“Làm quân vương mà tham lam thì mất nước, làm bề tôi mà tham lam thì mất mạng”, đây là câu mà Hoàng đế Đường Thái Tông dùng để răn dạy các quần thần, cũng là lời ông dùng để ước chế bản thân mình. Kỳ thực, không chỉ có người làm vua làm quan mới phải giới tham, mà một người bình thường cũng phải luôn nhắc nhở bản thân về điều này. Bởi vì dục vọng, ham muốn của con người là vô cùng vô tận, cho nên đứng trước vật chất, danh lợi, thì chỉ người nào có tâm biết đủ, thuận theo tự nhiên thì mới sống được an vui, yên bình.

Trong cuốn “Trinh Quán Chính Yếu” có ghi chép lại những lời bàn luận của Đường Thái Tông và quần thần về vấn đề “không nên tham lam”. Đường Thái Tông đã bốn lần nhắc tới vấn đề này.

Cơ duyên nào ngọc quý từ phủ chúa Nguyễn đến tay vua Càn Long?
(Tranh minh họa: Giuseppe Castiglione, Wikipedia, Public Domain)

Người tham lam là người không biết quý trọng sinh mệnh bản thân

Đầu những năm Trinh Quán, Đường Thái Tông nói với quần thần rằng:

“Người nào có minh châu, họ không thể không coi nó là quý báu. Nếu họ dùng minh châu để bắn chim sẻ, thế thì chẳng phải rất đáng tiếc hay sao? Huống hồ, sinh mệnh của con người mà so với minh châu thì còn trân quý hơn nhiều lần.

Người nào khi nhìn thấy kim tiền, tài vật liền không còn sợ lưới trời nữa, lại còn dám trực tiếp nhận hối lộ, thì người đó chính là không biết trân quý sinh mệnh của mình. Minh châu là vật ngoại thân, còn không nên dùng để bắn chim sẻ, huống nữa là sinh mệnh con người quý giá như thế, lại dùng để trao đổi lấy tài vật là sao? Nếu như các khanh đều có thể trung thành và chính trực, làm những việc có lợi cho đất nước và dân chúng, thế thì các khanh sẽ được thăng quan tiến chức rất nhanh. Tuy nhiên, nếu các khanh truy cầu vinh hoa, lại còn dám nhận hối lộ, một khi việc nhận hối lộ bị bại lộ thì sinh mệnh tất sẽ bị diệt vong.”

Cũng là đạo lý này, bậc đế vương nếu mặc sức phóng túng vui chơi, bắt dân lao khổ vô độ, tin tưởng trọng dụng tiểu nhân, xa lánh người trung thành chính trực, thì sao có thể không diệt vong?

Vua tham lam thì mất nước, bề tôi tham lam thì mất mạng

Năm Trinh Quán thứ hai, Vua Đường Thái Tông lại giảng cho quân thần:

“Trẫm từng nói về người tham tiền tài thực ra không hề biết trân quý tiền tài. Tỷ như, quan viên ngũ phẩm trở lên của triều đình và địa phương có bổng lộc hậu đãi trong một năm là rất lớn. Nếu nhận của cải hối lộ của người khác, bất quá cũng chỉ mấy vạn. Một khi sự tình bại lộ thì chức vị và bổng lộc đều mất hết, đây chẳng phải là không biết trân quý tiền tài sao? Đây là vì cái nhỏ mà mất cái lớn.

Xưa kia, Công Nghi Hưu có cái nết trời sinh là thích ăn cá, nhưng ông ta cũng không nhận cá mà người khác biếu tặng. Cho nên, ông ấy có thể ăn cá lâu dài. Hơn nữa, làm quân chủ mà tham thì sẽ mất nước, làm bề tôi mà tham thì sẽ mất mạng. Trong Kinh Thi viết: ‘Đại phong hữu toại, tham nhân bại loại’ (gió to thổi rất mạnh, người tham lam sẽ gieo hại cho rất nhiều người khác). Những lời này quả thực không phải lời nói đùa.”

Ngày trước Tần Huệ Vương muốn đánh nước Thục, nhưng không biết đường tới nước Thục. Ông ta bèn làm năm con trâu bằng đá, dát vàng vào phía sau của trâu đá. Khi người nước Thục nhìn thấy trâu vàng, họ tin rằng trâu có thể bài tiết ra vàng. Thục Vương phái năm đại lực sỹ mang trâu vàng về nước Thục, khiến cho con đường dẫn tới nước Thục bị lộ. Quân Tần đi theo sau và đã đánh chiếm được nước Thục. Nước Thục bị diệt vong.

Đường Thái Tông tiếp tục đưa ra một thí dụ khác: “Điền Duyên Niên, Đại ti nông của triều Hán đã ăn hối lộ 3000 vạn, sau khi sự việc bị phát giác đã tự vẫn mà chết.”

Đường Thái Tông bàn rằng: “Sự việc tương tự như thế, nhiều không thể đếm hết được. Ngày nay Trẫm lấy hành vi của Thục Vương làm bài học cho mình. Các khanh phải lấy Điền Duyên Niên làm bài học cho mình, không được đi theo vết xe đổ của ông ta.”

Phải biết kính sợ Trời Đất mà không nhận hối lộ

Năm Trinh Quán thứ tư, Đường Thái Tông giảng:

“Trẫm cả ngày đều không dám lười biếng, buông lơi, không những phải lo lắng, yêu thương dân chúng mà còn muốn các khanh thủ giữ được phú quý dài lâu. Trời cao, Đất dày, Trẫm xưa nay luôn thận trọng, kính sợ Trời Đất. Các khanh nếu có thể tuân thủ pháp tắc, giống như Trẫm mà kính sợ Trời Đất, thì chẳng những dân chúng được bình an mà bản thân cũng luôn được vui sướng.

Cổ nhân có câu: ‘Hiền giả mà nhiều của thì giảm ý chí, người ngốc mà nhiều của thì dễ phạm sai lầm.’ Làm việc nếu vì tham ô mà thiên lệch thì sẽ chẳng những phá hoại quốc pháp còn làm hại dân chúng. Cho dù sự tình không bị bại lộ đi nữa thì trong lòng chẳng phải cũng luôn sợ hãi lo lắng sao? Sợ hãi quá nhiều chẳng phải sẽ dễ bị bỏ mạng sao?

Bậc đại trượng phu sao có thể vì tham tài vật mà làm hại đến tính mạng của bản thân và gia đình, khiến con cháu sống trong hổ thẹn đây? Các khanh phải nên khắc sâu ghi nhớ những lời này!”

Họa hay phúc là do tự bản thân chiêu mời mà đến

Năm Trinh Quán thứ sáu, Đường Thái Tông giảng:

“Cổ nhân nói: ‘Con chim sống trong rừng cây, e sợ rằng cây không cao nên làm tổ trên ngọn. Con cá sống dưới nước, sợ rằng nước không sâu nên sống trong lỗ ở tận dưới đáy. Nhưng chúng đều bị con người bắt được là bởi vì tham mồi.’

Hiện giờ, các đại thần đang ở chức vị cao, bổng lộc nhiều nên phải trung thành, chính trực, thanh liêm, vô tư. Như vậy mới không gặp phải tai họa, lại được hưởng phú quý lâu dài.

Cổ nhân nói: ‘Họa phúc không có cửa vào, đều là do con người chiêu mời mà đến.’ Cho nên, những người phạm pháp đều là bởi vì ham của cải, lợi ích. Những người này so với chim, với cá thì có khác gì đâu? Các khanh hãy suy ngẫm những lời này làm tham khảo và cảnh giới chính mình.”

Đường Thái Tông cùng với các đại thần là một minh họa tốt nhất về việc quần thần có thể tu đức để trị quốc, giới tham để an bang. Họ cuối cùng giúp nhà Đường trở thành một vương triều cường thịnh nhất chưa từng có trong lịch sử.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: