Khi nhắc đến nữ nhân thời cổ đại, người ta thường hình dung họ là những người “chân không bước ra khỏi cổng”, ít học. Nhưng trong các lĩnh vực văn học, sử học… vẫn xuất hiện không ít các tài nữ như Trác Văn Quân, Ban Chiêu, Thái Văn Cơ, Thượng Quan Uyển Nhi, Lý Thanh Chiếu… Vậy đức hạnh và tài năng xuất chúng của họ được bồi dưỡng ra như thế nào?

Cách thức bồi dưỡng ra nữ nhân tài năng đức hạnh thời xưa
(Tranh minh họa: Phan Chấn Dong, Public Domain)

Trong “Lễ ký. Nội tắc” viết: “Nữ tử thập niên bất xuất, mỗ giáo uyển vãn thính tòng, chấp ma tỉ, trì ti kiển, chức nhâm tổ xuyên, học nữ sự dĩ cộng y phục, quan vu tế tự, nạp tửu tương, biên đậu, trư hải, lễ tương trợ điện”. Nghĩa là nữ tử từ sau mười tuổi không được tùy tiện ra khỏi cửa, cần phải có phó mẫu (nữ gia sư) đến nhà dạy bảo sao cho cử chỉ dịu dàng, lễ độ, còn phải học cách dệt vải, may áo, xe sợi và rất nhiều quy tắc về hiến tế điển lễ.

Đương nhiên, trong việc truyền thụ này, phó mẫu cũng truyền thụ về tri thức văn hóa, giúp cho các cô gái trở thành các tài nữ vừa giỏi giang lại vừa đức hạnh.

Bởi vì phó mẫu phải truyền thụ nhiều tri thức như vậy nên trách nhiệm của họ là rất lớn. Chính vì thế cổ nhân rất thận trọng trong việc tuyển chọn phó mẫu. Thông thường phó mẫu không chỉ có xuất thân cao quý mà bản thân họ cũng phải là hiền nữ có đủ tài và đủ đức.

Tài nữ Ban Chiêu thời Đông Hán từng nói về mình: “Bỉ nhân ngu ám, thụ tánh bất mẫn. Mông tiên quân chi dư sủng. Lại mẫu sư chi điển huấn”, nghĩa là Ban Chiêu hèn kém, bẩm sinh không thông minh cũng chẳng tài cán, nhờ ân đức của tiên phụ che chở, được nhận làm mẫu sư dạy học. Câu này của Ban Chiêu đã nói rõ bà từng làm phó mẫu, dốc lòng dạy đạo cho học trò. Có thể thấy, nữ nhân thời cổ đại tuy rằng chân không bước ra khỏi cổng nhưng vẫn được thụ nhận sự giáo dục đầy đủ giống như nam nhân nhờ phó mẫu. Khó trách trong lịch sử từng xuất hiện không ít tài nữ lưu danh thiên cổ như vậy.

Mối quan hệ giữa phó mẫu và nữ học trò cũng giống như mối quan hệ thầy trò, mẹ con, vô cùng gần gũi thân thiết. Trong các gia đình quý tộc, phó mẫu thường làm bạn với tiểu thư cả đời, thời thời khắc khắc ở bên để chỉ dạy lời nói và hành vi cử chỉ của họ sao cho đúng phép tắc.

Thời Xuân Thu, công chúa Trang Khương của nước Tề sau khi được gả cho vua nước Vệ là Vệ Trang Công thì cách ăn mặc trở nên kỳ quái, sặc sỡ, lời nói và việc làm đã chệch đi so với đạo hạnh của người làm vợ.

Phó mẫu của Trang Khương nhận ra điểm ấy liền nói với Trang Khương: “Gia tộc của công chúa nhiều đời tôn quý, trở thành điển phạm cho dân chúng. Tư chất và trí tuệ của công chúa nên là mực thước cho thế nhân”.

Công chúa Trang Khương nghe lời khuyên răn thì tỉnh ngộ ra, tu chỉnh lại phẩm tính của bản thân. Chuyện về nàng được ghi chép lại trong “Liệt nữ truyện”. Bài thơ “Thạc nhân” trong “Thi kinh” chính là ca ngợi về dung mạo đẹp đẽ và đức hạnh tốt đẹp của công chúa Trang Khương.

Để bồi dưỡng ra các tài nữ thì vai trò của cha mẹ là không thể thiếu. Thời cổ đại, trong các danh môn vọng tộc thì người cha thường là người có học vấn sâu rộng, tài trí hơn người, còn người mẹ cũng là những phụ nữ xuất sắc, không chỉ giỏi dệt vải, thêu may mà còn có thể xuất khẩu thành thơ. Họ chính là những người thầy đầu tiên và tốt nhất của con cái.

Trong lịch sử, rất nhiều những đại tài nữ đều do cha mẹ bồi dưỡng mà thành. Vào cuối thời Đông Hán, Thái Văn Cơ nổi tiếng là người có tài văn chương và tinh thông âm luật. Cha của Thái Văn Cơ chính là Thái Ung, một văn sĩ có học vấn uyên thâm. Khi Thái Văn Cơ còn nhỏ, cha của bà đã tặng cho bà hơn bốn nghìn cuốn sách cổ. Sau nhiều năm dụng tâm học tập, Thái Văn Cơ có thể đọc thuộc lòng khoảng bốn trăm cuốn. Điều này khiến không ít người phải thán phục.

Thời Tiền Tần còn có một người tên là Tống Thị, xuất thân trong gia đình Nho học. Ngay từ nhỏ Tống Thị đã mồ côi mẹ, do một tay cha nuôi nấng bồi dưỡng. Tống Thị không có anh chị em. Cha của bà đã truyền thụ cho bà cuốn “Chu lễ” (còn gọi là Chu quan kinh) với hy vọng bà không rời xa học tập.

Về sau, quốc quân Phù Kiên thị sát Thái học đã rất tiếc nuối vì không có ai truyền thụ lễ nhạc. Có người biết được nỗi lo của Phù Kiên nên đã tiến cử Tống Thị. Phù Kiên phong Tống Thị làm Tuyên văn quân, đồng thời tuyển chọn hơn một trăm học sinh đến để bà truyền dạy “Chu lễ”. Tống Thị được xem là vị nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.

Trong lịch sử có tứ đại hiền mẫu nổi tiếng, được rất nhiều người biết đến là mẹ của Mạnh Tử, mẹ của Đào Khản, mẹ của Nhạc Phi và mẹ của Âu Dương Tu. Có thể thấy vai trò của người mẹ trong việc dạy dỗ con cái là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trong văn hóa truyền thống đề xướng “nam tử chủ ngoại, nữ tử chủ nội” (người đàn ông lo việc bên ngoài, người phụ nữ thu vén việc trong nhà) thì vai trò của người mẹ trong việc giáo dục con cái lại càng quan trọng hơn.

Cuối thời Minh có một nữ thi nhân truyền kỳ tên là Trầm Nghi Tu chưa từng học qua trường lớp nhưng được sinh ra trong một gia đình mẫu mực, được đánh giá là người có tài năng thiên bẩm, đức hạnh cao đẹp.

Sau khi Trầm Nghi Tu lập gia đình, sinh hạ được năm người con trai và ba người con gái. Bà đã tự mình dạy các con thơ văn và kinh Lễ. Ba người con gái của bà là Diệp Hoàn Hoàn, Diệp Tiểu Hoàn và Diệp Tiểu Loan đều là những cô gái đẹp thùy mị nết na và giỏi sáng tác. Bốn mẹ con thường thích cùng nhau làm thơ, ca hát… trong khuê phòng. Họ lưu lại rất nhiều áng văn chương đẹp đẽ. Về sau, chồng của Trầm Nghi Tu đã chỉnh lý lại các tác phẩm của vợ và con gái thành các tác phẩm truyền thế như “Sầu ngôn”, “Tồn dư cảo”, “Phản sinh hương”

Con đường trở thành tài nữ của nữ nhân thời cổ còn có nhiều cách khác nhau. Như một số gia đình sẽ mời thầy giáo đến nhà giảng đạo, một thầy một trò. Thời Đông Hán, việc nữ nhân được đến trường học có lẽ là đặc quyền của con nhà quý tộc. Nhưng đến thời nhà Tống thì đã có quy định nữ nhân trong các gia đình bình thường cũng có quyền được đi học. Tuy rằng có nhiều cách như vậy, nhưng vai trò của phó mẫu và cha mẹ vẫn là chủ đạo trong việc bồi dưỡng ra các tài nữ lưu danh thiên cổ.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: