Xã hội hiện đại coi trọng lợi ích vật chất, dù chỉ một chút lợi nhỏ cũng tranh giành mãi không buông, phải tổn thất một chút lợi ích trước mắt thì cảm thấy tâm can thống khổ vô cùng, không đành lòng nhường cho người khác. Khi gặp mâu thuẫn về lợi ích, nếu không thể có lợi thì người ta lại tìm cách khiến đôi bên đều bị tổn hại. Khi đối diện với lợi ích trước mặt, nếu một người có thể nhường nhịn, lùi lại một bước, chịu thiệt một chút thì họ có thể nhảy xuất ra khỏi sự tranh giành. Hơn nữa, cách làm ấy còn có thể bồi dưỡng đức hạnh nhân nghĩa của bản thân, cuối cùng rất có thể không phải chịu tổn thất gì mà còn được người người kính trọng.

Cách cổ nhân hành xử khi đối mặt với tranh giành lợi ích
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Sách “Tỉnh tâm lục” thời Tống viết: Người có thể cúi mình sẽ hòa hợp với người khác, người háo thắng tất sẽ gặp kẻ thù”. Trong “Lễ ký lệnh” cũng viết: “Lễ nhượng nhất thốn, đắc lễ nhất xích”, ý nói nhường nhịn nhau một chút nhỏ nhưng lợi ích đạt được sẽ rất lớn. Cổ ngữ nói: “Khi mới bắt đầu nóng giận hãy nhẫn nhịn, sau một thời gian tâm sẽ nguôi ngoai trở lại”. Những câu này đều khuyên mọi người nên học cách khiêm nhượng, nhẫn nhịn. Đó là một loại tu dưỡng tâm tính, là trí tuệ hóa giải mâu thuẫn và cũng là cách làm người tất yếu của cổ nhân.

Quang Vũ Đế Lưu Tú nhà Đông Hán có một vị tướng quân tên là Phùng Dị. Ông được xưng là “Đông Hán Tả mệnh hổ thần”, là người khiêm nhường, rất thích đọc sách, tinh thông “Tả Thị Xuân Thu”, “Binh pháp Tôn Tử”. Phùng Dị ban đầu phò tá Vương Mãng, sau quy thuận theo Lưu Tú và lập được nhiều chiến công. Ông là người dũng cảm thiện chiến, thường thường tiên phong dẫn đầu trận chiến, làm mũi nhọn cho các cánh quân. Binh sĩ đều mong muốn và sẵn lòng được theo ông.

Phùng Dị giỏi sử dụng mưu lược, liệu địch quyết thắng, cai quản quân đội rất nghiêm minh, đồng thời lại rất quan tâm đến nỗi thống khổ của dân chúng. Ông được đánh giá là người có công lao rất lớn trong việc gây dựng cơ nghiệp cho nhà Đông Hán.

Sau mỗi lần thắng trận trở về, Hoàng đế đều yêu cầu các tướng quân đánh giá công lao để luận phần thưởng. Mỗi lần như vậy, tất cả các tướng quân đều tụ hội lại với nhau, mọi người ai cũng đều nói bản thân mình có bao nhiêu công lao. Trong khi mọi người đều đang khoe khoang về công lao của mình thì Phùng Dị vẫn im lặng không nói một câu nào. Ông thường đến dưới một gốc cây đại thụ, lặng lẽ ngồi ở đó, không tranh danh đoạt lợi với họ. Thấy một người có đức hạnh, lập được nhiều công lao như Phùng Dị lại không tranh danh đoạt lợi nên những người kia tự xấu hổ, cũng tự bớt khoe khoang.

Hán Quang Vũ Đế sau khi biết chuyện càng tín nhiệm Phùng Dị hơn. Đồng thời, Hoàng đế cũng phong ông làm “Đại Thụ tướng quân”. Thanh danh của Phùng Dị cũng bởi vậy càng được truyền rộng ra ngoài, trong quân đội không người nào không nghe tiếng tăm của ông.

Trong sách “Hậu Hán Thư” còn ghi chép một câu chuyện khác. Số là vào triều Hán có chế độ phong “Ngũ kinh bác sĩ”. Bác sĩ là một chức quan, “Ngũ kinh bác sĩ” là người tinh thông và có thể giảng giải truyền dạy về ngũ kinh, bao gồm “Dịch”, “Thư”, “Thi”, “Lễ”“Xuân Thu”. Vào thời ấy để đạt được địa vị bác sĩ là việc không hề dễ dàng chút nào.

Vào những năm Kiến Vũ đời Quang Vũ Đế nhà Đông Hán có một vị Thái học bác sĩ tên là Chân Vũ, là người An Khâu, Bắc Hải. Chân Vũ tính trầm tĩnh, ít ham muốn dục vọng, là người trung hậu, gặp chuyện luôn khiêm nhường.

Cứ đến tháng Chạp hàng năm, Hoàng đế đều ban thưởng cho mỗi quan bác sĩ một con dê để họ ăn tết. Vào tháng Chạp năm nọ, các Bác sĩ ngũ kinh nhận được ban thưởng của Hoàng đế, mọi người phân chia nhau dê mà Hoàng đế đã ban cho.

Tất cả các Bác sĩ ngũ kinh đều vây quanh lựa chọn, còn tranh chấp với nhau: “Con này béo, con kia gầy, thế này thì không công bằng”. Mọi người bàn tán mãi không ngừng. Có người đề nghị giết dê rồi phân chia thịt, có người lại đưa ra phương án rút thăm để cho công bằng. Sau khi Chân Vũ nhìn thấy thì chỉ lẳng lặng chẳng nói câu nào, đi đến đàn dê, dắt một con dê vừa nhỏ vừa gầy ra về.

Chân Vũ vừa làm như thế thì các vị bác sĩ khác đều cảm thấy hổ thẹn. Hành vi sẵn sàng chịu thiệt, khắc chế bản thân và nhường cái tốt cái lợi cho người khác của Chân Vũ đã tự nhiên khai đạo cho mọi người. Về sau, Hoàng đế biết chuyện đã phong Chân Vũ làm “Bác sĩ dê gầy”.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: