Nhớ lại hơn mười năm trước, khi gặp nhà thơ – nhà nghiên cứu Inra Sara, anh có hẹn làm một chuyến điền dã về Ninh Thuận để gặp các nghệ nhân khi tôi nói với anh muốn tìm hiểu dân ca Chăm. Cuộc hẹn không thành nhưng sau đó anh gửi tôi một băng nhạc gồm một số bài dân ca và nhạc lễ của người Chăm.

Mới đây tôi được biết nghệ nhân trẻ Kiều Maily, người biết hát khá nhiều dân ca Chăm. Với sự hợp tác của các bạn sinh viên như Jatram Padra (guitar), Ja Chien Pabhan (trống baranưng), ca sĩ Vũ Danh (phụ trách kỹ thuật), Kiều Maily đã thực hiện một băng nhạc gồm 9 bài dân ca Chăm.

Với hai băng nhạc này và một số bài hát trên mạng cùng một số sách về văn hóa Chăm, tôi thử tìm về những giai điệu, những tâm tình của người bình dân Chăm để nghe họ hát những gì, có gì tương đồng với mạch cảm hứng trong dân ca Việt hay không. Tôi hỏi Kiều Maily cho xem những bản nhạc ký âm để theo dõi khi nghe nghệ nhân hát thì cô không có sẵn. Tôi nói với Kiều Maily rằng trong chuyến đi Nhật của cô để giao lưu văn hóa Nhật-Chăm, ngoài việc giới thiệu y phục, ẩm thực, điệu múa thì với dân ca Chăm, khi mà trong tay không có bản nhạc (sheet) nào thì làm sao phổ biến rộng rãi được?

Chính trong suy nghĩ đó, tôi đã thử ký âm một số bài dân ca Chăm. Sau mấy tuần lễ làm việc, tôi đã ký âm và đặt lời Việt được 9 bài. Khi hỏi anh Sara về số bài dân ca mà người Chăm hay hát, anh cho biết người Chăm thường hát một số làn điệu nhất định, thường là khoảng 8-9 bài thôi. Tôi nghĩ công việc tìm vào di sản ca hát dân gian Chăm để ký âm và lưu giữ văn bản đúng ra cần đến một tập thể làm việc chung, nhưng trong điều kiện hiện nay thì rất khó. Âm nhạc Chăm rất phong phú, do vậy mấy bản ký âm này chỉ là bước thử nghiệm đầu tiên, cần sự góp ý của các chuyên gia để có thể hoàn chỉnh.

Người Chăm, ký âm dân ca Chăm
(Ảnh: Inra Jaya)

Chúng ta biết dân tộc Việt và Chăm cùng phát triển trên nền tảng văn minh lúa nước. Đi ngược lịch sử thời xa xưa vùng đất Đông Nam Á này nguyên là một đại lục, chưa tách thành các quần đảo, kéo dài từ miền Trung Thái Lan đến Lào, Chân Lạp, Lâm Ấp, Phù Nam, Nam Dương, Champa và Đại Việt đều chịu ảnh hưởng chung của hai nền văn hóa cổ đại là Sa Huỳnh và Óc Eo. Trên cái nền văn hóa ấy đã hình thành các quốc gia, tiểu quốc gia. Sớm nhất là nước Chi Tôn (Vyadhapura, lãnh thổ bao gồm Campuchia, Nam Thái Lan, một phần Lào, toàn bộ Nam bộ đến tận đèo Cả). Do điều kiện tự nhiên là dãy Trường Sơn ngăn trở nên vùng phía đông bắc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, trong khi ở phía nam khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ nhiều hơn. Riêng Đại Việt trên bước đường Nam tiến đã hội nhập với người dân bản địa lâu đời là người Chăm. Mối quan hệ văn hóa giữa hai dân tộc là quá trình đan xen, giao lưu, ảnh hưởng và tiếp biến khá phức tạp và tế nhị. Ta có thể tìm thấy nguồn ảnh hưởng của âm nhạc Chăm trong các làn điệu âm nhạc dân gian Huế, Trị Thiên, các điệu hò miền Trung cho đến đồng bằng Nam bộ. Người Việt trong quá trình di dân về phương Nam đã bắt gặp ngôn ngữ âm nhạc mới lạ ở vùng đất mới, có thể đã tiếp thu những nét độc đáo trong ngôn ngữ đó cùng nhiều yếu tố văn hóa khác để làm nên làn điệu riêng cho mình.

“Các bài dân ca không phải là công trình của một tài năng đơn độc mà là sản phẩm của toàn thể nhân dân… Dân ca giống như những đóa hoa huệ mọc nơi hang sâu núi thẳm mà cái đẹp trong trắng, thuần nhiên làm mờ hết màu gấm vẻ ngọc của các tác phẩm kinh viện” (Sérov). Nó xuất hiện ngay cả trước khi nghệ thuật bác học ra đời bởi nó gắn bó chặt chẽ với những hoạt động thực tiễn của con người, với lao động của cá nhân và cộng đồng trong cuộc sống.

Về nội dung các bài hát, có nhiều điểm tương đồng trong tâm tình, suy nghĩ, quan niệm luyến ái của người Chăm và Việt. Ta thấy họ có những bài ca diễn tả tình yêu quê hương, sự gắn bó với đời sống lao động trên đồng ruộng, những bài hát đối đáp, giao duyên, những bài hát về tình yêu lứa đôi…

Câu chuyện âm nhạc: Bước đầu ký âm dân ca Chăm
Bản ký âm của tác giả Nguyễn Phú Yên. Xem toàn bộ tại đây.

Về ngôn ngữ âm nhạc, phần lớn các bài dân ca Chăm hình thành từ thang âm ngũ cung như người Việt. Trong số các bài ký âm, ta nhận ra thang âm ngũ cung này dưới 3 dạng:

  • do re fa sol la (như thang âm cơ bản điệu Bắc của người Việt – bài Nit lô, chuyển cung lấy re làm chủ âm);
  • do re mi sol la (như ngũ cung hơi ai trong nhạc Huế – chuyển cung lấy la làm chủ âm, như các bài Kathơng Glong Lơi, Chăm Bini, Chiim, Adoh dăm dara, hoặc chuyển cung lấy sol làm chủ âm như bài Adoh Pađao),
  • do mib fa sol la (như ngũ cung hơi oán trong nhạc Huế và thang âm vọng cổ của người Nam bộ – các bài Pôic Jal, Bbuah kăr ka văk).

Thang âm ngũ cung người Việt cũng như người Chăm có nhiều dạng khác nhau nhưng đều dựa trên cái trục cơ bản với những âm bậc trụ cột là do fa sol do. Họ thường dùng trục cơ bản của giai điệu là những âm trụ cột và phát triển cao độ bài hát ở bên trên hoặc bên dưới cái trục đó. Bài hát thường kết thúc ở chủ âm (tonique, bậc 1) hoặc ở áp âm (dominant, bậc 5).

Trong các bài dân ca được ký âm, tôi đặc biệt chú ý bài Adoh Pađao (Hát đối đáp). Không như các bài khác, khúc hát này vào đề với giai điệu ở bậc 4 khiến người nghe ngạc nhiên, để rồi đến cuối câu, giai điệu mới trở về âm giai chính một cách rất ngọt ngào cho đến lúc kết thúc. Tuy vậy thủ pháp này không nhiều.

Cũng giống như trong dân ca Việt Nam, ở dân ca Chăm, một số bài kết thúc trọn vẹn ở chủ âm như để diễn tả tình cảm dứt khoát, rõ ràng như các bài Kathơng Glong lơi (Người tình ơi), Adoh Pađao (Hát đối đáp), Chiim (Chim), Nit lô (Thương lắm), Anit (Thương anh)… Một số bài lại kết thúc không trọn ở bậc 5 như để diễn tả tình cảm chơi vơi, còn vương vấn chưa dứt, nói chưa cạn lời như trong các bài Chăm Bini (Chăm Bà ni), Pôic Jal (Hát vãi chài), Adoh dăm dara (Khúc giao duyên), Bbuah kăr ka văk (Than thân trách phận)…

Về chủ đề (môtip) và cách tiến hành giai điệu, qua các bài hát đã ký âm ta thấy người Chăm có nguồn cảm hứng tự nhiên, chân chất, trực tiếp, không có nhiều thủ pháp vòng vo để dẫn đến tình cảm chính như trong một số bài dân ca Việt. Ngay từ chủ đề người nghe nhận ra nội dung của tâm tình, không cần đến sự phát triển trong cấu trúc phức tạp cũng như cách tiến hành giai điệu mở rộng như trong các bài hát nghệ thuật chuyên nghiệp. Đó chính là đặc điểm chung của dân ca Chăm.

Tháng 11-2017
Nguyễn Phú Yên

Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả.

Tham khảo các bản ký âm của tác giả bài viết tại đây

Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về dân ca Chăm có thể liên lạc tác giả qua Facebook: Nguyễn Phú Yên.

Mời nghe 9 bài dân ca Chăm ở đây:

Xem thêm: