Trong kiến trúc truyền thống thời cổ đại, trên mái nhà thường có các con thần thú được điêu khắc một cách tinh xảo. Điều này không chỉ có ý nghĩa trang trí mà còn thể hiện đời sống tâm linh sâu sắc của người xưa.

Các con thần thú trong kiến trúc của người xưa
(Ảnh: Yongxinge, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Trong các công trình kiến trúc cổ đại, người ta thường xuyên sử dụng mười con vật được xưng là thần thú trang trí trên mái nhà. Chúng được phân bố trên các đường gờ dọc hai đầu của ngôi nhà, theo thứ tự từ dưới lên trên là Rồng, Phượng, Sư tử, Thiên mã, Hải mã, Con nghê, Hiệp ngư, Giải Trãi, Đấu ngưu và Hành thập. Theo loại kiến trúc này, mười con thần thú đứng thành một hàng trên mái điện với người dẫn đầu là một vị “tiên nhân cưỡi Phượng”. Trong truyền thuyết, vị tiên này là em vợ của Khương Tử Nha, một lòng muốn thăng tiến trên con đường làm quan nhưng được khuyên phải biết điểm dừng, nếu không sẽ nguy hiểm giống như đứng trên rìa mái nhà, một khi bất cẩn thì liền ngã xuống.

10 con thần thú thường được gắn trên mái các công trình kiến trúc cổ mang ý nghĩa tâm linh như sau:

Rồng tượng trưng cho Thiên tử, thể hiện uy quyền tối thượng.

Trí tuệ cổ nhân: Đạo cao thì an, quyền cao thì nguy
(Ảnh minh họa: FiledIMAGE, Shutterstock)

Phượng hoàng là vua của muôn chim, được ví với người tài ba đức hạnh. Trong “Sử ký. Nhật giả liệt truyện” viết: “Phượng hoàng bất dữ yến tước vi quần”, nghĩa là Phượng hoàng không cùng bầy đàn với chim Yến tước. Câu nói này phản ánh địa vị tôn quý của phượng hoàng trong các loài chim.

Sư tử được xưng là vua của vạn thú. Nó là thần hộ pháp có sức mạnh lớn lao, uy vũ, đại biểu cho sự dũng mãnh và uy nghiêm.

Thiên mã là hiện thân của sự may mắn cát tường trong thần thoại cổ đại. Nó tượng trưng cho sức mạnh, ngày đi ngàn dặm, truy phong đuổi nhật mà không mệt mỏi. Nó còn được coi là sứ giả của Thần, mang chở lời Thần dạy, hoặc chở kinh thư.

Hải mã cũng là hóa thân của sự may mắn. Nó tượng trưng cho uy đức thông thiên nhập hải, bốn phương thông thuận.

Nghê là cùng loài mãnh thú với Sư tử, cũng có sách ghi rằng con Nghê là một trong chín con của Rồng. Nghê là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các thứ tà ma, ác quỷ. Con thần thú này ưa thích sự tĩnh lặng, cho nên được thu làm thú cưỡi của Văn Thù Bồ Tát.

Hiệp ngư là dị thú dưới biển. Trong truyền thuyết, Hiệp ngư tạo mây làm mưa, dập tắt lửa phòng ngừa hỏa hoạn.

Giải trãi là mãnh thú trong truyền thuyết cổ đại, cùng loài với Sư tử. Trong sách “Dị vật chí” viết rằng: “Đông bắc hoang trung hữu thú, danh Giải trãi” (Vùng đông bắc hoang dã có con thú vật, tên là Giải trãi). Trong truyền thuyết cổ, con Giải trãi biết phân biệt phải trái, thấy người đánh nhau, nó dùng sừng húc kẻ gian. Cho nên, con vật này còn tượng trưng cho sự dũng mãnh, công chính. Trên y phục của các pháp quan có hình con thần thú này, mũ của quan viên tư pháp thời cổ cũng được gọi là “Giải Trãi Quan”, tượng trưng cho sự ngay thẳng.

Đẩu ngưu trong truyền thuyết là một loài rồng có sừng. Nó là loài trấn vật trừ họa diệt tai, trấn hỏa cát tường. Nó có khả năng cầu long trấn nước, trấn áp lũ lụt.

Hành thập là con vật mỏ nhọn má khỉ, lưng mọc hai cánh, tay cầm Kim Cang, có thể đánh đuổi ma quỷ, phòng sấm lửa.

Những loại thần thú này có tác dụng nghệ thuật trang trí, khiến cho các công trình kiến trúc thời cổ, đặc biệt là các cung điện thêm hùng vỹ, đồ sộ, tráng lệ. Ngoài ra, chúng có tác dụng trong kiến trúc. Độ dốc của sườn mái sẽ làm cho ngói lợp dễ dàng bị trượt xuống dưới. Vì vậy người ta cần đóng đinh sắt để cố định các thanh xà ngang. Để giữ cho đinh sắt không bị mưa tuyết ăn mòn thì những con thú này khi gắn lên sẽ đóng vai trò như mũ của đinh, bảo vệ đinh.

Hơn nữa, các con thần thú còn mang ý nghĩa về tâm linh. Các cung điện thời cổ đại đa phần đều được làm bằng gỗ nên rất dễ dàng bị cháy, sợ nhất là bị sét đánh. Bởi vậy, việc gắn các con thần thú trên nóc nhà tượng trưng cho ý tứ tiêu tai diệt họa, gặp dữ hóa lành.

Khí phách, thánh đức, kiên nhẫn, cát tường, trí tuệ, linh mẫn, chính trực, uy vũ, tôn quý, ngụ ý của các con thần thú này phản ánh nguyện vọng và sự mong mỏi mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an của con người. Đồng thời cũng thể hiện sự bảo hộ của Thần đối với con người nhân gian.

Thời cổ đại, luật pháp rất nghiêm khắc, thông thường những công trình kiến trúc thuộc hoàng cung quý tộc, quan lớn, quý nhân mới được gắn thần thú trên nóc nhà. Thời Đường Tống, người ta thường chỉ gắn một đầu thú trên nóc nhà. Sau này số lượng thần thú được gia tăng thêm, tới nhà Thanh thì hình dạng kiến trúc thông thường là “Tiên nhân cưỡi Phượng” dẫn theo một hàng thần thú.

Dựa theo thứ tự cấp bậc cao thấp của kiến trúc thì số lượng thần thú cũng khác nhau. Số lượng thần thú càng nhiều thì thể hiện cấp bậc càng cao, đa số người ta sử dụng số lượng thần thú theo số lẻ, như một, ba, năm, bảy, chín. Lấy Cố Cung làm ví dụ, điện Thái Hòa dùng 11 con Thần thú, Cung Càn Thanh sử dụng 10 con, điện Trung Hòa chỉ sử dụng 9 con. Cung Khôn Ninh nguyên là tẩm cung của Hoàng hậu sử dụng 9 con, nơi các phi tần sống có nơi sử dụng 6 con, có nơi dùng 7 con, một số nơi thờ phụng sử dụng 5 con, thậm chí là 3 con… đều mang ý nghĩa tôn quý, phù trợ và cát tường.

Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Vì sao Tử Cấm Thành chưa từng ngập úng suốt 600 năm?