Đằng sau những chiếc chuông được hoàng đế Càn Long sử dụng trong nghi thức tế Trời đất, Thần linh, Ngũ nhạc và tổ tiên, lại là một câu chuyện thú vị về cổ vật và nhạc lý.

Đồ đồng Trung Hoa thường gợi lên nhiều giả thiết về công dụng và nguồn gốc của chúng. Người xưa cho rằng đồ đồng cổ có ý chí riêng của chúng, có tiếng nói riêng, và thậm chí có quyền năng để lựa chọn nơi chúng sẽ xuất hiện, làm cách nào chúng được tìm thấy, hay người nào được phép cất giữ chúng. Nhưng tất nhiên, không phải cổ vật bằng đồng nào cũng sở hữu cái quyền năng đó. Những cổ vật kém cỏi hơn sẽ bị vứt vào một xó xỉnh nào đó, và bị lãng quên…

Câu chuyện về 12 chiếc chuông dùng trong nghi thức tế Trời của hoàng đế Càn Long
Hoàng đế Càn Long và một chiếc Bác Chung từ thời nhà Thanh. (Nguồn: Wikipedia, Sotheby)

Năm 1759, một người nông dân ở Bắc Hương, Tân Dụ, Giang Tây, đã đào được 11 chiếc chuông đồng cổ đặc biệt. Dù kích cỡ có khác nhau, chúng vẫn mang cùng một loại cổ văn cũng như họa tiết trang trí. Đại thần quân cơ người Mãn Châu ở Giang Tây là A Tư Hà đã nhanh chóng thu lại những cổ vật ấy và đưa chúng về Bắc Kinh để dâng lên hoàng đế Càn Long. Ông ta viết trong thư rằng những chiếc chuông ấy dường như là một loại nhạc cụ dành cho triều đình hay một ngôi đền, và không phải là thứ mà người thường có thể cất giữ.

Ngay khi 11 chiếc chuông về tới Bắc Kinh, hoàng đế Càn Long đã cho vời các đình thần uyên bác tới để nghiên cứu chúng. Những cổ văn được giải nghĩa, và 11 chiếc chuông được liệt vào loại Bác Chung (鎛鍾) có từ thời nhà Chu (1045-256TCN). Những cổ văn, họa tiết trang trí, và âm thanh của 11 chiếc chuông đều cho thấy chúng thuộc về một bộ Bác Chung – nhưng không được đầy đủ.

04 7
Bác Chung. (Ảnh: Sotheby)

Hoàng đế Càn Long đã dành nhiều tâm sức cho 11 chiếc chuông cổ này. Trong “Vận Cổ đường kí”, Càn Long nhận thấy âm điệu của 11 chiếc chuông cổ không giống như chuẩn mực về nhạc lý thời bấy giờ và giải thích rằng có lẽ thời gian lâu dài qua hàng ngàn năm đã khiến cho chúng không còn mang âm điệu như ban đầu.

Vị hoàng đế tài hoa thông qua nhạc lý cũng chỉ ra rằng một bộ Bác Chung này cần phải có 12 chiếc chuông, phân chia thang âm ra làm 12 mức (cũng giống như 7 nốt nhạc chia thang âm thành các quãng tám trong âm nhạc hiện đại). 12 âm đó được gọi là: hoàng chung, đại lữ, thái thốc, giáp chung, cô tẩy, trọng lữ, nhuy tân, lâm chung, di tắc, nam lữ, vô xạ, ứng chung.

Để hoàn thiện bộ chuông này, hoàng đế Càn Long đã quyết định cho đúc chiếc chuông bị thất lạc, chính là chiếc có âm “đại lữ”. Sau khi chiếc “đại lữ” được đúc, nguyên nhân Càn Long đúc chuông đã được khắc theo cổ văn lên mặt chuông.

Câu chuyện về 12 chiếc chuông dùng trong nghi thức tế Trời của hoàng đế Càn Long
Bác Chung. (Tranh: ihp.sinica.edu.tw)

Những chiếc Bác Chung tới Bắc Kinh đúng vào khoảng thời gian Càn Long nhận được tin nhà Thanh thắng trận vào năm 1759. Vì vậy, ông cho rằng trời cao đã ban cho mình Thần vật để mở rộng lãnh thổ. Trước đó vào năm 1755, lợi dụng cuộc nội chiến trong đế quốc du mục Chuẩn Cát Nhĩ, hoàng đế Càn Long đã tấn công vào kinh đô Y Lê của Chuẩn Cát Nhĩ và giành thắng lợi. Sau đó, nhà Thanh tấn công những người Hồi giáo ở Đông Turkestan. Cho tới năm 1759, toàn bộ vùng Bắc và Nam dãy Thiên Sơn đã nằm dưới quyền cai trị của nhà Thanh. Nó chính là vùng Tân Cương (lãnh thổ mới) của Trung Quốc ngày nay.

Sau khi hoàn thành bộ 12 chiếc Bác Chung, hoàng đế Càn Long đã cho trưng bày chúng ở Vận Cổ đường, phía bắc Tây Uyển, trên bờ sông Thái Dịch, chính là Trung Nam Hải ngày nay. 12 chiếc chuông đã nằm ở đó cho tới năm 1900, khi chúng bị cướp đi trong cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn. Hiện chỉ có 4 chiếc chuông còn tồn tại: 2 chiếc nằm ở Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Loan, 1 nằm ở Cố Cung Bắc Kinh, và chiếc cuối cùng nằm ở bảo tàng Thượng Hải.

Cùng với “Vận Cổ đường kí”, hoàng đế Càn Long đã viết 18 bài thơ dành cho 12 chiếc Bác Chung này. Là một nhà sưu tập tài hoa, thông thạo thư họa, ngọc, gốm, Càn Long đã viết rất nhiều bài kí và thơ dành cho các tuyệt tác trong bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên đối với đồ đồng cổ thì ông đối đãi hết sức thận trọng, bởi vì người xưa quan niệm rằng chỉ có chủ nhân đầu tiên của đồ đồng mới có thể khắc văn tự lên chúng. Chính vì thế, khi nhận được 11 chiếc chuông cổ, Càn Long không có ý định lưu lại bút tích của bản thân mình. Ông chỉ lưu lại nó trên chiếc “đại lữ” thứ 12 do đích thân ông ra lệnh đúc.

Câu chuyện về 12 chiếc chuông dùng trong nghi thức tế Trời của hoàng đế Càn Long
Những chiếc chuông được sử dụng trong lễ nhạc. (Ảnh: Calton, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Sau khi trưng bày bộ 12 chiếc Bác Chung ở Vận Cổ đường, hoàng đế Càn Long đã ra lệnh đúc và sử dụng loại Bác Chung này cho Trung Hòa thiều nhạc, loại nhạc được sử dụng trong nghi thức tế Trời đất, Thần linh, Ngũ nhạc và tổ tiên. Đồng thời, những chiếc chuông này còn được sử dụng trong các dịp đặc biệt khác như diễu hành vào dịp năm mới, Đông chí, và kỷ niệm ngày sinh của hoàng đế.

Tham khảo từ bài viết Qianlong’s Divine Treasures: The Bells in Rhyming-the-Old Hall
Bạch Tuyết biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: