“Vọng tử thành tài, vọng tử thành danh”, mong cho con thành tài thành danh có lẽ là tâm nguyện của hầu hết người làm cha mẹ trong thiên hạ, Hoàng đế cũng không ngoại lệ. Thời cổ đại, Đế vương các đời còn có cách gọi là “chân long thiên tử”, Hoàng đế đối với con cái thì “vọng tử thành long”. Từ xưa đến nay, người “vọng tử thành long” không phải là ít, nhưng người thực sự thực hiện được nguyện vọng này lại không nhiều. Tào Tháo thời Tam Quốc chính là một trong số ít những người thực hiện được mong muốn “vọng tử thành long” này.

Cách Tào Tháo giáo dục các con thành tài
Tào Tháo. (Tranh: Họa sĩ Tsukioka Yoshitoshi, Artsy.net, Public Domain)

Tào Tháo trong lịch sử là người có hùng tài đại lược, nổi tiếng hậu thế. Ông không chỉ là chính trị gia, quân sự gia, văn học gia kiệt xuất mà còn là một nhà giáo dục hiếm có. Trong quá trình giáo dục các con thành tài, ông cũng đồng thời thể hiện ra tài năng kiệt xuất của mình.

Thời kỳ Tam Quốc là một thời đại mà tầng tầng lớp lớp anh tài xuất sinh, quần hùng tranh đoạt. Trong rất nhiều anh hùng hào kiệt, người mà Tào Tháo xem trọng nhất chính là Tôn Quyền. Tôn Quyền từ khi tuổi trẻ đã xưng hùng Giang Nam, sau hơn mấy chục năm trị quốc trong thời kỳ loạn thế, ông thể hiện là người minh triết, nhân từ, trí tuệ và thao lược. Tôn Quyền mặc dù là địch thủ mạnh của Tào Tháo nhưng Tào Tháo lại không kìm nổi lòng mình mà thốt lên rằng: “Sinh tử đương như Tôn Trọng Mưu”, ý nói sinh con ra thì con phải được giống như Tôn Quyền. Đây cũng là tiêu chuẩn “vọng tử thành long” của Tào Tháo.

Làm thế nào để con cháu có thể trở thành người giống như Tôn Quyền? Tào Tháo hiểu được rằng “long” là cần phải thông qua giáo dục, bồi dưỡng mới thành được. Ông hoàn toàn có thể dựa vào quyền thế của mình khiến cho những đứa con của mình có thể không có công mà được hưởng lộc “vô công nhi thụ lộc”, không có tài mà được địa vị “vô tài nhi thụ vị”, không đủ đức mà được tôn quý “vô đức nhi thụ tôn”. Nhưng ông không muốn làm như vậy, đồng thời cũng không cho phép các con có loại suy nghĩ này.

Ông đặc biệt ban bố “Chư nhi lệnh”, nói với các con:

“Các ngươi khi còn nhỏ tuổi, ta đều yêu thích, nhưng sau khi đã lớn rồi, ai có chân tài thực học thì ta trọng dụng người đó. Ta đã nói là sẽ giữ lời. Ta chẳng những không bất công đối với thuộc cấp của mình mà đối với thân tình cốt nhục ta cũng sẽ không thiên vị”.

Trong việc dạy dỗ cụ thể các con trai của mình, Tào Tháo cũng rất đặt công phu. Dù bận trăm việc, ông cũng không quên dạy con đọc sách, tập võ. Đặc biệt, ông chú ý căn cứ theo sở thích, sở trường của các con để khéo léo dẫn dắt, tùy theo khả năng đến đâu thì dạy đến đó.

Con trai cả của Tào Tháo là Tào Chương từ nhỏ đã giỏi bắn và cầm cương ngựa. Tào Tháo nhận thấy Tào Chương giỏi làm tướng nên đã dạy Tào Chương theo hướng trở thành võ tướng. Hàng ngày, Tào Tháo đều dạy con tập võ, truyền dạy tri thức quân sự.

Con trai thứ hai là Tào Phi vốn là Thái tử, Tào Tháo chú trọng bồi dưỡng Tào Phi về năng lực trị quốc trị quân để làm tăng tài năng nắm giữ triều đình.

Con trai thứ ba là Tào Thực, là người đặc biệt yêu thích văn học. Tào Tháo dạy Tào Thực ngâm thơ làm phú, mục tiêu là bồi dưỡng Tào Thực thành một văn học gia kiệt xuất. 

Giỏi nắm bắt thời cơ thuận lợi và khơi dậy hoài bão của các con trai là điều mà Tào Tháo luôn chú trọng trong quá trình dạy con. Năm Tào Thực 23 tuổi, ông đã nói với con trai rằng: “Ta lúc trước, khi làm huyện lệnh Đốn Khâu, là 23 tuổi. Bây giờ nhớ lại những việc làm của mình lúc ấy, cũng không có gì phải hối hận cả. Hiện giờ ngươi cũng đã 23 tuổi, sao có thể không hăng hái cố gắng?” Tào Tháo đã dùng chính những việc làm của mình thời thanh niên để khích lệ Tào Thực. Vừa chứa đựng tình yêu thương lại vừa chứa đựng yêu cầu nghiêm khắc là đặc điểm trong cách giáo dục con của Tào Tháo. 

Khi Tào Chương vâng mệnh chinh phạt phía bắc, Tào Tháo đã nghiêm khắc nói: “Ở nhà chúng ta là cha con, khi đã nhận mệnh chinh phạt thì là quân thần, nhất cử nhất động của ngươi đều sẽ dùng vương pháp để xử. Ngươi phải chú ý!” Nói những lời ấy, chính là Tào Tháo muốn con trai hiểu rõ rằng không được nghĩ mình là con trai của vua thì có thể phóng túng qua loa, nếu làm hỏng việc quân cơ thì sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Vừa dùng lời lẽ để giáo dục, vừa để con nhận được sự giáo dục trong cuộc sống thực tế là đặc điểm thứ hai trong cách dạy con của Tào Tháo.

Đối với Tào Phi, Tào Tháo không cho phép ở trong cung đình cả ngày mà luôn dẫn theo bên mình để Tào Phi sống và học tập ở trong các quân doanh nơi chiến trường, trong chiến hỏa mà rèn luyện bản thân. Khắc khổ tôi luyện, trải qua mưa gió khắc nghiệt, không cho phép sống an nhàn sung sướng hưởng thụ, như vậy mới có thể trị vì quốc gia. Đây là đặc điểm thứ ba trong việc dạy con của Tào Tháo.

Cách dạy dỗ tỉ mỉ của Tào Tháo cuối cùng đã thu hoạch được thành quả đáng ngưỡng mộ. Ba con trai của Tào Tháo, người giỏi văn người giỏi võ. Con trai lớn Tào Chương trở thành một tướng quân thiện chiến dũng mãnh, từng làm Việt Kỵ tướng quân, trấn thủ Trường An. Về sau, Tào Chương được thăng làm Nhiệm Thành Vương. Tào Phi và Tào Thực đều trở thành những văn học gia rất có thành tựu. Hai người con này cùng với Tào Tháo được xưng là “Tam Tào”, có địa vị hiển hách trong lịch sử văn học Trung Hoa. Tào Phi sau này cũng thừa kế ngôi Ngụy vương của Tào Tháo, cuối cùng ép Hán Hiến Đế nhượng vị, trở thành Ngụy Văn Đế, lập ra nhà Ngụy.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Du Duyệt
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: