Có thể nói, thời nào cũng có những kẻ tiểu nhân. Họ dùng rất nhiều thủ đoạn để đạt được mục đích của mình. Vì vậy, khi ở cùng tiểu nhân nếu không cẩn trọng rất có thể sẽ phải gặp hậu quả lớn. Cho nên, học được cách nhận biết tiểu nhân và cách đối đãi với họ như thế nào là vô cùng trọng yếu. Cổ nhân vô cùng coi trọng điều này.

Gian than
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

Lời nói và việc làm đặc trưng của tiểu nhân

Tiểu nhân thường có 8 đặc điểm đặc trưng dưới đây:

1. Thường bịa đặt và dựng chuyện

Thông thường, kẻ tiểu nhân bịa đặt và dựng chuyện là vì nhiều mục đích khác nhau chứ không đơn thuần chỉ là để mua vui. Có những kẻ bịa đặt, dựng chuyện để được thăng chức, mưu lợi cá nhân, gây bất lợi cho người khác, bôi nhọ đối thủ để nâng cao bản thân. Từ ngữ mà họ thường sử dụng là “nghe nói” để đặt câu, bịa đặt và bẻ cong sự thật.

2. Gây xích mích và ly gián

Trước mặt bạn, kẻ tiểu nhân sẽ nói bạn hay, chê người kia dở nhưng trước mặt người kia, bạn lại là kẻ chẳng ra gì. Kẻ tiểu nhân thường tìm cách lấy lòng tất cả nhưng lại ngấm ngầm chia cắt tình bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí gây ra những tranh cãi và mâu thuẫn khó có thể hàn gắn. Hơn nữa, miệng lưỡi những kẻ tiểu nhân thường rất khéo léo, cho dù bị phát hiện, họ cũng biết cách thoái thác, phủi sạch trách nhiệm

3. Nịnh hót

bạn bè
(Hình minh họa: Qua read01)

“Ca ngợi cổ vũ” khác hẳn với “nịnh hót thúc ngựa”. Trước mặt những người có tương lai, uy quyền hay người có thể cho họ lợi ích, kẻ tiểu nhân sẽ không tiếc lời nịnh hót, nói lời ngọt ngào, làm cho người nghe vui sướng mà đánh mất phương hướng. Ở nơi công tác, kẻ tiểu nhân thường tận sức thân cận với người cấp trên, tận dụng thời cơ, mách lẻo để được sủng ái.

4. Bằng mặt nhưng không bằng lòng

Ở phương diện làm việc, lời nói và việc làm của kẻ tiểu nhân là không đồng nhất. Họ rất giỏi về bề ngoài, chờ thời cơ để “tranh công đoạt thưởng”.

Ở phương diện đối nhân xử thế, hành vi và suy nghĩ trong lòng của kẻ tiểu nhân là hai mặt không đồng nhất. Có khi trước mặt bạn thì nói lời hay, chúc tụng bạn nhưng sau lưng lại bán đứng bạn.

5. Gió chiều nào xoay chiều ấy

Ở bất kỳ nơi đâu, khi biết được ai có vị thế hơn, kẻ tiểu nhân sẽ làm thân và nương tựa vào họ. Ngược lại ai là người thất thế, kẻ tiểu nhân sẽ trở mặt ngay lập tức. Sở dĩ họ làm như vậy là vì muốn lợi dụng người có quyền thế để nâng cao địa vị của mình. Đối với những người không có giá trị lợi dụng, họ sẽ không thân cận, thậm chí dương oai, ung dung tự đắc.

6. Sẵn sàng chà đạp người khác để leo lên trên

quân tử
(Hihnhf minh họa: Qua Kknews.cc)

Kẻ tiểu nhân vui với việc chiếm lợi của người khác. Nếu bạn là người trồng cây, kẻ tiểu nhân sẽ tìm mọi cách hái quả. Nếu bạn là người giúp họ thành công, họ sẽ không báo đáp thậm chí còn trở mặt vô tình.

7. Thấy người gặp nguy, thừa cơ hãm hại

Ở nơi làm việc, nếu có đồng nghiệp mắc sai lầm hoặc thất bại trước một nhiệm vụ nào đó, bị cấp trên phê bình, những kẻ tiểu nhân sẽ sẵn sàng bồi thêm một hai nhát dao chí mạng khiến “nạn nhân” càng lúc càng rơi vào “vòng nguy hiểm”.

8. Đổ trách nhiệm cho người khác

Nếu bản thân có sai lầm trong công việc, hành động, hay lời nói, kẻ tiểu nhân sẽ một mực không thừa nhận mà tìm một người thế thân gánh nạn. Tài ăn nói của những người này rất sắc bén, giảo hoạt thậm chí dám “thề sống chết” để đẩy trách nhiệm. Họ có thể đổi trắng thay đen, khiến mọi người nhầm lẫn mà lan truyền đi những thông tin sai sự thật. Thậm chí có những lúc “chân tướng” vì thế mà bị giấu diếm và cho dù được phát hiện khi việc đã rồi, mức độ ảnh hưởng của nó cũng đã không còn nữa.

Cách đối đãi với kẻ tiểu nhân

tiểu nhân
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

Khi đã nhận biết được kẻ tiểu nhân, nếu không thể tránh xa thì phải hiểu được nên đối đãi chung sống với họ như thế nào? Dưới đây là một số lời khuyên của cổ nhân.

1. Đừng “đắc tội” với tiểu nhân

Tiểu nhân thường không cho rằng bản thân mình là người gian trá và không phúc hậu. Họ có độ mẫn cảm rất cao lại khuyết thiếu đức hạnh. Cho nên, chỉ cần thấy người khác đối xử không vừa ý, cho rằng đắc tội với mình là họ làm ra những việc bất chấp hậu quả. Cổ nhân ví, tiểu nhân có “mắt tinh như ưng, lưỡi sắc như kiếm”, nên bạn tuyệt đối không phải là đối thủ của họ.

2. Giữ khoảng cách

Cổ nhân nói: “Kính nhi viễn chi” (kính trọng nhưng không gần gũi). Đối với tiểu nhân, nhất định cần giữ khoảng cách. Khi đối mặt với tiểu nhân cần phải giữ tâm bình thản. Bởi vì tiểu nhân “khẩu phật tâm xà”, trở mặt vô tình nên rất khó khiến người khác kịp trở tay.

3. Nói chuyện cẩn thận

bao dung
(Hình minh họa: Qua kknews)

Nói chuyện với tiểu nhân cần phải cẩn thận và giữ mức khách sáo. Nếu phê bình hoặc đàm luận chuyện riêng tư của tiểu nhân thì chính là bạn đang kích thích mối thù hận trong họ. Nếu như họ phê bình hay đàm luận chuyện riêng tư của người khác thì nhất định không nên nghe.

4. Không nên có mối liên hệ lợi ích với họ

Điều mà người quân tử coi trọng là đạo nghĩa còn điều mà kẻ tiểu nhân xem trọng chính là lợi ích. Khi gặp một vấn đề hay một lựa chọn nào đó, người quân tử trước tiên sẻ dùng tiêu chuẩn “đạo nghĩa” để cân nhắc, cuối cùng mới lựa chọn. Kẻ tiểu nhân gặp vấn đề cần lựa chọn thì trước tiên nghĩ xem nó có lợi cho bản thân như thế nào. Cho nên, tiểu nhân sẽ vì lợi ích bản thân mà học cách giao tiếp lấy lòng người.

Thoạt nhìn, kẻ tiểu nhân thường hòa đồng, nhiệt tình và có nhiều chỗ tốt nhưng ngàn vạn lần không nên dựa vào họ để đạt được lợi ích của mình. Bởi vì hồi báo mà họ muốn nhận được phải gấp nhiều lần điều bạn muốn. Vì thế, dựa vào tiểu nhân thì thường sẽ “mất nhiều hơn được”.

5. Chịu thiệt một chút

Trong cuộc sống, đôi khi tranh giành với kẻ tiểu nhân chẳng những không lấy lại được công đạo mà trái lại còn kết thù hận. Cổ nhân nói: “Nhẫn một chút gió êm sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”, có những khi chịu thiệt một chút trước mắt nhưng lại hóa giải được mối họa về sau. Huống chi, công đạo là ở trong lòng người, biết rõ đó là tiểu nhân, ai còn dám kết giao?

An Hòa (dịch và t/h)

Xem thêm: