Sau những trận giao tranh liên tiếp, chiến cuộc đã rõ ràng, ngay cả cường quốc như Nga cũng thất bại trước Nhật Bản. Ngày 3/5, Đại sứ Nhật thông báo cho Mỹ biết muốn xúc tiến hòa đàm với Nga. Thất bại liên tục khiến nước Nga bối rối. Bên cạnh đó, lợi dụng việc Nga thất trận trước Nhật, những kẻ lưu manh vô sản trong nước kích động gây bạo loạn. Tháng 6/1905, Sa Hoàng Nikolai II đồng ý giảng hòa với Nhật nhằm tập trung đối phó với tình hình trong nước.

Cuộc chiến đảo Sakhalin

Tuy đã có được những chiến thắng gây sửng sốt, người Nhật vẫn còn bận tâm đến một việc khác: Nga chưa thiệt hại gì trên chính lãnh thổ của mình. Để đảm bảo ưu thế tuyệt đối cho cuộc hòa đàm này, Nhật quyết định cho quân tiến đánh đảo Sakhalin. Đây là đảo lớn nằm ở phía bắc nước Nhật.

Chiến tranh Nga Nhật
Đảo Sakhalin ở phía bắc nước Nhật. (Tranh: CIA, Wikipedia, Public Domain)

Tháng 7/1905, quân Nhật bắt đầu tấn công. Do các hạm đội của Nga đã bị tiêu diệt nên việc đổ bộ lên đảo này không gặp trở ngại.

Quân Nhật tiến đánh thị trấn Korsakov, quân Nga không chống lại được, tàn quân liền đốt sạch nhà cửa rồi rút lui. Quân Nhật tiếp tục tấn công, đến ngày 1/8 thì chiếm được toàn bộ đảo Sakhalin.

Hiệp ước Portsmouth

Tổng thống Mỹ Roosevelt đứng ra làm trung gian để hai nước ngồi vào bàn nghị hòa. Vì lúc này thời tiết ở thủ đô Washington. DC rất nóng, nên các bên quyết định chọn đàm phán trên một tàu hải quân neo đậu ở thành phố Portsmouth thuộc bang New Hampshire của Mỹ.

Tại bàn đàm phán, với tư cách là người chiến thắng, Nhật đưa ra yêu sách yêu cầu Nga phải công nhận quyền Thượng quốc của Nhật đối với Triều Tiên, công nhận quyền lợi của Nhật ở Mãn Châu, kể cả tuyến đường sắt nam Mãn Châu từ Lữ Thuận đến Cáp Nhĩ Tân.

Cuộc chiến với Nga giúp Nhật Bản khẳng định vị thế cường quốc (P4)
Đại diện Nga – Nhật ký Hiệp ước Portsmouth. (Ảnh: P. F. Collier & Son, Wikipedia, Public Domain)

Nga phải trao cho Nhật đảo Sakhalin mà Nhật vừa chiếm được. Ngư dân của Nhật được phép đánh bắt tại duyên hải Thái Bình Dương của Nga. Nhật có quyền hạn chế lực lượng hải quân Nga ở Viễn Đông. Ngoài ra, Nga phải trả phí chiến tranh.

Phía Nga đồng ý với Nhật tất cả, trừ hai điểm là trả phí chiến tranh và trao cho Nhật đảo Sakhalin. Nhật gây sức ép khiến phái đoàn Nga định bỏ về, cuộc thương thuyết có khả năng không thành.

Lúc này Tổng thống Mỹ Roosevelt đóng vai trò trung gian đã vào cuộc khuyên Nhật nên uyển chuyển dung hòa hơn nhằm có được hòa bình. Cuối cùng Nhật đồng ý bỏ phí chiến tranh cho Nga, còn đảo Sakhalin thì Nhật chỉ lấy phần phía nam từ vĩ tuyến 50.

Ngày 5/9/1905, hai bên đặt bút ký vào Hiệp ước Portsmouth lịch sử. Tổng thống Mỹ nhờ đóng vai trò trung gian hòa giải cho Hiệp ước này mà được trao giải Nobel Hòa bình.

Nhật Bản trở thành cường quốc

Trận chiến Nga – Nhật là trận chiến có số quân tham gia đông đảo bậc nhất tính đến thời điểm đó, với 1 triệu quân Nhật và 1,2 triệu quân Nga.

Trận chiến này cũng đánh dấu chiến thắng đầu tiên của một nước châu Á trước một cường quốc thời hiện đại. Nhật Bản từ một nước châu Á mới mở cửa bỗng trở thành cường quốc có tiếng nói mạnh trên bàn ngoại giao thế giới.

Nga từ chỗ là một cường quốc với sức mạnh hải quân số hai thế giới, bỗng mất hai hạm đội Viễn Đông và Ban Tích, cũng không còn nhận được sự kính trọng trên thế giới nữa.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: