Trời đất tạo ra vạn vật, vạn vật tất phải vận động theo đất trời. Thực vật thay đổi theo bốn mùa xuân hạ thu đông, kỳ thực người và động vật cũng là như vậy. Người xưa kính Trời kính Đất, hiểu rằng thiên tai là cảnh báo của Thiên thượng. Mỗi khi đất nước có thiên tai hay dị tượng, vua quan là những người đứng đầu đất nước đều cần xem xét bản thân mình có làm điều gì sai không, từ đó mà sửa mình. Những điều này đều có ghi chép rõ ràng trong lịch sử.

Tháng 9/1618 thời chúa Trịnh, Đại Việt xảy ra dị tượng kéo dài suốt 1 tuần (10 ngày), “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi chép lại rằng:

Tháng 9 hạ tuần, có khí trắng như hình cái búa đứng thẳng, mỗi đêm canh năm thường hiện ra ở phương đông nam dài hơn một trượng, đến thượng tuần tháng 10 mới mất.

Lưu Đình Chất dâng khải nói rằng: “Trộm nghe Trời giáng tai dị hay điềm lành là do sự có đức hay không. Làm thiện thì Trời hiện ra điềm lành, làm ác thì Trời răn bằng tai dị. Song nhận thấy tai dị mà sửa đức thì không có hại, cho nên người xưa lấy Trời để mà tự xử và rất cẩn thận đối với mệnh Trời. Hán Văn Đế khéo thuận lòng trời mà tai biến tiêu đi hết. Tống Cảnh công có một câu nói thiện mà sao xấu lùi đi.”

Cách bậc quân vương thời xưa ứng xử trước thiên tượng kỳ lạ
Phủ chúa Trịnh thế kỷ 17. (Tranh: Samuel Baron, Royal Society Collection, Wikipedia, Public Domain)

Vua quan nắm trọng trách xưa kia đều am hiểu lịch sử, xem lịch sử như một tấm gương. Ở đây Lưu Đình Chất đã dùng tấm gương lịch sử nhắc nhở chúa Trịnh, đó là hai câu chuyện “Hán Văn Đế khéo thuận lòng trời mà tai biến tiêu đi hết”, “Tống Cảnh công có một câu nói thiện mà sao xấu lùi đi”. Vậy hai điển cố lịch sử này cụ thể là thế nào?

“Hán Văn Đế khéo thuận lòng trời mà tai biến tiêu đi hết”

Hán Văn Đế dùng đức để trị vì, làm việc đều thuận lòng Trời, mở đầu thời kỳ thịnh trị “Văn Cảnh chi trị”.

Mỗi khi phát sinh thiên tai, dị tượng, Hán Văn Đế đều xét lại bản thân mình, xem mình có gì sai không để sửa. Có năm xuất hiện nhật thực, Hán Văn Đế tự trách:

“Trẫm nghe nói trời sinh muôn dân, vì bách tính mà sắp đặt quân vương đến để giáo hóa và quản lý. Nếu như quân vương không hiền đức, chấp chính không công bình thì Thượng thiên sẽ triển hiện ra những hiện tượng báo trước tai họa để cảnh cáo quân vương trị vì không tốt. Cuối tháng 11 có một ngày phát sinh nhật thực, sự chê trách của Thượng thiên đã biểu hiện ra Thiên tượng xuất hiện tai họa. Thử hỏi còn có việc nào quan trọng hơn điều này! ”

Là người dùng đức trị vì, Hán Văn Đế giảm nhẹ thuế khóa và lao dịch cho dân, những nơi khó khăn được miễn thuế 3 năm liền. Năm 168 TCN, ông ra chiếu chỉ thỉ thu nửa số thuế. Mặc dù giảm thuế, nhưng thời kỳ Văn Đế trị vì, nhiều năm mùa màng bội thu, tiền thuế thu được vẫn nhiều, trong khi dân chúng nhờ có mùa màng bội thu mà no ấm.

Suốt 23 năm ở ngôi, Văn Đế không hề xây dựng cho riêng mình thứ gì. Cung điện, vườn tược, thú nuôi, quần áo, xa giá… vẫn như xưa mà không tăng thêm chút nào, cũng không hề cho sửa chữa cung điện, mà còn cắt giảm bớt chi tiêu. Bất cứ khoản chi tiêu nào Văn Đế cũng suy nghĩ có lợi cho triều chính và bách tính.

Trước khi mất Hán Văn Đế còn căn dặn mộ mình chỉ được xây bằng gốm, không được dùng các kim loại quý, cũng không được xây mộ rộng lớn để tiết kiệm.

Trong cuốn “Hán thư”, Ban Cố đã có lời đánh giá về Hán Văn Đế rằng:

“Chuyên tâm lấy đức giáo hóa muôn dân vì cuộc sống sung túc của bàng dân thiên hạ, lễ nghĩa hưng thịnh, xử lý án tụng, bãi bỏ hình phạt. Quả thật là một vị vua nhân từ!”

“Tống Cảnh công có một câu nói thiện mà sao xấu lùi đi”

Trong “Tân tự tạp sự tứ” của Lưu Hướng có ghi chép về Tống Cảnh Công. Vào thời Xuân Thu, Tống Cảnh Công là Vua nước Tống. Bấy giờ xuất hiện thiên tượng “Huỳnh Hoặc thủ tâm”, tức là hiện tượng sao Hỏa (chủ việc binh đao) xâm nhập vào phạm vi của Tâm túc tinh, là điềm hung hiểm cực xấu.

Là người kính sợ Thiên thượng, Tống Cảnh Công lo lắng cho gọi quan chuyên trách về thiên văn là Tử Vi đến hỏi. Tử Vi đáp rằng: “Huỳnh hoặc là đại biểu cho sự trách phạt của Thiên thượng. Tai họa sẽ ứng vào thân của quân chủ nước Tống. Mặc dù vậy, có thể chuyển vào thân của Tể tướng.”

Tống Cảnh Công nói: “Tể tướng là nhân tài trị quốc, chuyển vào thân của ông ấy thì ông ấy sẽ chết. Không được. Quả nhân sẽ tự mình gánh chịu.”

Tử Vi nói: “Cũng có thể chuyển vào thân của bách tính.”

Tống Cảnh Công nói: “Bách tính chết đi thì ta làm quốc vương còn có ý nghĩa gì nữa? Ta nguyện một mình ta chết cũng được.”

Tử Vi nói: “Vậy có thể chuyển sang kết quả thu hoạch của năm sau.”

Tống Cảnh Công nói: “Kết quả thu hoạch năm sau không tốt thì dân chúng sẽ chết đói. Vì ham muốn của Quân chủ mà giết dân chúng của mình thì quá tùy tiện, ai còn xem ta là Quân chủ nữa? Mệnh của quả nhân đã đi đến cùng rồi, khanh không cần nói nữa.”

Tử Vi quỳ xuống nói: “Vi thần to gan xin chúc mừng đại vương. Thiên thượng ở trên cao nhất định có thể nghe thấy lời của ngài. Đại Vương ba lần nói lời nhân từ, thiên thượng nhất định sẽ thưởng cho ngài ba lần. Đêm nay nhất định tinh tượng sẽ biến đổi ba lần, thọ mệnh của đại vương sẽ kéo dài thêm hai mươi mốt năm.”

Cổ nhân có câu: “Người đang làm, trời đang nhìn”, đêm hôm đó, tinh tượng quả nhiên dịch chuyển ba lần đúng như Tử Vi nói. Tống Cảnh Công là người kính trời hiểu mệnh, ông không vì an nguy của bản thân mà để nạn sang người khác, ba lần xuất thiện niệm nên chuyển nguy thành an.

Câu chuyện đối đáp giữa Tống Cảnh Công và Tử Vi về thiên tượng “Huỳnh Hoặc thủ tâm” từ đó trở nên nổi tiếng lịch sử.

Hoàng đế khiến người chết thay, cuối cùng chỉ là tự lừa mình

Hán Thành Đế là vị Hoàng đế thứ 12 của nhà Tây Hán. Lịch sử đánh giá ông là hôn quân vô đạo. Nhà Tây Hán diệt vong đã bắt đầu có dấu hiệu từ thời Hán Thành Đế rồi.

Nếu duyệt qua ghi chép trong “Tư Trị Thông Giám” về Hán Thành Đế, nhật thực đặc biệt nhiều. Ngoài ra, các loại thiên tượng thi nhau mà đến. Ngay từ khi Hiếu Thành Đế lên ngôi thì tháng 8 năm ấy xuất hiện hai mặt trăng trên dưới nối nhau. Năm 22 TCN, tháng 3, 8 viên thiên thạch rơi ở Đông Quận. Năm 19 TCN, tháng 5, có 3 viên thiên thạch rơi ở huyện Đỗ Bưu… Tế miếu, các nơi cúng tế thời Hán Thành Đế cũng xảy ra nhiều lần hỏa hoạn. Thậm chí năm 14 TCN thì ở cung Cam Tuyền xảy ra việc gió lốc làm đổ cung bái vọng bằng trúc, hơn trăm cây cổ thụ to lớn trở lên bị gãy đổ bật gốc. Bên cạnh đó, thủy tai, mưa tuyết, đại hạn cũng xảy ra liên tục.

Trong thời kỳ này, vào năm thứ 7 TCN, thiên tượng “Huỳnh Hoặc thủ tâm” lại xuất hiện. Hán Thành Đế cùng triều thần vô cùng lo lắng. Lúc này có người nhắc lại lời của Tử Vi khi xưa: “Có thể chuyển vào thân của Tể tướng”.

Hán Thành Đế cho triệu quan đầu triều lúc đó Trạch Phương Tiến đến nói về việc đại thần nên gánh họa thay cho Hoàng đế. Phương Tiến trở về nhà, còn chưa kịp suy nghĩ xong, Hán Thành Đế đã ban thư trách ông không chỉnh trị tốt chính sự, khiến thiên tai nhân họa kéo đến. Thừa tướng Trạch Phương Tiến đành tự sát.

Phương Tiến mất, Hán Thành  Đế giữ kín việc, ban thưởng cho gia đình Phương Tiến, lại thương tiếc tự mình đến viếng. Nhưng ngay trong năm ấy, Hán Thành Đế đang khỏe mạnh, không bệnh tật lại đột nhiên mất, ứng với thiên tượng “Huỳnh Hoặc thủ tâm”.

Tể tướng Tư Mã Quang đã viết trong “Tư Trị Thông Giám” rằng: “Muốn dối Trời, lừa người mà rút cục không ích gì, có thể gọi là người không hiểu biết thiên mệnh.”

Hán Thành Đế hoang dâm vô độ, vì sủng ái Triệu Phi Yến mà tự tay giết chết con. Cuối cùng tuyệt tự, khiến triều chính nhà Hán rối loạn, cuối cùng suy yếu và mất vài đời sau đó.

Đối với thiên tượng, hành vi của quân vương mang đến kết quả khác nhau. Động thiện niệm, tu dưỡng bản thân thì có thể thoát đại nạn. Còn như không tu sửa mình thì kết cục chính là như Hán Thành Đế, không bệnh mà chết.

Những chuyện này đều rất nổi tiếng trong lịch sử, được truyền đời và xem là bài học quý báu “dùng đức sửa mình”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: