Trong lúc triều đình nhà Tây Sơn có biến động lớn thì Trần Quang Diệu đang cho quân thủy bộ tiến đánh Diên Khánh (thuộc tỉnh Khánh Hòa). Tướng Nguyễn là Võ Tánh chống không nổi bèn cho quân đóng chặt cửa thành cố thủ, rồi cho người báo tin về Gia Định.

Nội bộ chia rẽ, Trần Quang Diệu bỏ qua chiến thắng

Tháng 2/1795, Nguyễn Phúc Ánh đưa thủy binh đến ứng cứu thành Diên Khánh, Trần Quang Diệu cho quân chặn ở Trường Cá (Phương Sài) khiến quân Nguyễn không sao tiến vào được.

Quân Tây Sơn vây thành Diên Khánh rất chặt, khiến 2 cánh quân Nguyễn không thể liên lạc với nhau. Ưu thế nằm trong tay Trần Quang Diệu, thành Diên Khánh nguy cơ bị mất về Tây Sơn.

Đúng lúc đó tin từ Phú Xuân đến, Bùi Đắc Tuyên bị diệt, Võ Văn Dũng cùng Thái úy Phạm Công Hưng làm loạn kinh thành. Trần Quang Diệu thất kinh vì vợ ông Bùi Thị Xuân là cháu ruột của Đắc Tuyên. Ngoài ra, vua còn nhỏ tuổi không thể đảm đương được triều chính, các đại thần vốn có mâu thuẫn có nguy cơ đánh lẫn nhau.

Bùi Đắc Tuyên: Quyền thần khiến nội bộ nhà Tây Sơn chia rẽ (P2)
(Ảnh: Khánh Hmoong, Flickr, CC BY-NC 2.0)

Trước tình hình đó, dù sắp lấy được Diên Khánh, Trần Quang Diệu vẫn phải rút quân về.

Bùi Thị Xuân đang ngăn quân Nguyễn ở Quảng Nam, nghe tin cậu mình bị giết cũng về triều.

Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đóng quân ở bờ nam sông Hương, Võ Văn Dũng đem quân đối địch, dàn trận ở bờ bắc sông Hương, nguy cơ nội chiến một mất một còn sắp diễn ra. Hiểu rằng nếu để xảy ra cuộc nội chiến này, Tây Sơn sẽ mất, các tướng cùng đại thần trong triều phải điều đình giảng hòa giữa 2 phe.

Vì lợi ích nhà Tây Sơn vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đã giải hòa với Võ Văn Dũng.

Nhà Tây Sơn sắp xếp lại đại thần của triều đình gồm Phạm Công Hưng làm Thái úy, Trần Quang Diệu làm Thiếu phó, Vũ Văn Dũng làm Đại Tư đồ, Nguyễn Văn Danh làm Đại Tư mã. Trong đó Phạm Công Hưng có quyền cao nhất.

Dù đã giải hòa nhưng thực chất nhà Tây Sơn vẫn chia làm 3 phe:

  • Phe Võ Văn Dũng có Hộ giá Thượng tướng quân Nguyễn Văn Huấn, Đại Đô đốc Vũ Văn Thành, Bùi Hữu Hiếu.
  • Phe Trần Quang Diệu có: Đại Tổng quản Lê Văn Thành, Tư lệ Lê Trung, cùng các Đại Đô đốc Lê Danh Phong. Trần Danh Tuấn, Đào Công Giản, Nguyễn Văn Xuân…
  • Phe thứ 3 là trung lập, chỉ phụng mệnh Vua như Nội hầu Nguyễn Thế Tử, Lê Văn Lợi, Kiểm điểm Trần Viết Kết, Thái phó Lê Văn Ứng, Thượng thư Hồ Công Diệu…

Nghe lời gian thần, Vua ra mật thư giết Trần Quang Diệu

Nhưng mâu thuẫn trong triều do Bùi Đắc Tuyên tạo nên lại không vì ông ta chết mà kết thúc. Có kẻ dèm pha rằng Trần Quang Diệu nắm trọng quyền, e có ý khác, nên vua Cảnh Thịnh bèn thu hết binh quyền, chỉ để Quang Diệu trong Triều giữ hư vị mà thôi. Từ đó Trần Quang Diệu nghi có kẻ muốn hại mình nên thường cáo bệnh không vào chầu, cắt cử 200 thủ hạ xung quanh đề phòng bất trắc.

Năm 1799, Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh đưa quân tiến đánh thành Quy Nhơn, tướng Lê Văn Thành cố thủ, cho người báo tin chờ viện binh. Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng đưa quân đi cứu thành Quy Nhơn, nhưng đến Quảng Nghĩa thì Tống Viết Phước chặn lại.

Võ Văn Dũng nhân lúc trời tối liền cho quân theo đường Chung Xá, âm mưu đánh úp quân của Tống Viết Phước. Chẳng ngờ quân Nguyễn canh phòng cẩn mật khắp nơi khiến quân Võ Văn Dũng thua to, may nhờ có Trần Quang Diệu kịp ứng cứu Võ Văn Dũng mới thoát nạn. Đồng thời Trần Quang Diệu cũng dấu chuyện này để tránh Võ Văn Dũng bị trách tội.

Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu: Một tình bạn đẹp
Tượng thờ Trần Quang Diệu trong Điện thờ Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Thấy Trần Quang Diệu sẵn lòng ứng cứu không để bụng chuyện cũ, Võ Văn Dũng kết nghĩa sinh tử với Trần Quang Diệu, đồng thời nói thật rằng mình nhận được lệnh của Vua phải tìm cách giết Diệu rồi đưa cả mật thư cho Diệu xem.

Cho rằng đây là do gian thần xúi giục Vua, Trần Quang Diệu tức giận liền dẫn quân về kinh thành.

Vua Cảnh Thịnh lo lắng phải mời Bùi Thị Xuân đến nói giúp mình, và cho bắt mấy kẻ mật tấu dèm pha khiến Vua muốn giết Trần Quang Diệu. Xong việc Trần Quang Diệu mới tiếp tục dẫn binh vào nam.

Bắt nguồn từ quyền thần Bùi Đắc Tuyên, những lục đục mâu thuẫn liên tiếp cho thấy Triều Tây Sơn đã hoàn toàn suy sụp, nhiều tướng thức thời đã lui về hoặc quay sang đầu quân cho Nguyễn Phúc Ánh vốn đang rất được lòng dân. Còn nhà Tây Sơn không chỉ lục đục mà còn mất lòng dân sau nhiều cuộc thảm sát và cưỡng ép đi lính.

Sau này khi chiếm được thành Bình Định, Trần Quang Diệu đã thả hàng binh và than rằng: “Họ không theo ta là do nhà Tây Sơn ta đã mất lòng dân. Nếu giết họ thi lại càng mất lòng dân hơn nữa. Được thua là ở lòng trời, sinh linh có tội tình gì ta nỡ đâu giết hại.”

Cuốn “Danh nhân Bình Trị Thiên” bình rằng:

“Mọi quyền hành đều giao cho Thái sư Bùi Đắc Tuyên, là cậu của vua trẻ: Cảnh Thịnh. Đắc Tuyên cố tìm cách tạo vây cánh, dần đi vào con đường lộng quyền, khống chế cả triều đình, lấn át nhà vua trẻ, làm triều đình Cảnh Thịnh mất uy tín ngay từ đầu. Những điểm yếu của triều Tây Sơn ngày càng bị khoét sâu, triều thần chia bè cánh nghi kỵ lẫn nhau, nên lại càng phân hóa nghiêm trọng. Cảnh Thịnh hoàn toàn bất lực trong việc sắp xếp mọi bất hòa nói trên… Đó là (một trong những) mối nguy cơ làm sụp đổ nhanh chóng triều đại Tây Sơn.”

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: