Trong các tác phẩm điện ảnh, rất nhiều hình tượng quân vương là an nhàn hưởng thụ, uống rượu yêu đương, ngao du săn bắn. Không những thế, họ còn được khắc họa là những vị vua chỉ biết nghe lời nịnh thần mà hà khắc với hiền thần. Kỳ thực, các quân vương trong lịch sử hầu hết đều không phải người như vậy, họ chăm lo chính sự và coi trọng hiền tài, nhờ vậy mà thành tựu vương nghiệp.

Chăm lo chính sự, coi trọng hiền tài mới thành tựu được vương nghiệp
(Tranh minh họa: Giuseppe Castiglione, Wikipedia, Public Domain)

Thời Tây Chu, Chu Công dạy Chu Thành Vương rằng: “Quân tử sở, kì vô dật”, người quân tử không để mình nhàn rỗi. Chu Công cũng nêu ra nhiều ví dụ để cảnh báo Chu Thành Vương chấp chính phải siêng năng, cần kiệm, không nên ham hưởng thụ an nhàn, không ngại khó ngại khổ, thương xót dân chúng. Có như vậy mới giữ được ngai vàng yên ổn, lâu dài.

Minh quân các triều đại trong lịch sử đều phải là người “vô dật”, tức là không lười biếng, ham hưởng an nhàn. “An dật” là điều cổ nhân rất kỵ, đặc biệt là đối với những người có trọng trách lớn thì càng phải tránh xa. Chính vì thế mà trong cuốn “Thượng Thư” có nguyên một thiên viết về điều này.

Nội dung của thiên “Vô dật” có sức ảnh hưởng rất lớn đến các đời sau. Các đời Hoàng đế đều lấy đó làm bài học để soi xét bản thân, cảnh tỉnh con cháu.

Trong “Tống Sử” viết rằng: Thời Tống Nhân Tông, có một vị đại thần vẽ chữ “Vô dật” thành một bức tranh tặng cho Hoàng đế. Hoàng đế Tống Nhân Tông rất thích bức tranh này, đã treo lên để mỗi ngày ngắm một lần. Hoàng đế còn viết chữ “Vô dật” và treo lên bức bình phong để thời khắc nhắc nhở chính mình, không để mình sa vào an nhàn hưởng lạc.

Trong “Minh Bảo Huấn” có ghi lại đoạn thảo luận của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và các quần thần về thiên “Vô dật”. Minh Thái Tổ viết:

Từ quốc gia bắt đầu, đều cần chăm lo chính sự mới có thể thịnh vượng, nhàn hạ thì dẫn đến diệt vong. Cần cù và an nhàn có quan hệ trực tiếp đến sự hưng vong của quốc gia. Trẫm mỗi lần đọc “Vô dật” đều phải đọc đi đọc lại nhiều lần, tìm kiếm dụng tâm sâu xa của cổ nhân. Vì thế, trẫm từng sai đại thần viết chữ đó lên vách tường của cung điện, mỗi ngày sớm tối đều phải nhìn xem, lấy đó làm điều răn.

Để thành tựu vương nghiệp, quân vương không chỉ phải chăm lo chính sự mà còn phải là người coi trọng hiền tài. Bởi thế mà cổ nhân nói rằng: “Vạn sự thành hay bại, mấu chốt là ở cách dùng người”. Nếu quân vương không thể nhận biết được người hiền tài thì sẽ không có khả năng sử dụng được sở trường của họ một cách hữu ích.

Trong sách “Quản tử. Quân thần” viết: Bậc quân vương có đạo, quan trọng là ở chỗ có đức hạnh để dẫn dắt dân chúng, không coi trọng việc mình có bao nhiêu tài trí thông minh. Tài trí thông minh là trách nhiệm của bề tôi. Có thể thiện dùng tài trí thông minh của bề tôi mới là đạo làm vua.

Trong “Khổng Tử gia ngữ. Vương ngôn giải” viết rằng, bậc minh quân thời cổ đại nhất định đều biết tên của những người tài đức trong thiên hạ. Không chỉ biết tên của họ, biết tài năng thực tế của họ, biết số lượng họ mà còn biết nơi họ sinh sống. Từ đó phong cho họ những tước vị trong thiên hạ để họ được kính trọng. Đây chính là lễ tiết cao nhất, không khiêm nhượng mà khiến thiên hạ được cai trị, dùng bổng lộc của thiên hạ mà khiến kẻ sĩ trong thiên hạ được phú quý. Đây cũng chính là phần thưởng cao nhất, không tổn hao tài vật mà khiến cho người trong thiên hạ đều vui vẻ.

Cho nên nói, có thể thiện dùng những người tài giỏi nhất trong thiên hạ thì chính là người sáng suốt nhất trong thiên hạ. Người như vậy có thể thành tựu vương nghiệp rồi. Hơn nữa, dùng người còn phải giỏi về phát huy sở trường, tránh sở đoản của họ. Giống như lời khuyên của Khổng Tử trong “Luận Ngữ”: “Dụng nhân chi tri khứ kì trá, dụng nhân chi dũng khứ kì nộ, dụng nhân chi nhân khứ kì tham”, dùng người thông minh phải biết bỏ đi mặt gian trá của họ, dùng người vũ dũng thì phải biết áp chế khuyết điểm dễ dàng tức giận của họ, dùng người nhân từ thì phải biết phòng ngừa việc lạm dụng người tốt.

Vương Xán, danh sĩ nổi tiếng thời Đông Hán cũng nói rằng, minh quân phải là người có tấm lòng rộng lớn, quảng đại, không tính toán đến những hiềm khích cũ, chỉ nhớ công mà không nhớ lỗi, như vậy mới có thể thành tựu được vương nghiệp.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: