Yếu tố bên ngoài như vẻ đẹp dung mạo là một người trở nên ưa nhìn trong mắt người khác, nhưng điều khiến người khác cảm thấy dễ chịu và ấm áp lại chính là yếu tố xuất phát từ sự tu dưỡng như cách nói năng và cư xử thanh lịch.

Cách ăn nói và cư xử phản ánh diện mạo tinh thần của một người
(Ảnh minh họa: Saravutpics, Shutterstock)

Một người có thể hành xử theo những nguyên tắc dưới đây thì chính là người có diện mạo tinh thần tốt đẹp, khiến mọi người đều cảm mến.

Vui cười có lúc

Trong sách “Phù sinh lục ký” viết rằng: “Thế gian lắm điều bất hòa phần nhiều là do đùa giỡn mà ra”. Vui đùa không thích hợp sẽ khiến lòng người sinh hiềm khích, hài hước không đúng mực càng dễ phát sinh thù hận lẫn nhau.

Thời Chiến Quốc, Bình Nguyên Quân Triệu Thắng có một người vợ lẽ, vừa xinh đẹp lại vừa múa giỏi khiến Bình Nguyên Quân rất yêu quý.

Một hôm người vợ lẽ này cùng với nha hoàn đang vui đùa ở đình viện thì gặp một môn hạ của Bình Nguyên Quân đi ra. Chân của người này bị què nên đi bị nghiêng lệch, bước thấp bước cao. Người vợ lẽ này nhìn thấy bộ dạng của vị môn hạ kia thì bật cười. Vị môn hạ này trên mặt lộ ra vẻ uất giận. Người vợ lẽ của Bình Nguyên Quân thấy vậy lại càng cười lớn, còn giả bộ què để múa khiến nha hoàn cũng cười theo.

Vị môn hạ không nói gì chỉ phẩy tay áo rồi bước đi. Các môn hạ của Bình Nguyên Quân sau khi biết chuyện này đều cho rằng Bình Nguyên Quân quản giáo không nghiêm, việc chiêu hiền đãi sĩ của ông chỉ là vì hư danh mà thôi. Thế là hơn một nửa người trong số họ bảo nhau rời đi. Bình Nguyên Quân sau khi biết chuyện rất tức giận, đã hạ lệnh xử tử người vợ lẽ kia, đồng thời triệu hồi các môn hạ quay trở lại.

Vui cười và cười nhạo chỉ khác một từ nhưng đưa đến hậu quả khác xa, đồng thời nó cũng thể hiện ra sự bất đồng trong thái độ đối nhân xử thế của một người.

Thân sơ có độ

Giữa người với người, xa quá thì lạnh lùng, thân cận quá thì dễ tổn thương. Quan hệ thoải mái nhất không phải là không phân biệt bạn tôi mà là giữ được một khoảng cách thích hợp, không khiến người khác thấy phiền phức khó chịu, cũng không khiến bản thân mình bị mạo phạm.

Cổ nhân giảng: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt.” Ý nói rằng, tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngọt. Tình cảm của người quân tử tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng lại dễ dàng dẫn đến tuyệt giao.

Trong sách “Luận Ngữ” viết rằng, làm người nhất định phải giữ được tôn ti trật tự, cao thấp, thân sơ. Đặc biệt giữa nam và nữ càng cần phải giữ một khoảng cách thích hợp, đúng như cổ nhân giảng “nam nữ thụ thụ bất thân”. Nếu không làm được như vậy, thân mật quá sẽ khiến người ta trở nên suồng sã, thiếu đứng đắn.

Người có hàm dưỡng thực sự đều hiểu rằng càng thân thuộc thì càng phải giữ sự đúng mực trong đối nhân xử thế. Giữ sự tôn trọng với đối phương cũng chính là giữ thể diện cho chính mình.

Nói năng có mực

Trong “Kinh Dịch” viết: “Cát nhân chi từ quả, táo nhân chi từ đa”, ý rằng người nói ít thường bình tĩnh hành sự, từ đó dễ dàng gặp được may mắn hơn, còn người nhiều chuyện thường hấp tấp nóng nảy, từ đó dễ rước phải tai họa về mình. Một người nói nhiều, không có chừng mực, nói những lời thừa thãi, sẽ bộc lộ khuyết điểm của mình, cũng không có đủ uy danh để thu phục người khác.

Nhà triết học người Anh, Francis Bacon từng nói rằng: “Trong giao tiếp ngôn ngữ phải tìm được sự đúng mực, vừa thẳng thắn lại không bị thất lễ. Đây là điều khó khăn nhất.” Cổ ngữ cũng nói: “Ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu diện mạo tinh thần của một người”.

Biết nói chuyện là cái tài, nhưng biết nói chuyện một cách đúng mực lại là trí tuệ. Trong cuộc sống, một số người không chú trọng đến cách ăn nói và cư xử, họ nói những điều mình muốn nói và thường không có sự cân nhắc đến hậu quả, đặc biệt là khi nói với những người thân thiết. Đôi khi một câu nói của họ có thể đem lại sự tổn thương sâu sắc và lâu dài cho đối phương. Điều này không chỉ không thể hiện đó là người thẳng thắn bộc trực, mà còn bộc lộ sự khuyết thiếu về tu dưỡng.

Làm người có đức

Con người sống trên đời, năng lực khuyết thiếu một chút còn có thể thông cảm được nhưng phẩm đức khuyết thiếu thì thật khó chấp nhận. Trong quan niệm của cổ nhân, lập đức, lập công, lập ngôn là ba điều tồn tại mãi. Mà lập đức là điều đầu tiên một người cần làm.

Một người có nụ cười đẹp, có đôi mắt đẹp thì còn cần phải trang điểm nữa không? Như vậy là đẹp, nhưng còn cần phải dùng lễ nghi tân trang, tiết chế hành vi, bồi dưỡng phẩm đức nữa thì mới càng đẹp hơn. Con người sống trên đời, điều khiến một người trở nên xinh đẹp nhất không phải ở vẻ bề ngoài mà là cách nói năng và hành xử tao nhã, điều quý giá nhất không phải tài phú mà là phẩm đức tốt đẹp.

Người có phẩm đức thấp kém giống như “chuột chạy qua đường”, ai cũng ghét bỏ xa lánh. Còn người có phẩm đức tốt đẹp thì giống như vầng thái dương tỏa ánh hào quang sưởi ấm con người giữa mùa đông giá rét, khiến người người đều yêu thích lại gần.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: