Con người thế gian, ai ai cũng không ngừng theo đuổi hạnh phúc, mong muốn có được phúc báo trong đời người hữu hạn. Nhưng điều gì mới là hạnh phúc chân chính đây?

Trí tuệ cổ nhân: Căn nguyên của hết thảy hạnh phúc và phúc báo
(Ảnh minh họa: OULAILAX NAKHONE/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Có rất nhiều người cho rằng tiền tài có thể mang lại hạnh phúc, vì thế họ một mực truy cầu tiền tài. Nhưng tục ngữ có câu: “Tâm bỉ thiên cao, mệnh bỉ chỉ bạc”, tâm cao hơn trời thì mệnh mỏng hơn tờ giấy. Một số người tuy rằng lòng tham rất mạnh, trong cuộc sống đem hết những thủ đoạn “hại người lợi mình” để chiếm được lợi ích, nhưng bởi vì trong mệnh không có đức nên từ đầu tới cuối đều không có “duyên” với tiền tài. Cả đời người ấy sống trong nghèo khó, túng quẫn và thất vọng.

Cũng có rất nhiều người thông qua “đầu cơ trục lợi”, lừa gạt, lấp liếm, và những thủ đoạn bất chính khác mà chiếm được tiền tài nhưng lại không có cách nào thoát khỏi sự tra tấn của thiên lý “sinh lão bệnh tử” “nhân quả báo ứng”. Tiền tài sau khi mang đến cho con người một chút khoái hoạt ngắn ngủi thì lại kéo theo sự phiền não và thị phi vô tận. Người có nhiều tiền tài không đồng nghĩa với có nhiều hạnh phúc hay khoái hoạt.

Khi truy cầu và đạt được vật chất, điều mà nội tâm người ta phát ra không phải là niềm vui, mà là sự thỏa mãn nhất thời, là sự thỏa mãn của dục vọng, ham muốn. Nhưng chính dục vọng và ham muốn sau khi được thỏa mãn rồi lại thúc đẩy con người ta khao khát nhiều hơn. Do vậy cái tâm thỏa mãn này không phải là khoái hoạt như nhiều người nhầm tưởng.

Thực ra, lúc trong tâm một người phát ra niềm vui, niềm hạnh phúc, thông thường cũng không phải là lúc đạt được tiền tài vật chất. Niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự thường đến khi tinh thần của con người siêu thoát khỏi hết thảy sự trói buộc của vật chất và danh lợi tình nơi thế gian. Hạnh phúc sẽ đến khi người ta có thể chế ngự được “thất tình lục dục” của bản thân mình, không còn là “nô dịch” của những điều này nữa. Vào những lúc như thế, cho dù người ta ở vào tình thế “hai bàn tay trắng” về vật chất thì cũng vẫn có được sự khoái hoạt và hạnh phúc lâu dài.

Lão Tử giảng: “Tri túc chi túc, hằng túc hĩ”, nghĩa là người biết đủ thì sẽ vĩnh viễn không thấy thiếu thứ gì. Cho nên cũng nói, tiền tài vật chất không quyết định hạnh phúc của con người, nhưng hạnh phúc của một người lại có quan hệ mật thiết với đạo đức của người ấy.

Sự huy hoàng của nền văn hóa truyền thống mấy ngàn năm của nhân loại đều là có quan hệ với đạo đức của con người. Có thể nói nền văn hóa này hính là nền văn hóa của đạo đức, của tu thân dưỡng tính. Bất luận là Nho gia, Đạo gia hay Phật gia đều được thành lập trên nền tảng đạo đức, dạy con người hành thiện tích đức. Đức là trung tâm của văn hóa truyền thống. Nó cùng với “Đạo” tổ hợp thành một chỉnh thể.

Nho gia giảng: “Đức nhuận thân” (đức hạnh làm cho thân thể nhuần nhã), “Tu thân dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân” (tu thân cốt ở đạo, tu đạo cốt ở lòng nhân từ), “Đại đức tất đắc kỳ thọ” (người có đạo đức cao cả thì tự sẽ sống lâu), “Nhân giả thọ” (người nhân từ thì sống thọ). Những câu này đều có hàm ý khuyên răn con người phải tu dưỡng đạo đức cao thượng. “Thọ” là một trong ngũ phúc lớn của con người. “Thọ” bao hàm hai tầng ý nghĩa. Thứ nhất là chỉ việc con người sống lâu, thứ hai là “Tử nhi bất vong vị chi thọ” (chết mà không mất). Nói cách khác, có một số người sống tuy rằng không được lâu nhưng công trạng và tên tuổi của họ thì được người đời lưu truyền mãi mãi.

Đạo gia giảng: “Thiểu tư niệm, khứ tham tâm” (giảm tư tâm, bớt tham tâm), “Họa mạc đại vu bất tri túc, cữu mạc đại vu dục đắc” (không họa nào lớn bằng không biết đủ, không hại nào lớn bằng ham muốn có được). Một người có lòng tham không đáy tất sẽ “được voi đòi tiên”, suy nghĩ vẩn vơ xằng bậy, thậm chí “hại người lợi mình”, cả ngày đều để tâm hồn đi đâu mất. Người như thế sẽ bị gánh nặng tâm lý đè nén mà không thể vui vẻ, hạnh phúc được. Tác phẩm kinh điển của Lão Tử được đặt tên là “Đạo Đức kinh”, cho nên có thể thấy “đạo đức” cũng là tinh hoa của Đạo gia.

Thời xưa có rất nhiều người tu luyện có tín ngưỡng đều không lấy “theo đuổi danh vọng, vật chất” làm mục tiêu cho cuộc đời của mình. Họ lấy tích đức hành thiện, lấy khổ làm vui, thăng hoa nội tâm làm mục đích của cuộc đời, cuối cùng công thành viên mãn, tu thành chính quả.

Trong thế gian, thiện không gì ngoài tu đức, người có đức chắc chắn sẽ được Thượng Thiên chúc phúc. Người có thể bảo trì tâm tính thiện lương sẽ không dễ dàng sinh bệnh, cũng không dễ dàng bị thiên tai nhân họa xâm hại. Bởi vì, đức là căn nguyên, là ngọn nguồn của vạn phúc.

Người có đức hạnh không tốt cho dù có dùng “linh đan dược liệu” cũng không thể kéo dài được thọ mệnh. Từ xưa đến nay, đạo đức là một thể thống nhất, tu đạo chính là tu đức, tu đức chính là tu đạo. Chỉ người có đạo đức mới có thể có được đại trí tuệ, minh tỏ và nắm giữ được những chân lý của vũ trụ. Người không có đạo đức thì vĩnh viễn không có khả năng đạt được trí tuệ, đây là do cảnh giới tư tưởng của họ quyết định.

Mặt khác, đối với con người mà nói, dục vọng là điều đáng sợ nhất. Một người mà có tâm chỉ hướng đến tư dục thì chính là ác nhân, tư dục là ngọn nguồn của vạn ác.

Người có thể đồng hóa với chân lý của vũ trụ thì chính là người đắc đạo. Người có thể thật tâm tu đạo tu đức thì có thể trở thành người đại đức. Còn người có thể thông qua tu luyện mà trở thành người đại đức thì chính là đã đạt được cảnh giới cao nhất của hạnh phúc nhân sinh. “Đức” là ngọn nguồn của phúc, bởi vậy mà người xưa vẫn giảng “tích đức, tích đức”, những lời này thật là có đạo lý!

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: