong thuỷ tốt nhất.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: