Năm 2006, lần đầu tiên bộ phim truyền hình 81 tập “Truyền thuyết Jumong” được phát sóng tại Hàn Quốc, bộ phim nhanh chóng tạo ra cơn sốt và lan rộng ra 13 nước châu Á với doanh thu cao kỷ lục 13 tỷ won. Chỉ một năm sau, vào năm 2007 bộ phim này được phát sóng trên truyền hình Việt Nam và khán giả người việt cũng nhanh chóng bị chinh phục bởi tính hấp dẫn của bộ phim lịch sử này. Bộ phim xây dựng theo sát những ghi chép từ lịch sử, giai thoại cùng truyền thuyết về người anh hùng Cao Chu Mông (Go Jumong). 

Jumong đã sáng lập nên vương quốc Cao Câu Ly từ năm 37 TCN, nằm ở phía bắc bán đảo Triều Tiên và Mãn Châu. Ông lên ngôi và xưng là Đông Minh Vương.

Than Tien
Hình tượng Jumong trên màn ảnh. Jumong có nghĩa là “Thần tiễn”. (Ảnh trong phim truyền thuyết Jumong, Fair Use)

Dù rất nhiều người hâm mộ Jumong nhưng có lẽ ít ai biết rằng triều đại mà Jumong sáng lập nên đã kéo dài đến hơn 700 năm, trở thành triều đại lâu nhất tại bán đảo Triều Tiên và là một trong những triều đại lâu dài nhất trên thế giới.

Lịch sử vào những năm cuối cùng của Cao Lâu Ly cho thấy rằng khi dân tộc này đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh to lớn đẩy lui các cuộc tấn công của kẻ xâm lăng; nhưng khi nội bộ chia rẽ, mù quáng vì quyền lực, tham vọng mà đánh lẫn nhau thì Giang Sơn kiệt quệ và dễ dàng bị ngoại bang thâu tóm.

Cung thủ
Jumong là vị vua sáng lập ra vương quốc Cao Câu Ly, ông được biết tới là người có nhiều tài nghệ, trong đó nổi bật nhất là khả năng bắn tên ấn tượng. (Ảnh: Yeowatzup, Wikipedia, CC BY 2.0)

Nội bộ lục đục khiến nhà Đường tấn công

Thế kỷ thứ 6 và thứ 7, nhà Tùy đã từng sử dụng 130 vạn quân chia làm 4 đợt tấn công Cao Câu Ly nhưng đều thất bại. Đến thời hoàng đế Đường Thái Tông, Cao Câu Ly thần phục nhà Đường.

Tuy vậy đến cuối thời hoàng đế Đường Thái Tông thì Cao Câu Ly có biến. Năm 642 quyền thần nắm trong tay quân đội là Uyên Cái Tô Văn đã giết vua Cao Vũ rồi lập Cao Tạng lên tiếm ngôi, mọi quyền hành nằm trong tay Uyên Cái Tô Văn.

Cao Câu Ly không còn thần phục nhà Đường, đồng thời đem quân tiến đánh Tân La – một đồng minh của nhà Đường, khiến nữ hoàng Tân La là Thiện Đức phải cầu cứu Nhà Đường.

Trước lời cầu cứu, năm 645, hoàng đế Đường Thái Tông thân chinh dẫn 20 vạn quân thủy bộ tiến đánh Cao Câu Ly.

Trận đánh thành An Thị

Quân nhà Đường chiếm Liêu Dương cùng nhiều chiến thắng khác tại vùng biên giới nhưng lại bị chặn lại ở thành An Thị thuộc bán đảo Liêu Đông. Thành An Thị dù chỉ có 5.000 quân nhưng được xây dựng rất chắc chắn, khó công phá, quân trong thành cũng được trang bị vũ khí hiện đại.

Dù chỉ có rất ít quân nhưng danh tướng Dương Vạn Xuân của Cao Câu Ly cùng binh tướng đã quyết sống chết với thành, tinh thần quả cảm của họ đã khiến 20 vạn quân nhà Đường phải chùn bước.

Trước tình thế đó, lịch sử Hàn Quốc có ghi chép rằng, quân Đường đã huy động toàn bộ nô lệ và dân phu gồm 50 vạn người để xây một cái gò lớn ở góc đông nam của thành. Gò nằm cách tường thành vài chục mét nhằm để có thể quan sát bên trong thành, thế nhưng gò xây xong thì bất ngờ bị sạt lở và đổ sập.

Sau 88 ngày công phá nhưng không chiếm được thành An Thị, lương thực cạn kiệt, quân Đường phải rút lui trở về. Hoàng đế Đường Thái Tông trong cuộc đời của mình đã trực tiếp cầm quân đánh rất nhiều trận và đều giành thắng lợi, đây là thất bại lớn duy nhất của ông. Khi quyết định rút quân về, hoàng đế đã than rằng: “Ngụy Trưng mà còn sống thì hẳn đã cản Trẫm thân chinh lần này”. (Ngụy Trưng nổi tiếng là một người cương trực, được phong Gián nghị đại phu với nhiệm vụ can gián hoàng đế không mắc phải những quyết định sai lầm. Ông là vị gián quan nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa.)

Sức mạnh đánh tan ngoại bang

Năm 647, hoàng đế Đường Thái Tông nghe lời đại thần phát động các chiến dịch quấy rối nhắm vào vùng biên giới phía bắc Cao Câu Ly nhằm làm suy yếu đối thủ. Đến năm 649, khi nhà Đường chuẩn bị đem quân tấn công, thì hoàng đế Đường Thái Tông mất khiến cuộc tiến quân này phải hoãn lại.

Để cô lập Cao Câu Ly, năm 660, quân nhà Đường và đồng minh của mình là Tân La tiến đánh một đồng minh của Cao Câu Ly là Bách Tế. Cuộc tấn công này khiến Bách Tế bị đánh bại, Cao Câu Ly bị cô lập.

Năm 661 và 662, nhà Đường đưa quân tiến đánh Cao Câu Ly, nhưng nội bộ Cao Câu Ly lúc này rất đoàn kết, nên có đủ sức mạnh để đánh tan quân nhà Đường. Tướng nhà Đường là Bàng Hiếu Thái cùng 13 người con trai bị tử trận trên sông Xà Thủy.

Nội bộ chia rẽ, Giang Sơn kiệt quệ và tan rã

Năm 666, người thực chất nắm quyền lực ở Cao Câu Ly là Uyên Cái Tô Văn qua đời, 3 người con của ông ta đánh lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực khiến binh lực cạn kiệt, nạn đói xảy ra khiến Cao Câu Ly suy yếu.

Con cả của Uyên Cái Tô Văn là Uyên Nam Sinh bị thất thế trước hai người em của mình, liền quyết định đầu hàng quân Đường và dâng nộp nhiều thành trì phía bắc. Quân Đường và Tân La nhanh chóng tiến đến kinh đô Bình Nhưỡng, vua Cao Tạng phải đầu hàng.

Cao Câu Ly mất vào năm 668, sau 705 năm tồn tại. Đây là triều đại tồn tại lâu dài nhất của Triều Tiên và cũng là một trong những triều đại tồn tại lâu dài nhất trên thế giới.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: