Ngay từ thời xa xưa các vua chúa Việt Nam đều quan tâm đến phần lãnh thổ trên vùng biển, không chỉ nhằm khai thác hải sản cùng các nguồn lợi từ biển đảo mà còn xác lập chủ quyền trên các đảo, bảo vệ biển.

Các vua chúa trước đây bảo vệ biển như thế nào?
Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán. (Tranh dân gian Việt Nam, Public Domain)

Vị vua đầu tiên đi tuần biển Đông

Theo lịch sử ghi chép lại thì vị vua đầu tiên tuần thú biển Đông là vua Lý Anh Tông (1136 – 1175). Nhà vua không chỉ quan tâm đến phần lãnh thổ trên đất liền mà cả trên biển. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi chép rằng tháng 11 năm Tân Tị (1161), vua sai thái úy Tô Hiến Thành “đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam, để giữ yên miền biên giới. Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về.”

Năm Tân Mão (1171), “Vua đi tuần các hải đảo, xem các hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào.”

Vào tháng 2 năm Nhâm Thìn (1172), “vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về.”

Sau các chuyến đi thực địa này, vua Lý Anh Tông đã biên soạn cuốn sách “Nam Bắc phiên giới đồ” ghi chép cẩn thận vùng biên giới trên biển, tiếc rằng cuốn sách này đến nay không còn nữa.

Theo cuốn “Lịch triều hiến chương” của Phan Huy Chú thì: “Lý Anh Tông, năm Chính Long Bảo Ứng thứ 10 [1172], đi tuần du các cửa biển, vẽ bản đồ hình thế núi sông và chép phong tục sản vật. Nay không còn”.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng ghi lại lời bình của sử thần thời hậu Lê là Ngô Thì Sĩ về vua Lý Anh Tông như sau: “Tuyển quân, chọn nước, cho quan võ luyện tập đánh giặc phá trận. Vua cũng tự cưỡi ngựa bắn cung ở sân bắn và đích thân đi tuần các đảo ngoài biển. Việc quân cơ, việc phòng biên giới một phen chấn chỉnh”.

Thủy binh nhà Lý

Thời nhà Lý thủy binh Đại Việt rất hùng mạnh, thủy binh có rất nhiều các loại chiến thuyền khác nhau như thuyền mông đồng, lâu thuyền, thuyền hai lòng (lưỡng phúc thuyền – cũng có thể hiểu là có hai đáy).

lauthuyen 1
Lâu thuyền của nhà Lý. (Tranh qua Baotanglichsu.vn)

Còn loại thuyền nữa là thuyền “Mẫu tử”, là loại chiến thuyền chuyên dùng hỏa công rất lợi hại của Đại Việt. “Mẫu tử” gồm một khung thuyền giả to (thuyền mẹ) bọc ngoài, ở phía trước một chiếc thuyền thật nhỏ hơn (thuyền con). Trên khung thuyền to, người ta chất củi lửa và thuốc cháy, mũi thuyền có những đinh nhọn.

Khi giao chiến, thuyền “Mẫu tử” được chèo nhanh lao mạnh vào thuyền đối phương khiến cho đinh nhọn cắm ở thuyền giả đâm vào thuyền đối phương, sau đó đốt chất cháy trên thuyền giả, rồi rút thuyền thật ra khỏi thuyền giả. Thuyền giả bị cháy sẽ đốt luôn thuyền đối phương.

Thời nhà Lê

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1467 vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh cho các địa phương điều tra thế núi sông để vẽ lại bản đồ địa phương mình.

haicotthuyen 1
Hải cốt thuyền thời nhà Lê. (Tranh qua Baotanglichsu.vn)

Dựa vào đó vua cho hoàn thành bộ “Hồng Đức bản đồ” vào cuối năm 1469. “Hồng Đức bản đồ” gồm bản đồ của cả nước và địa phương, trong đó có cả vùng biển cùng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các vua chúa trước đây vẫn chú trọng bảo vệ biển đảo
Hồng Đức bản đồ. (Tranh: Public Domain)

Thời tranh chấp Hậu Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn

Các tư liệu lịch sử cho thấy thời chúa Nguyễn ở Đàng trong đã có các đội thuyền “Hoàng Sa” “Bắc Hải” thường xuyên tuần tra bảo vệ biển đảo, bảo vệ các ngư dân bám biển.

Đến thời Tây Sơn vùng biển cũng được tăng cường tuần tra bảo vệ với những chiến hạm lớn. Sách “Thánh Vũ ký” của Ngụy Nguyên thời nhà Thanh mô tả rằng: Thuyền của Tây Sơn cao, to hơn thuyền của nhà Thanh, trên đặt nhiều súng, hoành hành lâu năm trên mặt biển và nếu quân Thanh gặp thì cũng khó có thể địch được.

Thời vua Gia Long, hạm đội “Hoàng Sa” có nhiệm vụ đo đạc bản đồ, vẽ thủy trình, canh giữ bảo vệ ngư dân bám biển. Vua Gia Long sau khi lên ngôi cũng huy động thủy quân dẹp nạn hải tặc hoành hành. (Xem bài: Nữ hoàng hải tặc bất bại, hoàn lương chỉ vì một câu nói)

Sách “Đại Nam thực lục” có ghi chép sự kiện năm 1815 như sau: “Tháng 2, sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”.

Dưới thời vua Minh Mạng, nhà Vua tập trung phát triển ngư nghiệp, rất nhiều các loại thuyền khác nhau được đóng nhằm giúp các ngư dân bám biển. Đặc biệt vua Minh Mạng cho đóng thuyền đồng và tàu hơi nước theo mẫu của người Pháp.

Vua Minh Mạng cũng cẩn thận trong việc tuần tra bảo vệ biển. Các đảo đều được đóng bia nhằm khẳng định của quyền. Các đội thuyền cũng được tăng cường nhằm cứu hộ trên vùng biển. Năm 1836, một tàu Anh gặp bão lớn ở Hoàng Sa, nhưng 90 người trên tàu đã được cứu đưa vào vùng biển Bình Định.

Các vua chúa trước đây vẫn chú trọng bảo vệ biển đảo
Đại Nam Nhất Thống toàn đồ thời Minh Mạng. (Tranh: Public Domain)

Việc bảo vệ chủ quyền bờ biển được các triều đại chú ý từ hàng ngàn năm trước, các ngư dân đánh cá trong vùng biển Đại Việt cũng yên tâm vì đều có có đội tàu lớn bảo vệ, vì thế mà ngư trường trước đây phát triển vô cùng thuận lợi,  cuộc sống của ngư dân cũng ổn định.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: