Thành ngữ “Trung ngôn nghịch nhĩ”, lời nói ngay thẳng thường khó nghe, được dùng để chỉ những lời nói mang ý tốt, lời khuyên bảo ngay thẳng, thường thường sẽ không phù hợp với suy nghĩ của người nghe và khó chấp nhận. Tuy nhiên nếu ai có thể lắng nghe được những lời góp ý, có khả năng tiếp thu được chỗ tốt và lọc bỏ những điều chưa thấu đáo, thì chính là người sáng suốt và minh trí vậy.

“Lời nói ngay thẳng thường khó nghe” là câu xuất phát từ “Sử Ký. Lưu Hầu thế gia”. Nguyên văn của câu nói là: “Trung ngôn nghịch nhĩ lợi vu hành, lương dược khổ khẩu lợi vu bệnh”, nghĩa là lời nói ngay thẳng khó nghe nhưng có lợi cho hành động, thuốc tốt tuy đắng nhưng có lợi cho trị bệnh. Câu chuyện về thành ngữ này như sau.

Sau khi cùng Hạng Vũ ước hẹn trong số chư hầu, “Ai tới Quan Trung trước làm vương”, Lưu Bang theo kế của Trương Lương, thi hành sự khoan dung với những thành chiếm được, nên thuận lợi tiến quân. Trong khi đó, quân Tần sợ bị Hạng Vũ giết nên ra sức ngăn chặn quân của Hạng Vũ.

Năm 207 TCN, sau khi Lưu Bang dẫn đại quân đến Hàm Dương, chiếm được cung thất nhà Tần liền tiến vào xem xét. Vừa thấy cung thất nguy nga tráng lệ với vô số vàng bạc châu báu và mỹ nữ, Lưu Bang đã động tâm. Ông vốn trưởng thành nơi thôn dã, chưa từng bao giờ trải qua điều như vậy, vì thế định ở lại cung điện để được trải nghiệm cuộc sống của Hoàng đế thay vì trở về Bá Thượng nơi các binh sĩ đang chờ đợi.

Thuộc cấp Phàn Khoái của Lưu Bang biết ý liền hỏi: “Liệu ngài muốn được cả thiên hạ hay chỉ muốn làm người giàu sang phú quý?”

Lưu Bang trả lời: “Ta đương nhiên là muốn được cả thiên hạ!”

Phàn Khoái chân thành nói với Lưu Bang: “Châu báu và mỹ nữ chính là điều đã làm nhà Tần diệt vong. Mong ngài lập tức trở về doanh trại, không nên ở lại.”

Câu chuyện thành ngữ: Lời nói ngay thẳng thường khó nghe
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Lưu Bang nghe những lời khuyên can này của Phàn Khoái thì cho là không đúng, khăng khăng ở lại trong cung.

Trương Lương biết được chuyện này liền gặp Lưu Bang nói: “Tần Vương vô đạo, sống xa hoa, dân chúng lật đổ ông ta, ngài mới có thể vào đây. Ngài vì thiên hạ mà diệt trừ bạo quân, lẽ ra nên cần cù tiết kiệm. Bây giờ vừa vào đến đất Tần đã muốn hưởng thụ. Lời nói ngay thẳng chính trực thường không dễ nghe nhưng có lợi cho hành động, thuốc tốt tuy có vị đắng, nhưng chữa được bệnh. Ngài nên theo lời của Phàn Khoái.”

Lưu Bang nghe xong những lời khuyên này đã tỉnh ngộ, lập tức hạ lệnh cho đại quân đóng cửa niêm phong cung điện, trở về Bá Thượng. Việc làm này khiến ông được lòng người dân, cũng khiến chư hầu nể phục. Bản thân mưu thần Phạm Tăng của Hạng Vũ thấy Lưu Bang có thể vượt qua châu báu và nữ sắc thì vô cùng e dè, nhiều lần muốn giết chết Lưu Bang. Nhưng cuối cùng Hạng Vũ trúng kế ly gián, mất Phạm Tăng, và sau này cũng dần dần bị Lưu Bang đánh bại.

Con người trong quá trình sinh ra và lớn lên, bởi vì chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những yếu tố bên ngoài nên trong tư tưởng sẽ sản sinh ra rất nhiều loại quan niệm. Những lời nói phù hợp với quan niệm của mình thì thường vui vẻ tiếp nhận còn những lời nói không phù hợp với quan niệm của mình thì lại cực lực bài xích, có tiếp nhận cũng là miễn cưỡng.

Lời nói thật, chân thành và ngay thẳng tuy khó nghe nhưng lại có lợi cho hành động. Học được cách lắng nghe ý kiến bất đồng và lời khuyên của người khác sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho bản thân chúng ta. Bậc trí giả xưa nay đều có thể mỉm cười bao dung với cả những ý kiến bất đồng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: