Bươn chải thời chiến
(Ảnh: Henri Huet, AP)

Tôi nhìn mãi tấm hình người mẹ gồng gánh con cái đi chạy loạn. Đẹp quá! Hình ảnh người mẹ trẻ bươn chải trong thời chiến, và gì gì nữa…, không sao diễn tả được cái đẹp thế này bằng lời.

Tôi nghĩ, các bà mẹ ở ngoài Bắc, sơ tán tránh bom cũng tất tả như thế. Đánh bom có từng đợt, chừng 1-2 tuần, và năm thì mười họa mới có. Nhưng trong Nam là chiến trường, bom đạn pháo kích xảy ra hàng ngày,… hình ảnh những bà mẹ gồng gánh như thế này nhiều lắm.

Chiến tranh đã trôi qua 45 năm…Nếu hồi tưởng, người ta chỉ nghĩ đến cảnh bom rơi đạn lạc, thây người chồng chất…, ít ai nhớ tới hình ảnh bà mẹ tay xách nách mang…

Hình ảnh trên do Henri Huet chụp ở Bến Súc năm 1967. Bến Súc là ngôi làng thuộc huyện Dầu Tiếng, phía Bắc tỉnh Bình Dương. Đây là vùng xôi đậu, đậu nhiều hơn xôi, nên lính Việt Nam Cộng Hòa đã cho di tản dân khỏi Bến Súc và vài làng lân cận, đưa đi tái định cư nơi khác.

Chú thích ảnh của Henri Huet như sau:

Một phụ nữ Việt Nam, đi chân trần, gánh 2 con nhỏ cùng vài đồ đạc lỉnh kỉnh trong nhà chạy loạn ra khỏi Bến Súc, tháng 6/1967 trong chiến cuộc Việt Nam. Đứa con thứ ba mang theo nồi niêu xoong chảo(*) đi phía trước. Họ nằm trong số 10.000 dân làng được đưa di tản khỏi vùng ven của khu Tam giác sắt, một căn cứ địa của Việt cộng, để tái định cư ở các trại tị nạn.

(*) Thực ra trong hình cậu bé vác cái giỏ tre nhỏ để đựng cá câu được, và tụi nhỏ cũng thường dùng giỏ này đựng dế đá. Trẻ con đi đâu cũng không quên mang theo “đồ nghề”.

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành