“Sinh ra trong một cái hang và lớn lên dưới các vì sao, anh đã có thể chỉ là một người nông dân Trung Quốc nghèo khó. Ấy vậy mà anh lại trở thành một trong những người tiên phong nhất của thời đại. Đảng Cộng sản Trung Quốc khiếp sợ anh, nhưng anh lại được hàng triệu người dân Trung Quốc ngưỡng mộ…”

Trong kỳ 1, chúng ta đã được biết đến hành trình của Cao Trí Thịnh, từ một anh nông dân bán rau đến một luật sư hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, một bước ngoặt đã khiến cuộc đời của Cao Trí Thịnh chuyển hướng, khiến anh rơi từ đỉnh cao của danh vọng đến trắng tay…

Cao Trí Thịnh - Kỳ II: Từ đỉnh cao của danh vọng đến trắng tay
(Ảnh: Epoch Times tiếng Anh)

Tháng 11 năm 2004, Cao bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ những người thân của Hoàng Vĩ, một người tập Pháp Luân Công sống tại Thạch Gia Trang. Hoàng Vĩ đã bị cảnh sát bắt cóc trong khi đưa con tới trường mẫu giáo và bị kết án 3 năm tù trong trại lao động cải tạo mà không hề qua xét xử và không có cơ hội kháng cáo. Gia đình Hoàng Vĩ nhờ cậy Cao đứng ra làm luật sư đại diện để giải cứu anh.

Đó là một thời điểm vô cùng nhạy cảm tại Trung Quốc, sau khi chính quyền nước này khởi động cuộc đàn áp Pháp Luân Công do số lượng người thực hành môn tập này lên tới hơn 100 triệu, vượt quá cả số lượng Đảng viên Trung Quốc. Toàn bộ bộ máy tư pháp nước này được lệnh ngừng tiếp nhận các vụ kiện liên quan đến Pháp Luân Công.

Chính vì thế, tất cả cố gắng của Cao nhằm đưa vụ việc của Hoàng Vĩ ra tòa án đều bị chặn đứng. Trong cuốn hồi ký “Một Trung Quốc công bằng hơn”, Cao kể lại phản hồi thẳng thừng của một thẩm phán cấp cao như sau: “Hiện bên trên đang chỉ đạo từ chối các vụ kiện này, vì thế không cần phải bàn cãi nữa. Cứ đi nói với bất cứ ai mà anh muốn, cứ đi kháng án ở bất cứ chỗ nào anh thích. Chúng tôi không quan tâm.”

Vào thời điểm đó, có rất ít luật sư dám công khai đại diện cho Pháp Luân Công. Một luật sư danh tiếng khác là Quách Quốc Đinh đã làm như vậy. Kết quả là Quách đã bị tước giấy phép hành nghề và phải sống lưu vong ở nước ngoài sau khi trốn thoát khỏi sự giám sát và quấy nhiễu của cảnh sát.

Không còn cách tiếp cận nào khác, Cao đã viết một bức thư ngỏ gửi tới Ngô Bang Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Anh tâm sự: “Trong tình huống là tất cả sự bảo vệ pháp lý đều bị chặn lại thì tôi thật sự không có lựa chọn nào khác. Đây không phải là cách tôi thích. Nếu một luật sư phải sử dụng những cách nằm ngoài các quy trình luật pháp để xử lý vấn đề thì anh ta sẽ rất vất vả.” Tất nhiên, Cao không nhận được lời phản hồi.

Năm 2005 sau đó là một năm bất an đối với Cao…

  • Tháng 5, anh phải ngược xuôi tới Thiểm Tây để giải cứu luật sư Chu Cửu Hổ, người đã bị bắt giữ vì dám điều tra về việc chính quyền tịch thu các mỏ dầu và khiến 60.000 nhà đầu tư thiệt hại.
  • Tháng 7, Cao trợ giúp pháp lý miễn phí cho Thái Trác Hoa, một mục sư Công giáo ở Bắc Kinh. Thái đã bị bắt vì in và phân phát Kinh Thánh cho các tín đồ Công giáo gia đình.
  • Cũng trong tháng 7, Cao nhận bào chữa miễn phí cho Quách Phi Hùng, một nhà hoạt động đã hỗ trợ người dân tại thôn Thái Thạch, tỉnh Quảng Đông, cố gắng bãi nhiệm các quan chức địa phương dựa trên luật pháp Trung Quốc về quyền bãi nhiệm. Nhà chức trách đã đáp trả bằng cảnh sát chống bạo loạn, đánh đập và bắt giữ những người tổ chức biểu tình.
  • Rồi vào tháng 10, Cao tới tỉnh Sơn Đông và phỏng vấn hàng chục người tập Pháp Luân Công, những người đã bị chế độ bức hại.
  • Ngày 18 tháng 10, Cao công bố một bức thư ngỏ tới các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, truyền đi những gì anh điều tra được và kêu gọi họ chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Nói về cuộc đàn áp, đặc biệt là về sự tra tấn dã man những người tập Pháp Luân Công trong tù, Cao tâm sự: “Tôi nói với những người mà tôi phỏng vấn là… Tôi cảm thấy ngôn ngữ con người là không đủ để miêu tả những gì mà họ đã trải qua… những điều tôi viết ra thực sự không thể mô tả được những khổ đau đó.”

Ngay lập tức, Cao bắt đầu bị cảnh sát để ý. Gia đình anh nhận được lời đe dọa đầu tiên: “Cao Trí Thịnh, ông biết rất nhiều, nhưng chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi biết nơi con gái ông đi học, biết con bé đi tuyến xe buýt nào.” Quả thật, Cao phát hiện ra việc Cảnh Cách, con gái lớn của mình bị theo dõi trên đường tới trường.

15 ngày sau khi Cao công bố bức thư ngỏ, tai họa thứ hai ập tới. Cục Tư pháp Bắc Kinh buộc hãng luật của Cao phải đóng cửa. Cảnh sát bắt đầu chuyển từ âm thầm theo dõi sang giám sát công khai ngay trước văn phòng và nhà Cao.

Mặc dù vậy, Cao Trí Thịnh vẫn quyết tâm không dừng lại. Ngày 29 tháng 11, cùng với bạn mình là Tiêu Quốc Tiêu, một giáo sư ngành báo thuộc đại học Bắc Kinh, Cao đã thành công cắt đuôi được đặc vụ. Họ tới Sơn Đông, Liêu Ninh, và Cát Lâm để thực hiện một cuộc điều tra thực tế dài 17 ngày về cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngày 12 tháng 12 năm 2005, trong một căn phòng lạnh giá tại thành phố Trường Xuân tỉnh Cát Lâm, Cao viết một bức thư ngỏ thứ hai tới các lãnh đạo Trung Quốc:

“Ngài Hồ Cẩm Đào, ngài Ôn Gia Bảo, và tất cả người dân Trung Quốc: Đã đến lúc chúng ta nghiêm khắc nhìn lại chính mình! Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một nhóm người nào lớn đến vậy lại phải chịu đựng một cuộc bức hại tàn bạo và kéo dài tới như thế trong thời bình chỉ bởi vì đức tin của họ. Thảm họa này đã lấy đi mạng sống của hàng ngàn người dân vô tội đáng quý và đã cướp đi tự do của hàng trăm ngàn người. Cuộc bức hại hoàn toàn vô nhân tính này đã gây đau đớn cho hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công cùng gia đình họ. Nó thật phi lý, dối trá, và vô đạo đức! Đó là một sự chà đạp người dân Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa, và đạo đức của toàn nhân loại!”

3 4 image
Cô Nhậm Thục Kiệt sống tại Liêu Ninh bị tra tấn đến gần chết sau 3 năm bị giam giữ trong trại lao động cải tạo (Ảnh năm 2005) (Ảnh: Minghui.org)

Cao chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với đài SOH vào 4 ngày sau đó rằng: “Điều khiến tôi cảm thấy sốc nhất là việc chính quyền cho phép lạm dụng tình dục cả những công dân nữ và những công dân nam. Đó là điều mà tôi không thể tưởng tượng được. Việc hành hung bộ phận sinh dục của cả nam và nữ là thường xuyên và có hệ thống. Loại đối xử vô đạo đức và tục tĩu này đã khiến tôi ghê tởm. Hơn nữa những hành động đó lại được thực hiện bởi những kẻ mang trên mình huy hiệu quốc gia.”

1 1 image
Cô Cao Dung Dung bị hủy dung sau khi bị tra tấn bằng dùi cui điện, mất ngày 16/6/2005. (Ảnh: Minghui.org) (Xem bài: Khuôn mặt Cao Dung Dung và mặt thật của một cuộc bức hại tại TQ)

Ngay sau khi công bố bức thư ngỏ 1 ngày, Cao tuyên bố thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Anh gọi đó là “ngày tự hào nhất của cuộc đời tôi”.

Kể từ cái ngày 12 tháng 12 định mệnh đó, một loạt các tai họa đã xảy đến với Cao Trí Thịnh:

  • Ngày 17/1/2006, Cao thoát khỏi một cuộc ám sát của mật vụ Trung Quốc.
  • Ngày 15/8/2006, Cao bị cảnh sát bí mật bắt tại nhà riêng của chị gái. Toàn bộ tài sản của anh bị tịch thu. Cảnh sát dọn vào nhà Cao để theo dõi vợ và hai con anh.
  • Ngày 22/9/2006, Cao bị kết án treo, bị buộc phải thú nhận toàn bộ những gì anh công bố là bịa đặt.
  • Sau khi được thả, Cao công bố việc mình bị ngược đãi 54 ngày trong tù, và việc vợ con anh bị đưa ra làm sức ép buộc anh phải “nhận lỗi”. Cao tiếp tục bị cảnh sát bắt đi một thời gian ngắn, rồi bị đưa về quản thúc tại gia.
  • Ngày 22/9/2007, sau khi Cao công bố thư ngỏ tới cộng đồng quốc tế về thực trạng nhân quyền tại Trung Quốc, anh lại bị cảnh sát mật bắt đi.
  • Cao được thả sau đó, và công bố về việc mình đã trải qua một lần tra tấn dã man trong suốt 10 ngày bằng dùi cui điện, bị cảnh sát mật dùng tăm tre xuyên vào bộ phận sinh dục.
  • Sau thế vận hội Bắc Kinh 2008, con gái lớn của Cao là Cảnh Cách bị từ chối nhập học. Cô bé đã suy sụp tinh thần, rơi vào trầm cảm, tự hành hạ bản thân, và cố gắng tự tử nhưng không thành.
  • Tháng 2/2009, vợ Cao cùng hai con trốn thoát khỏi Trung Quốc sau nhiều năm sống trong sự quấy nhiễu và giám sát.
  • Cũng trong tháng 2/2009, Cao tiếp tục bị cảnh sát mật bắt đi, bị bí mật kết án và chỉ xuất hiện ngắn ngủi vào tháng 3/2010.
  • Tháng 4/2010, Cao một lần nữa mất tích.
  • Tháng 12/2011, thông tin về việc Cao bị tù giam 3 năm được công bố.
  • Cao được thả ra vào ngày 7/8/2014.
  • Cho đến thời điểm hiện tại, Cao Trí Thịnh đang bị quản thúc tại gia. Anh hiện chỉ nhận được một mẩu bánh mì nhỏ và một mẩu bắp cải mỗi ngày, bị từ chối chăm sóc y tế và ở trong tình trạng sức khỏe rất kém.

Người ta không thể hiểu được lý do tại sao con người ấy, bất chấp sự ly tán của gia đình, bất chấp những tra tấn dã man, lại vẫn có thể kiên cường bảo vệ chính nghĩa không quay đầu. Cao Trí Thịnh đã từng có cơ hội trốn khỏi Trung Quốc, nhưng anh đã thề sẽ ở lại để chứng kiến một thời đại bi thương của lịch sử, và để chứng kiến sự hồi sinh của nhân tính tại Trung Quốc.

Nói về sự kiên cường của Cao Trí Thịnh, luật sư nhân quyền quốc tế được đề cử giải Nobel Hòa bình, ông David Matas chia sẻ:

“Đáng khâm phục nhất là Cao Trí Thịnh đã kiên định lập trường trong khi bức hại ngày càng tăng. Anh hiểu rõ rằng bởi vì bảo vệ cho nhân quyền mà anh bị bức hại, nhưng anh vẫn không lùi bước. Với tôi, tôi mong rằng mình sẽ không ở trong hoàn cảnh như của Cao Trí Thịnh. Nhưng nếu có ở vào hoàn cảnh đó, thì tôi mong rằng mình sẽ làm được như anh ấy.”

Cao Trí Thịnh - Kỳ II: Từ đỉnh cao của danh vọng đến trắng tay
Một bức ảnh hiếm hoi của Cao Trí Thịnh vào năm 2015. (Ảnh: China Aid)

Thật vậy, Cao Trí Thịnh, luật sư nhân quyền từng 2 lần được đề cử giải Nobel Hòa bình, chính là con người tiên phong của một thời đại khổ đau ở Trung Quốc. Anh đã để lại đằng sau lưng cả một di sản về lòng nhẫn nại và dũng khí vượt qua sợ hãi…

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: