Người làm nghề nông không ai là không mong chờ tới ngày thu hoạch. Và mong nhìn thấy cây trái lớn lên mỗi ngày, ít sâu bệnh, ít cỏ dại để đỡ tốn công chăm sóc và bội thu.

Nhưng, cái gì cũng có quy luật tự nhiên của nó. Rau ăn lá phải có đủ thời gian từ một tháng đến một tháng rưỡi, lúa phải năm tháng, xoài nhãn… một năm chỉ có một mùa, con heo phải nuôi sáu tháng trở lên. Cỏ luôn luôn sống khoẻ và mọc mãi dù hạt giống bị vùi dưới mương nhiều năm hay bị nhai, bị nhào trộn ợ lên nhai lại trong ruột con bò thì khi thành phân gặp đất, khi vét mương vứt sình lên bờ hạt giống cỏ lại mọc.

Người tự cho rằng mình khôn ngoan, cãi lại tự nhiên, bèn chế ra đủ thứ các loại thuốc diệt cỏ, tăng trọng, tăng trưởng, lai tạo ra đủ thể loại giống lúa ngắn ngày… với tâm lý ngày càng nóng vội và bạo liệt hơn.

Cám dỗ, thành tích và lòng tin
(Tranh minh họa: Facebook Nguyễn Ngọc Tú)

Họ bạo liệt trong tìm kiếm lợi nhuận kéo theo đó là sự khốn nạn cùng cực khi vì lợi nhuận mà tăng liều lượng độc hại cho đất. Việt Nam giờ chỗ nào cũng ô nhiễm, đất đã bị bức tử từ lớp bề mặt cho đến tầng ngầm. Đất bị bức tử vì các công ty hoá chất, vì nhà nông bị các đại lý thuốc bảo vệ thực vật dụ dỗ, vì các công ty xả thải không qua xử lý ra môi trường, vì các chính sách ngông muội như “nghiêng đồng đổ nước ra sông” “trồng cây gì nuôi con gì” chạy theo sản lượng, thành tích.

Từ niềm mong nhỏ của người nông dân đến túi tham không đáy của kẻ kinh doanh hoá chất đến sự cám dỗ muốn thay trời của chính phủ nên nền nông nghiệp nước ta hiện nay thật là be bét, hư hoại từ đất, nước cho đến đạo đức nghề nghiệp trong trồng trọt, kinh doanh.

Con người, ngoài các nhu cầu bản năng còn có nhu cầu và quyền được hưởng các quyền con người trong đó có quyền được bình an, lành mạnh. Ở các nước, việc kiểm soát, kiểm định cây trồng vật nuôi được các cơ quan chuyên trách thực hiện rất tốt để người dân khi đi mua mớ rau, miếng thịt không cần phải phấp phỏm lo âu, do đó cái quyền được bảo đảm an toàn, bình an, lành mạnh của họ được đảm bảo một cách tương đối. Việt Nam mình thì chẳng biết tin vào đâu. Chỉ một việc nhỏ là cái ăn cho vào miệng hằng ngày mà vẫn nơm nớp sợ hãi từ cọng rau đến con cá, miếng thịt, ly cà phê, tách trà… Nhìn đâu cũng thấy sự giả dối, gian lận, mất đạo đức nghề nghiệp bởi sự cám dỗ lợi nhuận.

Gạo Thái, gạo Campuchia ngon hơn gạo Việt vì cây lúa được nuôi dưỡng đủ ngày đủ tháng, hạt gạo chất lượng hơn. Việt Nam một năm ba vụ, chạy đua để lấy tiếng “nước xuất khẩu lúa gạo đứng thứ nhì thế giới” cho chính phủ, mà người nông dân vẫn nghèo và nợ đầy đầu, con trai phải đi làm xa, con gái phải đi lấy chồng ngoại kiểu gả bán thậm chí tệ hơn cả bán… Tại sao? Nông, hải sản không có chất lượng, hàm lượng, dư lượng thuốc hoá học cao nên không thể bán được ở các thị trường đòi hỏi sự an toàn, chất lượng cho chính người dân của họ. Giá thấp, bị ép, bị dụ, bị lôi kéo để làm giàu cho các công ty hoá chất, tô hồng báo cáo… thân phận người nông dân bị lợi dụng một cách khéo léo và triệt để nhất mà chẳng mấy ai nhận ra.

Nhiều người tiêu dùng bây giờ lo sợ khi đi chợ thì cũng chỉ biết chửi người làm nông tham, mất đạo đức chứ mấy ai hiểu được nguồn cơn xuất phát từ các chính sách sai lầm, ngông cuồng cùng hệ thống quản lý yếu kém, cơ chế sân sau để kinh doanh trục lợi bất chấp huỷ hoại tất cả từ môi trường cho đến cây lúa, cây rau, con gà con lợn… và dĩ nhiên cả niềm tin giữa con người và con người.

Anh nông dân làm việc cho tôi cũng có thời gian làm vườn khá lâu. Anh hay than sao thấy rau chậm lớn quá. Anh chỉ cách cho tôi phun thuốc trừ cỏ để tôi khỏi sáng sớm đến tối mặt người ngồi nhặt nhạnh từng cọng cỏ bên luống rau, anh chỉ cho tôi cách mua và bón phân hoá học để cây rau lớn phì phì nhanh bán kiếm tiền trang trải chi phí, anh chỉ tôi mua gói thuốc trừ sâu rẻ tiền để phun một cái sâu chết cả loạt khỏi phải vất vả xay ớt, gừng, sả chế thuốc sinh học… Đó là sự cám dỗ mà tôi phải vượt qua mỗi ngày và giải thích ngược lại cho anh hiểu vì sao mình phải tôn trọng quy luật tự nhiên.

Đất này, nước này, con người này là quê hương, là máu thịt, cho dù hư hoại ghẻ lở vẫn là một phần của mỗi người dân Việt. Làm gì đó, cải tạo chút gì đó, thay đổi được chút gì đó là điều mỗi người có lương tri cần phải thực hiện. Trước tiên là từ chối cám dỗ.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: