Cổ nhân tin rằng trong vũ trụ này sự vận hành của vạn sự vạn vật đều thuận theo Đạo. To lớn như các thiên hà, hành tinh, nhỏ bé như các tế bào, nguyên tử, tất cả đều có quy luật vận hành của chúng. Con người cũng là như thế, cũng cần có Đạo. Con người thuận theo Đạo thì được ban phúc phận, an lành, nghịch với Đạo thì nguy hiểm, suy vong. Dưới đây là vài phẩm cách thuận theo Đạo được đúc rút từ những câu nói của cổ nhân.

Thuận theo tự nhiên: Mọi sự đến và đi đều là duyên phận
(Ảnh minh họa: OULAILAX NAKHONE, Shutterstock)

1. Cần cù

Thượng Thư giảng: “Thiên Đạo thù cần”, nghĩa là Đạo Trời ban thưởng cho người cần cù, chăm chỉ. Chu Dịch cũng viết: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, nghĩa là Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng. Siêng năng, cần cù là đức tính có thể chuyển biến được nhiều điều trong cuộc sống.

Tăng Quốc Phiên là một vị quan nổi tiếng triều Thanh, nhưng tư chất bẩm sinh của ông lại không cao. Có ghi chép về thời thiếu niên của ông như thế này. Một lần, Tăng Quốc Phiên ở nhà đọc sách. Có một tên trộm đã vào được nhà, chỉ chờ Tăng Quốc Phiên đi ngủ để lấy trộm mà thôi. Nhưng tên trộm đợi mãi mà Tăng Quốc Phiên vẫn không ngừng lật qua lật lại trang sách, đọc mãi vẫn không thuộc.

Cuối cùng tên trộm nóng ruột, nhảy ra và nói: “Đọc sách thế này thì đọc làm gì?” Tên trộm nói xong, lập tức đọc thuộc lòng một lượt trang sách, rồi nghênh ngang bỏ đi.

Nhưng sự việc ấy lại không khiến Tăng Quốc Phiên thoái chí nản lòng. Trái lại, ông vẫn siêng năng, chăm chỉ học hành. Cuối cùng nhờ chăm chỉ tu dưỡng, ông đã trở thành một vị danh nhân nổi tiếng trong lịch sử. Còn tên trộm kia thì vẫn chỉ là một tên trộm được nhắc đến khi kể về Tăng Quốc Phiên mà thôi.

2. Thiện lương

Chu Dịch giảng: “Địa thế Khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”, Đất là quẻ Khôn, người quân tử lấy đức dày mà nâng đỡ vạn vật. Ngụ ý của câu nói này là khuyên nhủ con người hai việc, một là tu dưỡng đức hạnh, hai là hành thiện tích đức. Hai điều này đều có thể mang đến “hậu đức” (đức dày), có đức dày thì mới có thể nhận được phúc phận tương ứng. Do đó đây chính là “Địa Đạo thù thiện”.

Từ khi còn là một cậu bé 5 tuổi, Phạm Trọng Yêm đã mang trong mình tấm lòng lương thiện muốn giúp dân, giúp nước. Khi được một thầy tướng số hỏi, cậu đã nói mơ ước sau này có thể trở thành thầy thuốc hoặc tể tướng. Nguyên nhân là vì thầy thuốc có thể trực tiếp bốc thuốc cứu mạng người, còn tể tướng lại có thể phò tá thiên tử chăm lo cho bách tính được bình yên. Ý nguyện của cậu làm ông thầy tướng số cảm động, nói cậu có “cái tâm của một vị tể tướng”. Quả nhiên sau này Phạm Trọng Yêm đã trở thành một vị tể tướng tài ba thời Bắc Tống.

Phạm Trọng Yêm cứu tế học trò, giảm nô dịch, xây dựng nghĩa điền, hành thiện ân trạch khắp thiên hạ. Mặc dù quyền cao chức trọng, bổng lộc lớn, nhưng Phạm Trọng Yêm không để lại tiền của cho con cái, mà toàn bộ dùng vào việc thiện. Ông đã gieo hạt giống lương thiện trong gia tộc, giúp con cháu hưng vượng suốt 800 năm, từ thời Tống mãi cho đến thời Mạt Thanh.

3. Tín nghĩa

Trong Luận Ngữ có ghi chép một đoạn Tử Cống hỏi Khổng Tử về chính sự. Trong ba thứ “Lương thực no đủ”, “binh lực đầy đủ” “sự tín nhiệm của dân”, Khổng Tử thà bỏ đi binh lực, lương thực, mà nhất quyết giữ lại sự tín nhiệm trong lòng dân. Khổng Tử nói: “Dân vô tín bất lập”, nếu nhân dân không tín nhiệm người cầm quyền, thì việc triều chính của quốc gia về cơ bản không thể bền lâu. Bởi vậy, “Vương Đạo thù tín”, bậc quân chủ có thành tín thì quốc gia mới được ban cho sự thịnh vượng.

Thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công đánh Lỗ, đánh bại quân Lỗ. Lỗ Trang Công xin dâng đất để giảng hòa. Tề Hoàn Công ưng thuận, cùng Lỗ Trang Công hội họp ăn thề. Trong hội thề, tướng Lỗ là Tào Mạt dùng chủy thủ uy hiếp bắt Hoàn Công trả lại đất cho nước Lỗ. Tề Hoàn Công ưng thuận xong, Tào Mạt mới thôi. Hoàn Công giận lắm, định bội tín, nhưng Quản Trọng khuyên Hoàn Công phải giữ chữ tín với thiên hạ.

Tề Hoàn Công thực sự đã trả lại đất cho nước Lỗ. Sau sự việc này, chư hầu tin tưởng Tề Hoàn Công giữ tín nghĩa, vì thế đã quy phục nước Tề, khiến Tề Hoàn Công trở thành bá chủ đầu tiên của thời Xuân Thu.

4. Thành thật

Sách Trung Dung viết: “Thành chi giả, nhân chi đạo”, hiểu nghĩa bề mặt là làm người cần phải chân thành.

Tể tướng Yến Thù thời Tống là một người nổi tiếng vì sự thành thật. Lúc 14 tuổi, Yến Thù được đánh giá là “thần đồng”, tiến cử với Tống Chân Tông. Tuy nhiên khi đến kinh thành, Yến Thù lại không trực tiếp gặp mặt hoàng đế, mà cố ý muốn tham gia thi khoa cử.

Ở trường thi ngày thứ nhất, Yến Thù vô cùng bình tĩnh, bài thi trả lời vừa nhanh vừa tốt, được Tống Chân Tông khen ngợi, và thưởng cho danh hiệu là “Đồng tiến sĩ xuất thân”. Ngày thứ hai lại thi tiếp, đề mục là “thi phú luận”. Yến Thù nhìn thấy đề mục, phát hiện đề bài này bản thân đã từng luyện tập viết qua rồi, nên yêu cầu đổi đề. Hơn thế nữa, với đề bài mới, Yến Thù cũng vô cùng mẫn tiệp, viết một lần là xong. Chuyện truyền lên, Tống Chân Tông lập tức triệu kiến Yến Thù, khen rằng: “Khanh không chỉ có chân tài thực học, mà điều quan trọng hơn là, có phẩm chất tốt, thành thật không dối trá!”

Với phẩm cách thành thật thẳng thắn đáng quý của mình, Yến Thù đã gây dựng được uy tín đối với hoàng đế và quần thần. Ông thành thật làm người như vậy, cuối cùng làm đến tể tướng.

Mặc dù câu “Thành chi giả, nhân chi đạo” hiểu nghĩa bề mặt là làm người cần phải chân thành. Tuy nhiên đặt trong nghĩa rộng hơn thì không hẳn như vậy. Nguyên văn câu này trong Trung Dung là: “Thành giả, Thiên chi đạo dã, thành chi giả, nhân chi đạo dã.” Ý rằng “thành” là Đạo của Trời, do đó Đạo của con người cũng cần thuận theo Đạo Trời, con người cần tu dưỡng đến chí “thành”, chính là “Nhân Đạo thù thành”.

Theo một nghĩa nào đó mà giải thích, thì Nho gia khuyên bảo con người phải đạt đến cảnh giới “chí thành”, cũng giống như Đạo gia đề xướng con người phải “phản bổn quy chân”, đạt đến cảnh giới “Chân Nhân” vậy. “Thành”“Chân” ở đây tương đối giống nhau, đều là để chỉ sự chân thật ở mức độ bản nguyên nhất, chính là quay về với nguồn cội của sinh mệnh.

Theo Vision Times tiếng Trumg
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: