Thời cổ đại có không ít nhân vật lịch sử bị xử chết vì một lý do rất hoang đường, vô lý. Đôi khi họ là những người trung nghĩa, có tiết tháo và đầy lòng nhân hậu. Bởi vậy khi nói về cái chết của họ, người xưa thường dùng thành ngữ “muốn vu tội cho người, lo gì không tìm thấy cớ”.

Câu chuyện thành ngữ: Muốn vu tội cho người, lo gì không tìm thấy cớ
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Năm xưa tướng quân Nhạc Phi của triều Tống là người nhân nghĩa trung hiếu, đã có công giành lại phần lớn Giang Sơn cho nhà Tống. Nhưng vì lợi ích và sợ hãi, gian thần Tần Cối đã thông đồng với kẻ địch, muốn hại chết tướng quân Nhạc Phi. Lúc bấy giờ Tống Cao Tông nghe lời Tần Cối đã triệu hồi Nhạc Phi. Tần Cối lại vu tội cho Nhạc Phi và con trai ông.

Sau khi sự tình xảy ra, lão tướng Hàn Thế Trung không nhịn được đã vội vã đến chất vấn Tần Cối. Tần Cối liền vòng vo đáp: “Chứng cớ việc Nhạc Phi và Nhạc Vân gửi thư cho Trương Hiến, mặc dù không rõ ràng, cũng không cần có”. Hàn Thế Trung vô cùng tức giận quát lên: “Ba chữ ‘không cần có’ lẽ nào có thể khiến người trong thiên hạ phục được?” Đây chính là câu chuyện nổi tiếng trong lịch sử thể hiện rõ thành ngữ “muốn vu tội cho người, lo gì không tìm thấy cớ”.

Thời kỳ Xuân Thu, nước Tấn có nạn Ly Cơ. Tấn Hiến Công vì sủng ái Ly Cơ mà giết oan Thái tử, lập con Ly Cơ là Hề Tề. Hai người con khác của Tấn Hiến Công là Trọng Nhĩ và Di Cơ phải lưu lạc sang nước khác.

Sau khi Tấn Hiến Công qua đời, nước Tấn xảy ra nội loạn. Đại phu Lý Khắc giết Hề Tề và phái người nghênh đón Trọng Nhĩ về nước. Tuy nhiên Trọng Nhĩ đã từ chối chức vị. Lý Khắc và các đại thần đành gọi Di Ngô về nước.

Dưới sự giúp đỡ của nước Tần và nước Tề, Di Ngô trở về nước lên làm Tấn Huệ Công. Sau khi Tấn Huệ Công lên ngôi đã không giữ lời hứa ban thái ấp cho Lý Khắc. Tấn Huệ Công luôn sợ hãi Lý Khắc sẽ mưu phản. Trước khi diệt trừ Lý Khắc, Tấn Huệ Công đã phái Cốc Nhuế đến nhà Lý Khắc truyền rằng:Nếu không có ngươi, ta sẽ không có cơ hội làm quốc quân. Nhưng ngươi đã lần lượt giết chết hai vị quốc quân và một đại phu, vậy làm quốc quân của ngươi chẳng phải là quá khó rồi sao?”

Lý Khắc vừa nghe xong, hiểu được ý tứ của Di Ngô nên tức giận nói: “Muốn vu tội cho người khác thì không lo không tìm được cái cớ. Ta đã nghe mệnh lệnh rồi!”  Nói xong, Lý Khắc rút kiếm tự vẫn.

Trong cuộc sống, có thể nhìn vào điểm tốt và nói tốt về người thì khó, còn muốn nói xấu, nói tội cho người ta thì đều rất dễ dàng. Bởi vậy đối với việc đánh giá người khác, đối với những chuyện thị phi, thì người ta cần xem xét một cách cẩn trọng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: